Bộ Thông tin Truyền thông nói gì về việc tạm ngừng nhập khẩu máy đào tiền ảo?
Lệ Chi -
07/07/2018 16:25 (GMT+7)
(VNF) - Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng việc sử dụng biện pháp hành chính tạm ngừng nhập khẩu máy đào tiền ảo ASIC là phù hợp và khả thi, đồng thời đề xuất không hạn chế nhập khẩu máy đào VGA hoặc các máy đào có các khối chức năng, được lắp ráp như PC thông thường.
Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây đã có văn bản phúc đáp công văn số 5046/BCT-XNK ngày 26/6/2018 của Bộ Công Thương về việc phối hợp nghiên cứu và có ý kiến đối với việc xem xét tạm ngừng nhập khẩu máy xử lý dữ liệu tự động nhằm mục đích đào tiền ảo hoặc đề xuất hướng quản lý đối với loại hình này.
Cụ thể, về đề xuất đánh giá thực tế nhu cầu của doanh nghiệp trong việc nhập khẩu hàng hóa thuộc mã HS 847.80.90 để xác định phạm vi ảnh hưởng trong trường hợp đưa ra quy định tạm ngừng nhập khẩu dòng hàng này, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết chưa thể có báo cáo đánh gia về nội dung này.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đây là khoảng thời gian ngắn, không đủ cho công tác thu nhập số liệu, khảo sát đánh giá nhu cầu và lấy ý kiến của doanh nghiệp và các đơn vị liên quan về nhập khẩu hàng hóa thuộc mã HS 8471.80.90.
Đối với các loại máy đào chuyên dụng (máy ASIC) chỉ được sản xuất nhằm thực hiện chức năng đào tiền ảo, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng việc sử dụng biện pháp hành chính tạm ngừng nhập khẩu các sản phẩm này là phù hợp và khả thi nhằm thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp khi áp dụng chính sách tạm ngừng nhập khẩu đối với dòng hàng mã HS 8471.80.90, Bộ này đề nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành tổ chức lấy ý kiến các doanh nghiệp.
Trên cơ cở các ý kiến phản hồi, 2 Bộ sẽ phối hợp với nhau để phân tích, phân loại hàng hóa và áp mã HS cho máy đào ASIC phù hợp đặc tính của sản phẩm và khi thực hiện biện pháp tạm ngừng nhập khẩu ít tác động đến hoạt động nhập khẩu thông thường của các doanh nghiệp.
Đối với máy đào VGA hoặc các máy đào có các khối chức năng, được lắp ráp như PC thông thường, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất không thực hiện biện pháp hạn chế nhập khẩu vì chưa thể xác định cụ thể mã HS đối với hàng hóa này.
“Nếu thực hiện biện pháp này, các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh”, Bộ nhấn mạnh.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, để sở hữu bitcoin hay các loại tiền ảo tương tự khác có nhiều cách. Tuy nhiên, một trong các cách phổ biến nhất hiện nay là đào tiền ảo trên các máy tính hay còn gọi là các máy đào tiền ảo.
Về cơ bản máy đào tiền ảo có thể được chia thành các sau: máy đào ASIC, máy đào VGA và một số các hoạt động đào tiền ảo khác.
Cụ thể, máy đào ASIC là một thuật ngữ chỉ các vi mạng tích hợp chuyên trọng trong điện tử học. Máy đào này được thiết kế chuyên dụng chỉ nhằm mục đích đào coin và có ưu điểm hơn so với máy VGA là tốc độ đào cao, tiết kiệm điện, giá thành rẻ hơn, hiệu năng cao hơn.
Các loại máy này theo công văn số 5046/BCT-XNK hiện đang được xếp vào mã HS 8471.80.90.
Trong khi đó máy đào VGA là loại máy đào phổ thông và cũng là loại hình máy đào được ưa chuộng tại Việt Nam. Về bản chất, đây là các bộ máy vi tính được gắn một hoặc nhiều VGA có cấu hình mạnh, sau đó chạy phần mềm mining (phần mềm đào tiền ảo như 50miner, guiminer…).
Thành phần quan trọng nhất chính là VGA, VGA càng nhiều và mạnh thì hiệu quả khi đào tiền ảo sẽ càng tăng. Thông thường, máy đào VGA hay các máy vi tính thông thường sẽ được gắn mã HS là 8471.41.10.
Trên cơ sở đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng các máy đào ASIC được thiết kế chuyên dụng nên chỉ nhằm mục đích đào tiền ảo, khác hẳn với máy đào VGA.
Mỗi máy đào ASIC sẽ chỉ đào được một hoặc vài loại tiền ảo có cùng thuật toán như Antminer L3 chuyên đào litecoin, Antminer S9 chuyên đào bitcoin. Đối với các máy đào VGA thì sẽ thường nhằm đến các loại tiền ảo khác như ETH, ETC, EXP…
Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện hoạt động khai thác tiền ảo không chỉ thực hiện bằng các máy xử lý dữ liệu tự động mà còn diễn ra trên các thiết bị di động, nền tảng đám mây, đào bằng ổ cứng. Trong tương lai, với sự phát triển bùng nổ công nghệ sẽ càng gia tăng độ phong phú về các loại máy đào tiền ảo cũng như hoạt động khai thác tiền ảo.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ tính từ năm 2017 đến nửa đầu tháng 4/2018, cả nước đã nhập khẩu khoảng 15.600 máy đào tiền ảo, gồm máy xử lý dữ liệu bitcoin, dữ liệu bitmain, máy xử lý thuật toán, thiết bị xử lý dữ liệu thuật toán, máy xử lý dữ liệu tự động và máy xử lý dữ liệu tự động dùng cho hệ thống quản lý điều khiển từ xa, nội bộ.
Số lượng máy đào tiền ảo nhập khẩu về chủ yếu tập trung tại 3 thành phố lớn gồm TP. HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Cụ thể, năm 2017, lượng máy nhập về là hơn 9.300 bộ. Trong đó, hơn 2.300 bộ nhập về Hà Nội, khoảng 7.000 bộ nhập về TP. HCM, còn lại là Đà Nẵng.
Năm 2018, chỉ tính riêng hơn 4 tháng đầu năm, lượng máy đào tiền ảo nhập về Việt Nam đã đạt con số hơn 6.300 bộ, tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn gồm Hà Nội và Sài Gòn. Trong đó, Sài Gòn nhập 2.009 bộ, Hà Nội nhập hơn 4.300 bộ.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.