Bộ Công Thương yêu cầu điều chỉnh chiết khấu xăng dầu cho cửa hàng bán lẻ

Kỳ Thư - 08/03/2023 18:55 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Công Thương yêu cầu đầu mối, thương nhân phân phối điều chỉnh chiết khấu hợp lý cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhằm bảo đảm không bị gián đoạn nguồn cung.

VNF

Giá dầu thế giới đang có những diễn biến phức tạp

Bộ Công Thương vừa có công văn gửi các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối yêu cầu thực hiện một số giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Cụ thể, Bộ đánh giá thị trường xăng dầu thế giới đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là những diễn biến của cuộc xung đột tại Ukraine. Dự trữ xăng dầu ở nhiều nước đang giảm và nhu cầu nhập khẩu tăng cao, giá dầu thô thế giới đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng và vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp.

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối triển khai ngay việc nhập khẩu xăng dầu theo kế hoạch đã được Bộ giao từ đầu năm và lượng nhập khẩu giao bổ sung ngày 24/2. Việc này sẽ giúp bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước.

Các doanh nghiệp đầu mối cũng cần công khai nguồn hàng nhập và xuất bán cho thị trường, có báo cáo về Bộ Công Thương trước ngày 20 hàng tháng.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối điều chỉnh chiết khấu một cách hợp lý để bảo đảm không bị gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh. Các doanh nghiệp phải duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ trực thuộc, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, cung cấp đủ xăng dầu cho cửa hàng bán lẻ.

Trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu nào thiếu hàng để bán, thương nhân cấp hàng phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định. Nếu cơ quan chức năng phát hiện hành vi đầu cơ, găm hàng tại bất cứ doanh nghiệp nào, cơ quan đó sẽ bị kiểm tra, xem xét, xử lý nghiêm theo quy định.

Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu đúng quy định, bám sát diễn biến giá thế giới. Trường hợp giá xăng dầu thế giới có biến động bất thường, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ thời điểm điều hành giá xăng dầu phù hợp.

Doanh nghiệp bán lẻ bù lỗ để duy trì hoạt động kinh doanh

Trước đó, như Tạp chí Đầu tư Tài chính đưa tin, các doanh nghiệp bán lẻ đang đồng loạt kêu lỗ và đề xuất mức chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ là từ 5-6%.

Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh), cho rằng chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ luôn là đề tài nóng, bởi vì hơn một năm qua, họ phải dùng tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh.

“Sự việc này các doanh nghiệp bán lẻ chỉ nghĩ rằng sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng không ngờ nó diễn ra hơn một năm qua, đã làm cho doanh nghiệp bán lẻ lỗ nặng nề, bị kiệt quệ về tài chính, có người phải bán cả ruộng vườn, đất đai, thậm chí cầm cố tài sản để bù lỗ. Để phục vụ bình ổn thị trường theo mệnh lệnh hành chính, dù lỗ vẫn phải bán. Đây là hình thức cưỡng bức doanh nghiệp bán lẻ”, ông Tây nói.

Ông Tây cũng chia sẻ rằng: “Một số người nói kinh doanh có lúc lời lúc lỗ. Tuy nhiên, tôi cho rằng phát biểu như vậy là chưa chuẩn, bởi vì doanh nghiệp nào cũng quyết toán năm tài chính là trọn 1 năm, mà khi quyết toán thì 20% nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và phân chia các quỹ khen thưởng, phúc lợi và bù lỗ các năm trước còn lỗ. Nên doanh nghiệp bán lẻ cũng không còn nguồn lực tài chính để gánh lỗ kéo dài hơn 1 chu kỳ kinh doanh”.

Đại diện doanh nghiệp cũng cho rằng sau ngày 14/2/2023, hội nghị góp ý sửa đổi Nghị định 95 về xăng dầu được tổ chức ở VCCI thì chiết khấu xăng dầu bắt đầu tăng lại từ 1.000 - 1.500 đồng/lít, tùy khu vực.

“Đây là hiện tượng không bình thường. Vậy chiết khấu này từ đâu mà có trong khi nghị định chưa sửa lại và diễn biến thị trường không hề thay đổi? Phải chăng do không phân chia rõ chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức ở các khâu, nên doanh nghiệp đầu mối lợi dụng gom hết phần này? Nay thấy không thể thâu tóm được tất cả nên phải trích ra cho doanh nghiệp bán lẻ?”, ông Tây nêu.

Cũng theo ông Tây, Bộ Công Thương luôn giải thích chiết khấu là do “thỏa thuận để tạo công bằng, cạnh tranh”, tuy nhiên những gì diễn ra suốt hơn 1 năm qua đã chứng minh điều ngược lại, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ là do sự “ban phát” từ doanh nghiệp đầu mối. Trong khi đó, chiết khấu 0 đồng thì chắc chắn là sẽ có khâu khác gom hết của doanh nghiệp bán lẻ.

Cùng chuyên mục
Tin khác