Bỏ tiền mua dữ liệu: Vì sao còn ngần ngại?

Tùng Lâm - 29/05/2024 11:00 (GMT+7)

(VNF) - Dữ liệu tài chính giống như “thực phẩm chức năng”, không phải là “thuốc chữa bệnh”, nên không nằm trong danh mục “ưu tiên” của rất nhiều nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nguồn cung dữ liệu tài chính chất lượng cao trên thị trường hiện còn hạn chế.

Trao đổi với Đầu tư Tài chính về ngành kinh doanh dữ liệu tài chính tại Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Hiệu, Tổng giám đốc (CEO) Công ty Cổ phần FiinGroup Việt Nam, cho biết số lượng và khối lượng dữ liệu tài chính tại Việt Nam đang ngày càng tăng lên nhưng vẫn còn hạn chế so với các nước phát triển khác. Chất lượng dữ liệu tài chính trên thị trường Việt Nam còn thấp, thiếu tính đồng bộ, tiêu chuẩn hóa và cập nhật chưa kịp thời.

CEO FiinGroup ví dữ liệu tài chính giống như “thực phẩm chức năng”, không phải là “thuốc chữa bệnh”, nên không nằm trong danh mục “ưu tiên” của rất nhiều nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nguồn cung dữ liệu tài chính chất lượng cao trên thị trường hiện còn hạn chế cũng là nguyên nhân khiến nhà đầu tư chưa mặn mà khi bỏ tiền mua dữ liệu.

- Ông đánh giá như thế nào về thị trường dịch vụ dữ liệu tài chính của Việt Nam hiện nay? Với sự phát triển của BigData và AI, phải chăng thị trường đã sôi động hơn rất nhiều?

Ông Nguyễn Hữu Hiệu: Thị trường dịch vụ dữ liệu nói chung và dữ liệu tài chính nói riêng tại Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Có một số nguyên nhân chính:

Một là sự bùng nổ của dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau như mạng xã hội, thương mại điện tử, xe công nghệ, cảm biến, và thiết bị IoT (Internet of Things) đã tạo ra một lượng dữ liệu khổng lồ, đòi hỏi các công nghệ phân tích dữ liệu tiên tiến để trích xuất thông tin có ích từ các bộ dữ liệu lớn và phức tạp này. Sự bùng nổ về dữ liệu này diễn ra ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, từ dịch vụ tài chính, bán lẻ, thương mại điện tử đến giao thông, chăm sóc sức khỏe.

Hai là trong tiến trình chuyển đổi số, các doanh nghiệp đang chuyển đổi sang mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu, sử dụng dữ liệu để đổi mới sản phẩm và dịch vụ, tối ưu hóa quy trình và tạo ra giá trị cho khách hàng. Bản thân việc chuyển đổi số vừa cần tiêu thụ nhiều dữ liệu hơn, nhưng cũng tạo ra nhiều dữ liệu hơn. Không có dữ liệu và phân tích dữ liệu thì tiến trình chuyển đổi số không thể diễn ra được.

Ba là đòi hỏi về kinh doanh thông minh. Doanh nghiệp ngày nay ngày càng đặt nhiều yêu cầu về dữ liệu và thông tin, cần có cái nhìn toàn diện và chi tiết về hoạt động kinh doanh của mình từ nhiều góc độ khác nhau, và các phân tích truyền thống dựa trên dữ liệu truyền thống không còn đáp ứng được đòi hỏi của bối cảnh hiện nay. Phân tích dữ liệu giúp cung cấp thông tin chính xác và có ích để hỗ trợ việc cân nhắc và ra quyết định kinh doanh.

Bốn là quản lý rủi ro và giảm thiểu sự bất định trong thời đại VUCA (Volatility - Biến động, Uncertainty - Không chắc chắn, Complexity - Phức tạp, Ambiguity - Mơ hồ). Việc phân tích dữ liệu giúp các doanh nghiệp nhận biết và đánh giá các rủi ro tiềm ẩn, từ rủi ro tài chính đến rủi ro an ninh mạng. Điều này giúp họ thực hiện các biện pháp phòng ngừa và quản lý rủi ro hiệu quả. Phân tích thông tin và dữ liệu, tăng cường sư minh bạch và giảm bất đối xứng về thông tin sẽ giúp giảm sự bất định trong các cân nhắc kinh doanh.

Năm là nhu cầu tăng cường trải nghiệm khách hàng. Phân tích dữ liệu giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về hành vi và nhu cầu của khách hàng, từ đó cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa và tốt hơn. Điều này giúp tăng cường sự hài lòng và giữ chân khách hàng.

