Bộ GTVT đề xuất thí điểm Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại

Chí Bình - 25/09/2021 15:28 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đánh giá việc Chính phủ phát hành trái phiếu và cho địa phương vay lại giúp địa phương có thể huy động vốn hiệu quả hơn do Chính phủ phát hành trái phiếu sẽ có mức lãi suất suất thấp, huy động dễ dàng hơn trên thị trường tài chính.

VNF
Bộ GTVT đề xuất Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù thí điểm Chính phủ được phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại.

Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025.

Theo Bộ GTVT, 5 năm tới (2021 - 2025) sẽ phải hoàn thành trên 2.000km đường bộ cao tốc, tổng vốn cần huy động khoảng 393.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước bố trí khoảng 239.500 tỷ đồng, còn lại 153.500 tỷ đồng cần huy động vốn ngoài ngân sách. Đây là thách thức rất lớn cả về thời gian và nguồn lực.

Để đạt được mục tiêu “đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông”, Bộ GTVT cho rằng cần có các giải pháp đột phá về cơ chế, chính sách cho đầu tư phát triển đường bộ cao tốc.

Đặc biệt, Bộ nhấn mạnh cần tập trung tháo gỡ một số vướng mắc, khó khăn khi áp dụng quy định tại các văn bản luật bao gồm: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Khoáng sản, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), tạo hành lang pháp lý thông thoáng, nguồn lực tài chính, đồng thời đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả đầu tư của các dự án phát triển đường bộ cao tốc.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT cho biết phải hoàn thành khoảng 2.000km đường bộ cao tốc. Trong số đó, nhà nước ưu tiên những vùng động lực có sức lan tỏa lớn và những vùng khó khăn, tập trung hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc vành đai đô thị tại Hà Nội, TP. HCM, vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc.

Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ GTVT đánh giá việc xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá để thực hiện thí điểm trong 5 năm (2021-2025) khác với quy định của pháp luật hiện hành (như tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP, huy động nguồn lực, chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, di dời hạ tầng kỹ thuật giải phóng mặt bằng, nguồn cung cấp nguyên vật liệu) trình Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết, làm cơ sở để triển khai thực hiện, sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm để đề xuất triển khai cho giai đoạn 2026-2030 là hết sức cần thiết.

Đề xuất vốn nhà nước tham gia dự án PPP có thể vượt quá 50% tổng mức đầu tư

Theo Bộ GTVT, trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước khó khăn, cần thực hiện chủ trương huy động tối đa nguồn lực xã hội, đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư.

Đối với các dự án có lưu lượng vận tải lớn, nhu cầu cấp bách thời gian qua đã được đầu tư. Một số dự án đang chuẩn bị đầu tư để triển khai giai đoạn tới nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho một số vùng, miền còn khó khăn, các dự án này có nhu cầu vận tải giai đoạn đầu chưa cao nên cần có sự tham gia vốn nhà nước nhiều hơn để đảm bảo tính khả thi khi kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP.

Đối với một số dự án có nhu cầu vận tải thấp hoặc suất đầu tư cao, nếu áp dụng đúng quy định “vốn nhà nước tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án” sẽ khó bảo đảm hiệu quả tài chính và không thể hấp dẫn các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng để triển khai theo phương thức PPP.

Đặc biệt một số dự án chỉ tính riêng chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư đã vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án.  

Bộ GTVT cho rằng cần điều chỉnh quy định về mức vốn nhà nước tham gia dự án PPP có thể vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án. Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án được tính toán, cân nhắc trên cơ sở tính khả thi của từng dự án, đồng thời đảm bảo nguyên tắc quản lý đầu tư theo phương thức PPP. 

Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất ban hành cơ chế đặc thù thí điểm khác với quy định tại Luật PPP, áp dụng đối với các dự án đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, để đảm bảo tính khả thi đối với một số dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án xem xét, quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án.

Thí điểm Chính phủ được phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại

Cũng trong dự thảo, Bộ GTVT cho biết thời gian vừa qua, nhiều địa phương kiến nghị trường hợp phân cấp cho địa phương triển khai đầu tư các dự án đường bộ cao tốc quan trọng, cấp bách, Chính phủ phát hành gói trái phiếu và cho địa phương vay lại, các địa phương có trách nhiệm hoàn trả từ các nguồn thu của địa phương (đặc biệt là nguồn tăng thêm từ khai thác quỹ đất được hình thành sau khi dự án đường bộ cao tốc đưa vào khai thác).

Tuy nhiên, hiện chưa có hành lang pháp lý đối với hình thức Chính phủ phát hành trái phiếu với mục đích cho địa phương vay lại; đồng thời, việc địa phương vay lại có thể vượt quá mức dư nợ vay của địa phương.

Do vậy, Bộ GTVT cho rằng cần có cơ chế để Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại để thực hiện các dự án đường bộ cao tốc khi được phân quyền.

Bộ GTVT đề xuất Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù thí điểm Chính phủ được phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại và tính vào bội chi của ngân sách địa phương; đồng thời cho phép các địa phương sử dụng nguồn vốn này được áp dụng mức dư nợ vay theo thực tế số vốn Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại.

Việc Chính phủ phát hành trái phiếu và cho địa phương vay lại, theo Bộ GTVT, có thể giúp địa phương huy động vốn hiệu quả hơn do Chính phủ phát hành trái phiếu sẽ có mức lãi suất suất thấp, huy động dễ dàng hơn trên thị trường tài chính (Chính phủ có thể phát hành trái phiếu với kỳ hạn dài và lãi suất thấp (hiện nay kỳ hạn trên 10 năm, lãi suất khoảng 2 - 3%/năm).

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng kiến nghị ban hành cơ chế đặc thù thí điểm khác với quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/4/2016 của Chính phủ.

Cụ thể, được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn lập dự án, tư vấn lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, tư vấn giám sát thi công xây dựng, các gói thầu thực hiện công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.

Bộ GTVT cũng kiến nghị ban hành cơ chế đặc thù thí điểm khác với quy định tại Luật Khoáng sản, áp dụng đối với các dự án đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, nhà đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng được cấp quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, cát, đá) mà sản phẩm khai thác chỉ sử dụng cho các dự án đường bộ cao tốc thì không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án đường bộ cao tốc đi qua được khoanh định khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nêu trên là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Cùng chuyên mục
Tin khác