'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) mới đây đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu lên Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE). Số lượng cổ phiếu đăng ký niêm yết là 1,175 tỷ cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng.
Trước ngày lên sàn, MSB đã công bố báo cáo tài chính quý III/2019 với kết quả kinh doanh ấn tượng: lợi nhuận trước thuế đạt 497 tỷ đồng, gấp tới 23 lần cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của MSB đạt 1.063 tỷ đồng, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm ngoái.
Tăng trưởng lãi thuần ở các mảng tín dụng, dịch vụ và hoạt động khác (một nửa đến từ nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý) là 3 động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của MSB trong 9 tháng năm nay. Trong đó, lãi thuần từ mảng tín dụng tăng 28% (nhờ tăng trưởng doanh thu 22%, trong khi chi phí vốn chỉ tăng 19%), lãi thuần mảng dịch vụ tăng 82%, còn các hoạt động khác tăng 75%.
Song song, chi phí hoạt động chỉ tăng vỏn vẹn 2%, trong khi chi phí dự phòng rủi ro giảm 6%.
Mức lợi nhuận 9 tháng năm nay của MSB thậm chí còn cao hơn cả năm 2018, cũng là mức lợi nhuận cao nhất 9 năm gần đây.
Đây là thành tích đáng ghi nhận kể từ khi ngân hàng này bắt đầu giai đoạn chuyển đổi chiến lược mới.
MSB đã cùng hãng tư vấn Mc Kinsey hoạch định chiến lược kinh doanh mới trong giai đoạn 2019 - 2023, trong đó, giải pháp thanh toán (như Internet Banking, Mobile Banking, QR code, Samsung Pay...) là một trong những trọng tâm.
Trong khi đó, ở mảng ngân hàng bán lẻ, MSB dành tối thiểu tới 30% nguồn lực của mảng này để phối hợp với khối ngân hàng số (Digital Banking) và các đối tác fintech chiến lược để xây dựng, triển khai các sản phẩm số hóa, hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ số trong tương lai.
Ở mảng ngân hàng doanh nghiệp, ngân hàng này triển khai mô hình tổ chức mới với triết lý mà nhiều ngân hàng đang áp dụng: lấy khách hàng làm trọng tâm. MSB khá coi trọng phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn khi đặt mục tiêu chiếm tới 20% phân khúc này trong vòng 5 năm tới.
Cùng với đó, MSB cũng tập trung tối ưu quy trình bản hàng, quản trị danh mục khách hàng, xây dựng gói sản phẩm riêng phù hợp với từng khách hàng, tổ chức mạng lưới trung tâm khách hàng doanh nghiệp....
Đông đảo khách hàng và nhà đầu tư cũng đã làm quen với nhận diện thương hiệu mới của MSB hồi đầu năm nay, như là một sự kiện rộng rãi khẳng định ngân hàng này sẽ có những thay đổi lớn, tạo dựng "bộ mặt mới" trong thời gian tới.
"Bộ mặt mới" được kỳ vọng sẽ tạo ra nền lợi nhuận mới - cao hơn nhiều nền lợi nhuận cũ - giúp MSB làm lu mờ và đi đến phá bỏ "bộ mặt cũ" vốn gắn liền với vấn đề nợ xấu đã dai dẳng trong nhiều năm qua.
Nhìn lại, từ mức nền nợ xấu cao (bao gồm cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu chưa thể xử lý bằng dự phòng tại VAMC) suốt giai đoạn 2014 - 2017, nợ xấu năm 2018 của MSB đã giảm đột ngột hơn một nửa (từ khoảng 8.800 tỷ đồng xuống khoảng 3.900 tỷ đồng, tương đương giảm gần 5.000 tỷ đồng), khiến tỷ lệ nợ xấu giảm tới hơn 60%, xuống còn 7,61%.
Bên cạnh cách truyền thống là dùng dự phòng để xóa nợ xấu, để giảm đột ngột nợ xấu, MSB nhiều khả năng còn thực hiện bán nợ.
Cụ thể, dữ liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 của MSB cho thấy, khoản mục "Phải thu từ các hợp đồng bán nợ cho đối tác" tăng tới gần 3.000 tỷ đồng trong năm 2018 (từ 4.483 tỷ đồng đầu năm lên 7.405 tỷ đồng cuối năm).
Phía MSB cho biết, khoản mục này bao gồm các khoản nợ đã bán theo hình thức miễn truy đòi và có thời hạn thanh toán còn lại dưới 5 năm.
Bên cạnh việc bán nợ cho "đối tác", một cách khác có thể MSB cũng đã áp dụng để giảm đột ngột nợ xấu là tăng cường nhận tài sản để gán nợ.
Dữ liệu cuối năm 2018 cho thấy, tài sản nhận gán nợ của MSB đã tăng tới gần 1.500 tỷ đồng trong năm (từ mức 2.876 tỷ đồng đầu năm lên 4.342 tỷ đồng cuối năm).
