Bỏ miễn thuế hàng nhập khẩu dưới 1 triệu qua chuyển phát nhanh

Mai Anh - 04/01/2025 10:47 (GMT+7)

(VNF) - Từ ngày 18/2/2025, hàng hóa nhập khẩu dưới 1 triệu đồng gửi qua chuyển phát nhanh sẽ không được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (VAT).

Đây là nội dung đáng chú ý trong Quyết định số 01/2025/QĐ-TTg (Quyết định 01) do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký ngày 3/1/2025.

Quyết định 01 bãi bỏ toàn bộ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg (Quyết định 78) ngày 30/11/2010 về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.

Theo đó, kể từ ngày 18/2/2025, hàng nhập khẩu giá trị dưới một triệu đồng nhập khẩu qua chuyển phát nhanh sẽ không còn được miễn thuế nhập khẩu, thuế VAT.

Trước đó, Bộ Tài chính cho biết nhiều nước như Anh, Australia, Thái Lan, Singapore... đã bỏ quy định miễn thuế VAT với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ.

Quyết định 78 ban hành năm 2010 được ban hành từ năm 2010, khi hệ thống khai báo hải quan thuần túy thực hiện thủ công. Lúc đó, việc miễn thuế này đã giúp đẩy nhanh thời gian thông quan hàng hóa, giảm số lượng hàng phải khai nộp thuế. Song đến nay, chính sách này không còn phù hợp do thương mại điện tử tăng trưởng rất nhanh qua các năm.

"Việc bỏ quy định miễn thuế để đảm bảo công bằng, khuyến khích tiêu dùng hàng sản xuất trong nước", Bộ Tài chính cho biết.

Vài năm gần đây, đà phát triển của thương mại điện tử cũng khiến số lượng các kiện hàng giá trị dưới 1 triệu đồng nhập khẩu tăng mạnh. Hàng hóa giá trị nhỏ vào Việt Nam bằng chuyển phát nhanh chủ yếu được người tiêu dùng trong nước mua trực tiếp từ nước ngoài, qua hai kênh chính là shop quốc tế trên các sàn thương mại điện tử trong nước như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop và các nền tảng bán lẻ xuyên biên giới.

Mỗi ngày có khoảng 4-5 triệu đơn hàng giá trị dưới 1 triệu đồng được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử.

Cuối năm 2024, nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới Temu dù chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam nhưng vẫn thực hiện nhiều chính sách khuyến mãi để thu hút người dùng.

Đáng chú ý, sàn này còn liên tục thay đổi các chính sách giá tiền tối thiểu - tối đa cho mỗi đơn hàng, trong đó chỉ cho phép khách mua hàng với giá trị đơn từ 887.000 đồng đến 1 triệu đồng. Nếu giá trị đơn hàng vượt quá 1 triệu đồng, sàn sẽ yêu cầu người dùng tách thành 2 đơn hàng khác nhau với cùng điều kiện trên.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc giới hạn giá trị đơn hàng tối đa ở 1 triệu đồng của Temu nhằm mục đích né thuế khi tận dụng chính sách miễn thuế với đơn hàng nhập khẩu giá dưới 1 triệu đồng của Việt Nam.

Về thủ tục hải quan, hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM) tiếp tục được triển khai hiệu quả, góp phần đơn giản hoá thủ tục đưa hàng hoá khỏi kho, bãi, cảng, giảm sự tiếp xúc giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp, giảm thời gian đi lại của người dân, khắc phục tình trạng ùn tắc tại cổng cảng, kho, bãi.

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng cùng một chủng loại hàng hóa nhưng hàng hóa sản xuất trong nước vẫn phải nộp thuế VAT nên việc miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị nhỏ vô hình trung đã tạo sự chênh lệch giá dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng với hàng hóa cùng chủng loại sản xuất trong nước (do phải nộp thuế VAT), từ đó ảnh hưởng đến việc sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong nước…

Theo đánh giá, việc bỏ miễn thuế với hàng hóa giá trị nhỏ sẽ góp phần bổ sung nguồn lực cho ngân sách nhà nước. Tổng hàng có giá trị dưới 1 triệu đồng được nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh năm ngoái là 27.700 tỷ đồng. Như vậy, sau khi ngừng miễn thuế, số thu ngân sách từ thuế VAT có thể tăng khoảng hơn 2.700 tỷ đồng.

16 khoản thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân năm 2025

16 khoản thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân năm 2025

Tài chính tiêu dùng
(VNF) - Theo quy định, sẽ có 16 khoản thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân trong năm 2025, người dân cần biết để đảm bảo quyền lợi.
Cùng chuyên mục
Tin khác