Bộ GTVT tìm hiểu kinh nghiệm phát triển đường sắt cao tốc của Trung Quốc
Chí Bình -
03/06/2023 18:55 (GMT+7)
(VNF) - Mới đây, đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng dẫn đầu đã có chuyến công tác tại Trung Quốc để tìm hiểu về kinh nghiệm phát triển đường sắt cao tốc của Trung Quốc.
Tại các cuộc làm việc, 2 bên đã trao đổi về tình hình hợp tác giao thông vận tải. Theo đó, tháng 12/2022, Bộ GTVT 2 nước đã ký thỏa thuận bổ sung thêm 15 tuyến vận tải và 2 cặp cửa khẩu vào danh mục cặp cửa khẩu thực hiện vận tải đường bộ quốc tế Việt – Trung, nâng tổng số cặp cửa khẩu thực hiện vận tải đường bộ là 9 cặp và 35 tuyến vận tải đường bộ giữa 2 nước.
Từ tháng 3/2023, hoạt động hàng không giữa 2 nước cũng đã dần khôi phục trở lại, các hãng hàng không hai nước đã có kế hoạch khai thác trở lại các đường bay giữa 2 nước như đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Nam Kinh, Thâm Quyến, Trùng Khánh, Vũ Hán, Nam Ninh, Thiên Tân của Trung Quốc và Hà Nội, TP. HCM, Nha Trang, Đà Lạt của Việt Nam.
Hiện tại đã có 7 hãng hàng không của Trung Quốc khai thác 10 đường bay từ 9 thành phố của Trung Quốc đến Hà Nội và TP. HCM với tổng tần suất 93 chuyến khứ hồi/tuần. Các hãng hàng không của Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airway cũng đang khai thác từ Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM, Cam Ranh, Đà Lạt đến các điểm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Trùng Khánh, Hồ Nam, Hàng Châu, Nam Ninh…
Tại các cuộc làm việc, 2 bên cùng nhất trí thúc đẩy tăng cường hợp tác trong tất cả các lĩnh vực vận tải đường bộ, hàng không, hàng hải, đường sắt và đường sông nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại và giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Theo đó, 2 bên cam kết tạo thuận lợi hơn nữa cho các đơn vị vận tải hành khách đường bộ giữa 2 nước, nghiên cứu sửa đổi bổ sung Hiệp định vận tải đường bộ Việt -Trung, tạo điều kiện trong việc cấp slot lịch sử trên cơ sở có đi có lại và xem xét cấp mới thêm slot cho các hãng hàng không hai nước; tích cực trao đổi việc đàm phán Hiệp định vận tải đường sắt mới thay thế Hiệp định ký năm 1992; trao đổi thống nhất sớm tiến tới ký kết Hiệp định xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng biên giới Bát Xát, Việt Nam – Ba Sái, Trung Quốc.
Thỏa thuận tìm kiếm cứu nạn trên biển Việt Nam - Trung Quốc và tổ chức phiên họp lần thứ nhất Ủy ban liên hợp thực hiện Hiệp định tàu thuyền đi lại tại Khu vực đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân, Việt Nam - Trung Quốc…
Đặc biệt, đoàn công tác của Việt Nam cũng đã có các buổi làm việc với Cục Đường sắt Quốc gia Trung Quốc, Tập đoàn Giao thông Trung Quốc, Tập đoàn Trung Xa để trao đổi tìm hiểu về kinh nghiệm phát triển đường sắt cao tốc của Trung Quốc cũng như thúc đẩy hợp tác GTVT giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành và các doanh nghiệp của 2 nước.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất về 2 phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Trong đó, phương án 1 là nâng cấp tuyến đường sắt hiện có thành đường đôi khổ 1.435mm (hiện là khổ đơn 1.000mm) để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tàu khách tối đa 180km/h, tàu hàng tối đa 120km/h. Tổng mức đầu tư khoảng 42 tỷ USD.
Phương án 2 là xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tối đa 180-225km/h, chi phí đầu tư khoảng 64,8 tỷ USD.
Ưu điểm của phương án này là sẽ hình thành tuyến đường sắt mới để vận tải hành khách và hàng hóa có năng lực lớn; không làm gián đoạn vận tải đường sắt khi đầu tư xây dựng tuyến mới... và nhược điểm là chi phí đầu tư cao, thời gian đầu tư dài, khả năng huy động nguồn lực khó khăn.
Đánh giá về 2 phương án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng phương án 2 do Bộ Giao thông Vận tải đề xuất là cơ bản phù hợp với dải tốc độ khai thác được đơn vị tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam kiến nghị và chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Chính phủ.
Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ cũng như có đủ thông số, dữ liệu làm sáng tỏ tính khả thi dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các kết quả đánh giá của tư vấn thẩm tra để hoàn thiện.
Về tổng mức đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị làm rõ cơ sở xác định và chuẩn xác lại cho phù hợp. Nguồn vốn đầu tư sẽ được huy động từ đấu giá đất tại các khu đô thị xung quanh nhà ga, vốn đầu tư công và vốn đầu tư tư nhân.
Về mô hình thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị triển khai theo hình thức PPP. Trong đó, đối tác công (Công ty Đầu tư và Quản lý hạ tầng đường sắt tốc độ cao) sẽ huy động vốn đầu tư công và quản lý xây dựng hạ tầng; bảo trì và bảo dưỡng kết cấu hạ tầng; điều hành vận tải trên toàn hệ thống. Đối tác tư (Công ty Đầu tư và Quản lý khai thác đường sắt tốc độ cao) có trách nhiệm huy động vốn đầu tư phương tiện vận tải và các nhà ga cao tầng.
Theo quyết định phê duyệt kế hoạch chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án).
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.