Nhìn vào cách làm của MSB, có thể thấy ngân hàng này đang muốn gác vấn đề nợ xấu sang một bên để tập trung cho chiến dịch chuyển đổi chiến lược sắp tới. Và như đã đề cập, "bộ mặt mới" với nền lợi nhuận cao được kỳ vọng sẽ giúp MSB tạo nguồn tiền bền vững để xử lý dứt điểm vấn đề nợ xấu.
"Bộ mặt mới" với nền lợi nhuận cao được kỳ vọng sẽ giúp MSB tạo nguồn tiền bền vững để xử lý dứt điểm vấn đề nợ xấu
Dự án dài hơi thì cần nhiều nguồn lực và niêm yết trên thị trường chứng khoán là bước chuẩn bị quan trọng để huy động thêm nguồn vốn.
Chia sẻ với báo giới hồi tháng 6/2019, CEO MSB Huỳnh Bửu Quang cho biết sau khi niêm yết trên HoSE, MSB dự kiến tăng vốn tối đa 20% trong giai đoạn 2019 – 2023. Trước mắt, CEO MSB nhấn mạnh ngân hàng đang trường vốn nên tự tin có đủ vốn để hoạt động tốt.
Trường vốn là một trong những lợi thế lớn MSB. Điều này được thể hiện qua tỷ lệ đòn bẩy tổng tài sản/vốn tự có (tỷ lệ A/E) khá thấp, cuối tháng 9/2019 chỉ khoảng 10 lần, thuộc nhóm thấp trong hệ thống ngân hàng, cùng với đó, hệ số an toàn vốn (CAR) khá cao, khoảng 9,2% theo chuẩn Basel II (cao hơn đáng kể ngưỡng quy định 8%).
Trường vốn giúp MSB có dư địa tăng cường cho vay những lĩnh vực có biên lợi nhuận cao nhưng kèm hệ số rủi ro cao, từ đó giúp doanh thu mảng tín dụng tăng nhanh.
Ở MSB, lợi thế này không đứng một mình mà nó còn kết hợp với một ưu thế khác, tạo ra sức mạnh cộng hưởng giúp cải thiện nhanh biên lợi nhuận mảng tín dụng. Ưu thế này là tỷ lệ LDR ở mức khá thấp, chỉ 76% theo tiết lộ của CEO MSB.
So với mức tối đa 85% theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN ban hành mới đây, LDR hiện tại cách khá xa, nghĩa là ngân hàng này còn dư địa đáng kể để giảm tốc đà tăng chi phí vốn. Chi phí vốn tăng càng chậm so với tăng trưởng doanh thu, khoảng cách chi phí - doanh thu sẽ càng giãn ra, biên lợi nhuận mảng tín dụng của MSB theo đó sẽ càng cao.
Bên cạnh triển vọng tăng nhanh lợi nhuận ở mảng tín dụng, mảng dịch vụ cũng đầy tiềm năng để trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của MSB.
Tính toán của VietnamFinance cho thấy, giai đoạn 2016 - 9 tháng 2019, tăng trưởng lãi thuần mảng dịch vụ của MSB bình quân lên đến 92%/năm, chủ yếu thúc đẩy bởi nguồn thu từ dịch vụ thanh toán.
Điều này một mặt cho thấy ngân hàng này đang đi đúng hướng trong việc phát triển phân khúc thanh toán - phân khúc được chọn là một trong những trọng tâm kinh doanh giai đoạn 2019 - 2023, mặt khác lại cho thấy MSB vẫn còn dư địa tăng trưởng ở phân khúc bảo hiểm khi nguồn thu từ phân khúc này ở mức khiêm tốn, trong bối cảnh nhiều ngân hàng đã và đang thu về nguồn lợi "khủng" từ các hợp đồng bảo hiểm độc quyền.
Ngoài ra, MSB còn có triển vọng thu về tới 42 triệu USD (khoảng trên 900 tỷ đồng) từ việc bán 50% cổ phần của Công ty tài chính Cộng đồng (FCCOM) cho Hyundai Card. Thương vụ dự kiến sẽ hoàn tất trong quý I/2020, theo truyền thông Hàn Quốc.
Cần lưu ý, MSB mới bán một nửa cổ phần, nghĩa là vẫn còn tới một nửa lợi ích tại FCCOM. Nếu ngân hàng này tiếp tục giữ lại cổ phần và hợp tác với Hyundai Card, nguồn lợi nhuận dài hạn từ công ty tài chính này là rất đáng mong đợi.
Còn nếu tiếp tục bán cổ phần như chủ trương thoái toàn bộ vốn tại FCCOM từng đưa ra hồi năm 2018, nguồn tiền lớn thu về cũng rất cần thiết cho tiến trình nâng nền lợi nhuận giai đoạn 2019 - 2023.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.