Là đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ dữ liệu tài chính tại Việt Nam, FiinGroup nhận thấy tiềm năng và cơ hội từ sự phát triển của công nghệ Big Data và AI. Chính điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, phân tích dữ liệu quy mô lớn, giúp các tổ chức ra quyết định chiến lược và vận hành hiệu quả hơn.

Các ngân hàng, tổ chức tài chính có nhu cầu rất lớn về giải pháp quản trị rủi ro dựa trên dữ liệu, phân tích hành vi khách hàng, dự báo xu hướng thị trường để tối ưu hoạt động kinh doanh cũng như danh mục đầu tư. Với bối cảnh bất đối xứng thông tin trên thị trường tài chính (khi bên cung cấp thông tin chỉ muốn cung cấp cho thị trường những thông tin tích cực, có lợi mà có thể không cung cấp các thông tin bất lợi hoặc tiêu cực), việc ra quyết định đối với các nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân là một thách thức. Điều này chính là động lực cho các nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu tài chính như FiinGroup hoàn thiện sản phẩm, mở rộng các giải pháp, dịch vụ nhằm hỗ trợ thông tin cho nhà đầu tư, nhằm giảm sự bất đối xứng về thông tin và hỗ trợ cho việc xúc tiến các giao dịch kinh tế.

Thời gian gần đây đã có thêm nhiều công ty trong và ngoài nước đã gia nhập thị trường với các giải pháp xử lý, phân tích dữ liệu tài chính, làm thị trường trở nên sôi động và cạnh tranh hơn. Đây là tín hiệu tốt vì khách hàng sẽ là người hưởng lợi nhất từ nỗ lực cạnh tranh của các nhà cung cấp, nhờ đó mà việc tiếp cận dịch vụ, hình thức cung cấp, chi phí sẽ ngày càng trở nên cạnh tranh hơn

Bên cạnh những tiềm năng tăng trưởng, thị trường dịch vụ dữ liệu tài chính tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức như thiếu hành lang pháp lý rõ ràng cho các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, vấn đề an ninh an toàn dữ liệu đặc biệt là việc chuyển dịch dữ liệu giữa các quốc gia, sự không nhất quán giữa các quốc gia về chuẩn mực và ứng xử với dữ liệu, tình trạng lạm dụng dữ liệu một cách phi pháp, sự chấp thuận của các bên trong việc sử dụng các kết quả phân tích mang tính phi truyền thống… Những thách thức và trở ngại này cần thời gian để từng bước được khắc phục cùng với sự hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và các biện pháp phát triển thị trường.

Ông Nguyễn Hữu Hiệu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần FiinGroup Việt Nam

- Bản thân FiinGroup đã thay đổi như thế nào để thích ứng với bối cảnh mới trong ngành kinh doanh dữ liệu, thưa ông?

Trong 16 năm qua, FiinGroup vẫn luôn kiên định và vững tâm phụng sự thị trường và khách hàng với các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp góp phần hiện thực hóa phương châm “soi sáng thị trường”. Kiên trì với mô hình lấy dữ liệu làm nền tảng nhưng chỉ dữ liệu là không đủ, FiinGroup đã thay đổi từ việc cung cấp dữ liệu thuần túy sang việc cung cấp giải pháp dựa trên dữ liệu, từ việc cung cấp kết quả phân tích cho khách hàng đến việc trang bị cho khách hàng công cụ và phương tiện để khách hàng có thể tiến hành các phân tích theo yêu cầu . Nhờ đó, đến nay chúng tôi hỗ trợ gần như 100% công ty chứng khoán ở Việt Nam, các công ty quản lý quỹ lớn với tổng tài sản đang quản lý lên tới 50 tỷ USD.

Trong bối cảnh VUCA, chúng tôi cũng hướng tới việc cung cấp dịch vụ nhanh hơn, đa chiều hơn thông qua việc đẩy mạnh khai thác và ứng dụng công nghệ datatech, AI, học máy vào trong các quy trình nghiệp vụ xử lý dữ liệu. Một nhân viên trước đây mất nửa ngày để viết báo cáo phân tích một doanh nghiệp thì nay một ứng dụng AI chỉ cần 5-10 phút đã viết xong. Đó là sự thay đổi rất lớn về mặt hiệu suất. FiinGroup sẽ đầu tư nhiều hơn nữa cho công đoạn nghiên cứu, phát triển sản phẩm và công nghệ để khẳng định vị thế đang có và duy trì lợi thế cạnh tranh so với đối thủ.

