(VNF) - Sau Tập đoàn Đèo Cả, mới đây, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM (CII) đã công bố phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để thu hút khoảng 500 tỷ đồng để trả nợ ngân hàng và đầu tư vào các PPP giao thông. Tuy nhiên, liệu TPDN của CII có hấp dẫn nhà đầu tư?
Chưa bán hết trái phiếu cũ đã... phát hành thêm
Theo ghi nhận của VietnamFinance, sau 20 năm phát triển, CII là "ông chủ" tại nhiều dự án lớn về giao thông, bất động sản và nước sạch.
Đáng chú ý, các dự án của CII có quy mô lớn, với vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng, ví dụ như: Dự án mở rộng Xa Lộ Hà Nội giai đoạn 2; Dự án Cầu Sài Gòn 2; Dự án cầu Rạch Chiếc; Dự án Cao Tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1, dự án đầu tư hạ tầng trong khu dân cư phía bắc và hoàn thiện trục đường Bắc – Nam trong khu đô thị mới Thủ Thiêm,…
Trong lĩnh vực bất động sản, chủ đầu tư CII đã tạo dấu ấn khi phát triển thành công các nhà phố, căn hộ phân khúc cao cấp, hạng sang tại các vị trí vàng như: Thủ Thiêm Lakeview, Chung cư Lữ Gia Plaza, Chung cư 155 Nguyễn Chí Thanh,…
Do nguồn vốn đầu tư quá lớn, nên dòng tiền của CII trong hoạt động kinh doanh chính không đủ, khiến doanh nghiệp (DN) phải huy động vốn vay và vốn chủ sở hữu để có thể phục vụ nhu cầu mở rộng kinh doanh.
Vì thế, tháng 9/2020, CII dự kiến huy động 1.194,2 tỷ đồng, trái phiếu có thời gian 5 năm, lãi suất 11%/năm, trả lãi 6 tháng 1 lần. Loại trái phiếu này có thể chuyển đổi thành cổ phiếu, không có tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền.
Đến tháng 9/2021, dù chưa huy động xong 1.194,2 tỷ đồng trái phiếu nhưng CII tiếp tục lên kế hoạch huy động thêm 1.600 tỷ đồng trái phiếu.
Trong đó, có 500 tỷ đồng trái phiếu thanh toán gốc vay tại ngân hàng VPBank và 235 tỷ đồng sẽ đầu tư vào cao tốc Trung Lương - Mỹ thuận và dự án Xa lộ Hà Nội.
Việc chưa bán hết số trái phiếu 1.194,2 tỷ đồng, nhưng CII vẫn tiếp tục phải phát hành thêm trái phiếu huy động vốn cho 2 dự án giao thông cho thấy, đến thời, trái phiếu của CII chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Đồng thời, dòng tiền của đơn vị này đang có nhiều bất ổn trong phương án trả nợ và huy động vốn.
CII bị đè nặng bởi khối nợ 17.500 tỷ
Theo báo cáo của CII, trong vài năm trở lại đây, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp liên tục sụt giảm (ngay cả trước khi covid -19 xuất hiện). Trong khi dòng tiền đầu tư tiếp tục tăng khiến doanh nghiệp phải tiếp tục vay nợ, điều này gia tăng áp lực nợ lên công ty mẹ CII.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2018 dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của CII chỉ tạo ra được 715,6 tỷ đồng, trong khi dòng tiền đầu tư lên tới 2.551,2 tỷ đồng, doanh nghiệp phải đẩy mạnh vay nợ.
Bước sang năm 2019, dòng tiền hoạt động kinh doanh sụt giảm thảm hại chỉ đạt 135,2 tỷ đồng, trong khi dòng tiền đầu tư là 1.045,7 tỷ đồng, doanh nghiệp tiếp tục tăng vay nợ bù đắp dòng tiền.
Bước sang năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, hoạt động kinh doanh của CII bị ảnh hưởng nặng nề, hoạt động kinh doanh chính âm kỷ lục 1.393,9 tỷ đồng, bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện huy động dòng tiền bằng trái phiếu doanh nghiệp để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.
Bước sang năm 2021, tình hình kinh doanh tiếp tục lao dốc khiến CII chịu rất nhiều áp lực lãi vay. Tính tới 30/6/2021, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng thêm 5,6% so với đầu năm. Tương ứng tăng thêm 922,5 tỷ đồng lên 17.500,7 tỷ đồng và chiếm 57,8% tổng tài sản.
Đáng chú ý, doanh nghiệp đang chịu áp lực thanh toán các khoản vay và nợ thuê tài chính trong vòng 1 năm là 874,6 tỷ đồng, lịch thanh toán các khoản trái phiếu thường là 1.111 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ sở hữu tiền và đầu tư tài chính 1.050,3 tỷ đồng, ngoài ra còn chịu áp lực thanh toán lãi vay với tổng nợ vay lên tới 17.500,7 tỷ đồng.
Như vậy, với việc hoạt động thu phí BOT bị ảnh hưởng, cũng như hoạt động bất động sản bị ảnh hưởng, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới dòng tiền vào Công ty. Trong khi đó, Công ty vẫn chịu áp lực trả lãi vay và các khoản nợ vay tới hạn trong vòng 1 năm tới.
Xét về hoạt động kinh doanh, 6 tháng đầu năm, CII ghi nhận doanh thu đạt 2.032,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 104,9 tỷ đồng, lần lượt tăng 80,2% và giảm 72,3% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Xét về dòng tiền, dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, dòng tiền kinh doanh chính âm 802,1 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 903,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 139,7 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 899,4 tỷ đồng (doanh nghiệp chủ yếu tăng vay nợ dẫn tới dòng tiền tài chính dương). Như vậy, doanh nghiệp đã gia tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh chính trong kỳ.
Với bức tranh tài chính ảm đạm, có lẽ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của CII sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là khi CII dự kiến đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được bảo đảm bằng tài sản. Lãi suất chi trả cố định và không quá 10,5%/năm.
(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.