Tài chính

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước vẫn ‘thích’ quy định trình độ người đứng đầu doanh nghiệp

(VNF) - Trong năm 2019, các quy định pháp luật yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp phải có bằng cấp, trình độ vẫn được soạn thảo hoặc ban hành, gây rất nhiều vướng mắc cho các doanh nghiệp.

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước vẫn ‘thích’ quy định trình độ người đứng đầu doanh nghiệp

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước vẫn ‘thích’ quy định trình độ người đứng đầu doanh nghiệp

Một trong những điều kiện đầu tư kinh doanh mà rất nhiều các bộ ngành đưa ra là quy định trình độ của người đứng đầu doanh nghiệp (thường là người đại diện theo pháp luật hoặc giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị). Những quy định như thế này đã gây nhiều vấn đề vướng mắc cho các doanh nghiệp kinh doanh đa ngành từ nhiều năm nay.

Chẳng hạn như năm 2015, Luật Kế toán được ban hành có quy định người đứng đầu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán phải là kế toán viên hành nghề. Thời điểm đó, có một số công ty kinh doanh đa ngành nghề, trong đó có một ngành là dịch vụ kế toán, và ngành này chỉ đóng góp một phần trong tổng doanh thu của doanh nghiệp.

Khi quy định được ban hành, doanh nghiệp rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Nếu tiếp tục kinh doanh dịch vụ kế toán thì phải phế truất giám đốc doanh nghiệp và đưa người phụ trách mảng dịch vụ kế toán lên làm giám đốc. Còn nếu không, doanh nghiệp buộc phải từ bỏ lĩnh vực kinh doanh dịch vụ kế toán và sa thải toàn bộ nhân sự thuộc mảng này.

Luật Luật sư cũng có quy định là người đứng đầu công ty luật phải là luật sư. Khá nhiều các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay tư vấn đa ngành, gồm cả tài chính, kế toán, thuế, hải quan, pháp luật. Để đáp ứng quy định trên, doanh nghiệp buộc phải thành lập thêm một công ty con để cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý và một công ty mẹ tư vấn các dịch vụ khác. Điều này khiến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp bị đảo lộn.

Cụ thể, khi có khách hàng thuê dịch vụ tư vấn, doanh nghiệp buộc phải yêu cầu khách hàng ký hai hợp đồng, một hợp đồng với công ty con để tư vấn nội dung pháp lý, một hợp đồng với công ty mẹ để tư vấn các nội dung khác. Việc này không chỉ tạo thêm gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp mà còn có thể khiến doanh nghiệp mất khách hàng.

Các giao dịch thuê văn phòng, tuyển dụng lao động, mua sắm máy tính, văn phòng phẩm của doanh nghiệp cũng phải tách riêng. Doanh nghiệp phải làm hai hệ thống sổ sách báo cáo, một hệ thống gồm hai công ty để báo cáo với nhà nước, một hệ thống khác gộp chung lại để sử dụng nội bộ. Các vấn đề khác phát sinh như không thể phân biệt thứ bậc trông công ty, điều chuyển nhân sự, thư ký giữa hai công ty gặp khó khăn.

Trong quá trình cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh các năm trước, các điều kiện về bằng cấp và trình độ của người đứng đầu doanh nghiệp đã được bãi bỏ khá nhiều.

Trong trường hợp cần thiết, nhằm bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ, các cơ quan soạn thảo đều đã chuyển sang yêu cầu bằng cấp, trình độ của người trực tiếp sản xuất, trực tiếp cung cấp dịch vụ mà không nhất thiết phải là người đứng đầu doanh nghiệp. Quy định như vậy vẫn bảo đảm được yêu cầu quản lý của nhà nước mà vẫn tại được sự linh hoạt cho doanh nghiệp khi bố trí nhân sự.

Tuy nhiên, trong năm 2019, các quy định pháp luật yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp phải có bằng cấp, trình độ vẫn được soạn thảo hoặc ban hành và gây rất nhiều vướng mắc cho các doanh nghiệp.

Một ví dụ điển hình là quy định người đứng đầu dịch vụ phòng cháy chữa cháy trong dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Phòng cháy chữa cháy. Dự thảo nghị định này yêu cầu người đứng đầu và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy.

Về lý, tại các doanh nghiệp, người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật là người làm công tác điều hành doanh nghiệp. Người này có thể không trực tiếp cung cấp dịch vụ cho khách hàng mà sẽ thuê người đủ chuyên môn để làm. Việc quy định người đứng đầu doanh nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề sẽ rất bất cập, can thiệp quá mức vào quyền tự do kinh doanh, tự tổ chức nội bộ của doanh nghiệp.

Ví dụ, một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành gồm dịch vụ phòng cháy và chữa cháy, kiểm định an toàn lao động, kiểm định thiết bị đo, kiểm định xe cơ giới, kiểm định chất lượng công trình xây dựng, thiết kế xây dựng… Nếu mỗi ngành lại yêu cầu người đứng đầu phải có chứng chỉ hành nghề riêng thì sẽ dẫn đến tình trạng một cá nhân phải có nhiều chứng chỉ, trong khi một doanh nhân không phải là người trực tiếp làm kỹ thuật.

Vô hình trung, quy định bắt buộc người đứng đầu có bằng cấp sẽ cản trở cơ hội kinh doanh đa ngành, đa nghề của các doanh nghiệp, cản trở khả năng một doanh nghiệp tận dụng nguồn lực nhàn rỗi để đa dạng hoá sản phẩm, tăng năng suất lao động.

Một ví dụ khác cho việc quy định trình độ người đứng đầu doanh nghiệp là dự thảo nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước.

Dự thảo nghị định này cũng yêu cầu doanh nghiệp phải có điều kiện về nhân sự trong đó yêu cầu người đại diện theo pháp luật, tổng giám đốc hoặc giám đốc của doanh nghiệp phải có bằng đại học trở lên và có ít nhất ba năm kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực quản trị kinh doanh, kinh tế, tài chính, ngân hàng, luật. Quy định này một lần nữa có thể khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn khi bố trí nhân sự.

Bộ Tài chính cũng là một cái tên “thích” quy định trình độ người đứng đầu doanh nghiệp. Năm 2019, Bộ này đề xuất sửa đổi Nghị định 89/2013/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Giá về thẩm định giá. Trong đó, Bộ đề xuất bổ sung điều kiện đối với người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, có ít nhất ba năm (36 tháng) là thẩm định viên về giá hành nghề và ký ít nhất 30 bộ chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá.

Quy định như vậy sẽ khiến nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh đa ngành buộc phải thay đổi người đại diện theo pháp luật, thay đổi giám đốc, tổng giám đốc hoặc buộc phải đóng cửa.

Hiện nay, khá nhiều các doanh nghiệp đồng thời kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, cùng với các dịch vụ khác như đánh giá sự phù hợp, đấu giá, công chứng, giám định… Người đại diện theo pháp luật, giám đốc, tổng giám đốc nhiều khi là người quản trị, điều hành, tìm kiếm khách hàng mà không trực tiếp thực hiện công việc thẩm định giá.

Công ty đó đã có các thẩm định viên về giá khác làm việc và ký chứng thư, chịu trách nhiệm về nội dung chứng thư theo khoản 2 Điều 37 của Luật Giá. Do đó, việc đặt ra thêm các quy định đối với người đứng đầu doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật, giám đốc, tổng giám đốc như trên là không cần thiết…

Tin mới lên