Bên cạnh công nghệ thì FiinGroup cũng không ngừng đa dạng hóa, mở rộng nguồn dữ liệu đầu vào nhằm cung cấp kho dữ liệu phong phú hơn cho khách hàng hiện hữu, đồng thời cung cấp dữ liệu và giải pháp cho các nhóm khách hàng mục tiêu mà chúng tôi chưa phục vụ được nhiều. Đơn giản như 98% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, trong đó có hơn 100.000 doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu nhưng chúng tôi chưa phục vụ được họ trong việc tiếp cận thông tin đối tác ở nước ngoài cũng như về chính họ nhằm cung cấp đầy đủ các tiện ích có lợi cho họ như tiếp cận về tài chính, làm việc với ngân hàng và đối tác trong chuỗi giá trị của họ. Nếu được “kiểm chứng và đánh giá bởi bên thứ 3” thì sẽ giúp thúc đẩy nhiểu giao dịch hơn nhất.

- Ông nhìn nhận như thế nào về số lượng và chất lượng dữ liệu tài chính tại Việt Nam? Điều gì đang khiến nhà đầu tư Việt Nam vẫn còn ngần ngại khi bỏ tiền ra mua dữ liệu tài chính, do những nguyên nhân khách quan (như thu nhập) hay những nguyên nhân chủ quan (như chưa nhận ra lợi ích của việc mua dữ liệu)?

Số lượng và khối lượng dữ liệu tài chính tại Việt Nam đang ngày càng tăng lên với dữ liệu lịch sử theo từng năm tăng dần nhưng vẫn còn hạn chế so với các nước phát triển khác. Các nguồn dữ liệu chính bao gồm dữ liệu từ sàn giao dịch chứng khoán, báo cáo tài chính doanh nghiệp, số liệu từ các cơ quan quản lý nhà nước.

Chúng tôi nhận thấy chất lượng dữ liệu tài chính trên thị trường Việt Nam còn thấp, thiếu tính đồng bộ, tiêu chuẩn hóa và cập nhật chưa kịp thời. Do chưa có tiêu chuẩn chuẩn hóa về dữ liệu cung cấp cho cơ quan nhà nước nên mỗi doanh nghiệp gửi số liệu theo định dạng riêng, không đồng đều, nhiều dữ liệu vẫn ở dạng định dạng truyền thống chưa được số hóa hiệu quả. Sự minh bạch thông tin vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là dữ liệu từ các doanh nghiệp tư nhân. Bản thân FiinGroup vẫn luôn nỗ lực cung nguồn dữ liệu chính thống, đầy đủ và cập nhật.

Về phía nhà đầu tư, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chi tiền mua dữ liệu tài chính, bao gồm cả khách quan lẫn chủ quan. Về chủ quan, bản thân nhà đầu tư chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của dữ liệu trong việc hỗ trợ ra quyết định, cho tới khi quyết định đầu tư phát sinh những rủi ro lớn. Mặt khác, việc thiếu kỹ năng khai thác dữ liệu hiệu quả trong kinh doanh, thiếu sự hướng dẫn, chăm sóc từ doanh nghiệp cung cấp dữ liệu cũng ảnh hưởng đến lần mua tiếp theo và cũng gây ra sự lãng phí trong tối ưu dữ liệu. Nhiều nhà đầu tư cũng tìm đến FiinGroup với sự băn khoăn về tính chính thống, hợp pháp và chất lượng dữ liệu hiện có trên thị trường, phải sau khi nhận được tư vấn thì nhiều khách hàng “khó tính” mới tin tưởng vào chất lượng dữ liệu, biết cách khai thác tối ưu dữ liệu, đưa ra những quyết định đầu tư ít rủi ro và hiệu quả hơn.

Các yếu tố khách quan thường liên quan đến tình hình kinh tế vĩ mô, thu nhập của nhà đầu tư và nguồn cung dữ liệu. Với bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức, thu nhập của các nhà đầu tư cá nhân lẫn doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI đều giảm, chi tiêu cá nhân và doanh nghiệp đều bị cắt giảm, ưu tiên chi những khoản thiết yếu, thì việc quyết định chi cho thông tin, dữ liệu tài chính là một khoản chi được “nâng lên đặt xuống” rất nhiều. Tương quan giữa mức thu nhập, khả năng chi trả và chi phí mua dữ liệu là tương đối chênh lệch. Dữ liệu tài chính giống như “thực phẩm chức năng”, không phải là “thuốc chữa bệnh”, nên không nằm trong danh mục “ưu tiên” của rất nhiều nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nguồn cung dữ liệu tài chính chất lượng cao trên thị trường hiện còn hạn chế.

- Ông có ước tính như thế nào về quy mô của thị trường kinh doanh dữ liệu tài chính tại Việt Nam hiện nay? Trong 3-5 năm tới, ông mường tượng thế nào về bức tranh ngành kinh doanh dữ liệu tài chính tại Việt Nam? Đâu sẽ là lợi thế trong cuộc đua thị phần kinh doanh dữ liệu tài chính?

