Bộ Nội vụ đề xuất thí điểm sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp tỉnh
Đức Hoàng -
14/07/2021 11:41 (GMT+7)
(VNF) - Bộ Nội vụ đang dự thảo báo cáo, tờ trình và nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính để lấy ý kiến nhân dân. Trong đó đề xuất tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thí điểm một số đơn vị hành chính cấp tỉnh trong giai đoạn 2022 - 2026, định hướng đến năm 2030.
Giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 563 cấp xã
Bộ Nội vụ cho biết trong 5 năm (2016-2021), thực hiện Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, đặc biệt là sau hơn 2 năm (2019-2021) thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, theo đề nghị của các địa phương, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 85 Nghị quyết về thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (trong đó có 47 Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH13).
Kết quả đã khắc phục cơ bản tình trạng chia tách làm tăng đơn vị hành chính trong các nhiệm kỳ trước, bước đầu giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện (từ 713 đơn vị xuống còn 705 đơn vị), giảm 563 đơn vị hành chính cấp xã so với năm 2016 (từ 11.162 đơn vị xuống còn 10.599 đơn vị) phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa ở các địa phương.
Theo đó, các đơn vị hành chính nông thôn có xu hướng giảm (giảm: 18 huyện, 707 xã, do nhập hoặc chuyển thành đơn vị hành chính đô thị), các đơn vị hành chính đô thị có xu hướng tăng nhanh (tăng: 13 thành phố thuộc tỉnh, 138 phường và 06 thị trấn); đồng thời, đã triển khai được mô hình “thành phố trong thành phố” (thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP. HCM). Đặc biệt, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, không có trường hợp chia đơn vị hành chính các cấp và không có sự thay đổi đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Bộ Nội vụ đánh giá việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được tiến hành trên cơ sở đồng thuận cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan Trung ương thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn; cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở địa phương đã nghiêm túc, quyết liệt thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định.
Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa quyết tâm thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tiến độ thực hiện còn chậm so với lộ trình kế hoạch đề ra. Số lượng đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp chưa đạt yêu cầu đề ra, nếu không tính 4 huyện đảo, cù lao do có yếu tố đặc thù nằm biệt lập nên không thực hiện sắp xếp thì các địa phương chỉ tiến hành sắp xếp được 9/15 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp.
Thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh
Bộ Nội vụ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính phù hợp với từng loại hình đơn vị hành chính, đặc biệt là các đơn vị hành chính đô thị và các đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù về an ninh, quốc phòng, miền núi, vùng cao.
Trên cơ sở đó quy định điều khoản áp dụng đối với việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, làm căn cứ tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thí điểm ở cấp tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, khắc phục các hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 để việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC phù hợp hơn với thực tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị của đất nước.
Cụ thể, bổ sung 1 điều quy định về tiêu chuẩn của thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, gồm các tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, loại đô thị và cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng có phân biệt cao hơn so với các đô thị cấp huyện khác, như: quy mô dân số từ 250.000 người trở lên (Quận là 200.000 người, thành phố thuộc tỉnh là 180.000 người, thị xã là 120.000 người); diện tích tự nhiên từ 150 km2 (giữ nguyên như quy định hiện nay); tỷ lệ số phường trên tổng số ĐVHC cấp xã từ 70% trở lên (thành phố thuộc tỉnh là 65%, thị xã là 50%); trình độ phát triển đô thị từ loại II trở lên (thành phố thuộc tỉnh là loại III, thị xã là loại IV); cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt tiêu chuẩn quy định (tiêu chuẩn cụ thể ban hành kèm theo Nghị quyết).
Sửa đổi quy định về tiêu chuẩn quy mô dân số của tỉnh, huyện, xã miền núi, vùng cao theo hướng tỉnh, huyện, xã miền núi, vùng cao có diện tích tự nhiên rộng hơn từ 150% trở lên so với mức tiêu chuẩn chung thì quy mô dân số được giảm 25% so với quy định để phù hợp với đặc thù của ĐVHC miền núi, vùng cao có diện tích tự nhiên lớn, địa hình phức tạp, dân số ít.
Sửa đổi quy định về tiêu chuẩn quy mô dân số của thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận theo hướng tăng tiêu chuẩn này để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Theo đó, quy mô dân số của thành phố thuộc tỉnh từ 180.000 người trở lên, thị xã từ 120.000 người trở lên, quận từ 200.000 người trở lên.
Sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị đối với quận, phường theo hướng quy định rõ Bộ Xây dựng có thẩm quyền đánh giá tiêu chuẩn này để thống nhất với Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.
Sửa đổi quy định về tiêu chuẩn diện tích tự nhiên của thị xã từ 100 km2 trở lên để phù hợp với quy mô của thị xã trong tổng thể đơn vị hành chính đô thị ở cấp huyện.
Sửa đổi tiêu chuẩn của đơn vị hành chính ở hải đảo theo hướng làm rõ tiêu chuẩn về loại đô thị khi thành lập đơn vị hành chính đô thị ở hải đảo. Theo đó, đơn vị hành chính đô thị ở hải đảo sẽ được cấp có thẩm quyền công nhận loại tương ứng trước khi thành lập.
Không thực hiện chia đơn vị hành chính các cấp
Theo Bộ Nội vụ, sửa đổi quy định về áp dụng Nghị quyết, điều khoản áp dụng tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 được xây dựng theo quan điểm giữ ổn định số lượng và hạn chế chia đơn vị hành chính các cấp. Đến nay, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, dự thảo Nghị định sửa đổi theo hướng các đơn vị hành chính hiện nay phải được rà soát, đánh giá theo tiêu chuẩn (mới) quy định tại Nghị quyết.
Trường hợp không đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính thì tiến hành nhập, sắp xếp theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan có thẩm quyền về sắp xếp các đơn vị hành chính, trừ các trường hợp sau: các ĐVHC cấp huyện, cấp xã đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021 (trừ trường hợp địa phương vẫn có nhu cầu tiếp tục sắp xếp); có điều kiện vị trí địa lý, địa hình biệt lập với các ĐVHC khác (ở hải đảo, cù lao); có tiêu chuẩn quy mô dân số hoặc diện tích tự nhiên cao hơn từ 200% trở lên so với tiêu chuẩn chung; các trường hợp đặc biệt đặc thù khác quy định tại Nghị quyết.
Không thực hiện chia đơn vị hành chính các cấp, trừ trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu về bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh do Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Việc thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải đạt các tiêu chuẩn mới của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết, trừ những trường hợp đặc biệt quy định tại Nghị quyết.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.