Chúng tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong thời gian tới do được tiếp sức bởi các động lực như đã chỉ ra ở trên. Cùng với sự hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và sự chấp thuận của các bên liên quan – bao gồm chủ thể dữ liệu, nhà cung cấp dịch vụ, các bên trung gian, các bên cung cấp giải pháp công nghệ dữ liệu đặc biệt là các giải pháp AI giúp khai thác mỏ vàng dữ liệu Big Data tương tự như ChatGPT. Chuỗi giá trị ngành phân tích dữ liệu sẽ ngày càng hoàn thiện: nguồn cung cấp, đơn vị thu thập dữ liệu, đào tạo/huấn luyện về phân tích dữ liệu, tư vấn về chiến lược và cách thức khai thác dữ liệu, các dịch vụ R&D, các công cụ nhúng, các sản phẩm/công cụ API.

Sẽ có nhiều doanh nghiệp nước ngoài lớn vào thị trường Việt Nam – có thể dưới hình thức truyền thống hoặc thông qua M&A. Sẽ có nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đẩy mạnh việc khai thác dữ liệu và sử dụng các dịch vụ phân tích dữ liệu hơn. Không chỉ khu vực tư nhân mà các cơ quan Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, cơ quan lập pháp cũng sẽ sử dụng nhiều dịch vụ phân tích dữ liệu hơn cho công việc của mình. Các ngành thuộc lĩnh vực công như ngành thuế, hải quan sẽ có sự đột phá về việc khai thác các dịch vụ phân tích dữ liệu tài chính phục vụ công tác quản lý ngành.

Ngành dịch vụ tài chính (ngân hàng, thuế, bảo hiểm, chứng khoán, quản lý quỹ, quản lý đầu tư, quản lý tài sản…) sẽ vẫn là ngành dẫn dắt cả về nhu cầu và sự đa dạng, tính tiên phong trong các dịch vụ phân tích dữ liệu tài chính.

Công nghệ sẽ tạo ra ngày càng nhiều dữ liệu hơn nữa, và việc tiêu thụ dữ liệu không những không làm mất dữ liệu đi (như khi tiêu thụ các hàng hóa khác) mà thậm chí còn tạo ra nhiều dữ liệu hơn. Cứ thế như vòng xoáy đi dần lên cao làm cho đám mây dữ liệu ngày càng lớn, và các dịch vụ phụ trợ về dữ liệu như lưu trữ, khai thác, xử lý ngày càng phát triển.

Người ta ví dữ liệu là dầu mỏ mới (new oil) nhưng khác dầu mỏ là sẽ đến lúc cạn kiệt, dữ liệu chỉ có phát triển và có nhiều hơn theo thời gian, chứ ko bao giờ hao mòn hay mất đi, bất luận lượng tiêu thụ dữ liệu là như thế nào.

Vậy đâu sẽ là lợi thế trong cuộc đua thị phần kinh doanh dữ liệu tài chính? Do đặc thù của ngành, lợi thế sẽ thuộc về doanh nghiệp nào nắm được xu hướng, hiểu được thị trường, biết cách đi tắt đón đầu, ứng dụng công nghệ mới, có hệ sinh thái các sản phẩm dịch vụ phong phú đáp ứng được nhu cầu liên tục thay đổi của thị trường và có trải nghiệm khách hàng xuất sắc. Đó sẽ là điều kiện tiên quyết để thành công.

- FiinGroup có định hướng phát triển theo một mẫu hình nào đã thành công trên thế giới hay không, chẳng hạn như hãng dữ liệu Bloomberg? Hay FiinGroup phát triển theo một mô hình riêng phù hợp với thị trường Việt Nam, thưa ông?

Ngành phân tích dữ liệu ở Việt Nam còn non trẻ và có những đặc thù của bối cảnh, môi trường pháp lý, quy mô thị trường, khẩu vị của các bên liên quan, sự sẵn sàng của các nguồn dữ liệu, thói quen sử dụng dịch vụ dữ liệu… Vì thế không có mô hình nước ngoài nào có thể “bê nguyên” vào Việt Nam được mà cần có sự điều chỉnh và thích ứng với các điều kiện cụ thể trong từng giai đoạn phát triển.

Con đường FiinGroup lựa chọn là không có tiền lệ ở Việt Nam để học hỏi, không có mô hình nào hoàn toàn giống để làm theo mà là sự chắt lọc và tinh chỉnh cho phù hợp. Trong quá trình đó, chúng tôi cũng đã trải qua nhiều thử nghiệm và có những thất bại… đó cũng chính là các bài học soi sáng cho chúng tôi để tinh chỉnh mô hình, liên tục có sự điều chỉnh mô hình kinh doanh, hình thức cung cấp sản phẩm và dịch vụ, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.