Chủ tịch FiinGroup: Cần thiết lập 'đèn giao thông' trên thị trường trái phiếu
Tùng Lâm -
29/03/2022 09:09 (GMT+7)
(VNF) - “Xếp hạng tín nhiệm là ‘tín hiệu đèn giao thông’ để tất cả các chủ thể tham gia thị trường trái phiếu có thể tương tác với nhau một cách hiệu quả và bền vững”, Chủ tịch FiinGroup Nguyễn Quang Thuân chia sẻ với Đầu tư Tài chính.
- Nhà đầu tư đang mua trái phiếu theo những cách nào và vai trò của xếp hạng tín nhiệm ở đâu trong quá trình đó, thưa ông?
Chủ tịch FiinGroup Nguyễn Quang Thuân: Nhà đầu tư hiện nay đang mua trái phiếu doanh nghiệp theo 3 cách. Cách phổ biến nhất là mua từ các đơn vị tư vấn hoặc phân phối trái phiếu. Ở hình thức này, trái phiếu được doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho khách hàng tổ chức và cho chính các công ty tư vấn, sau đó họ thực hiện phân phối lại ra thị trường. Cách thứ hai là nhà đầu tư mua trực tiếp qua hình thức được chào bán rộng rãi ra công chúng. Cách thứ ba, mặc dù không phổ biến nhưng một số nhà đầu tư có thể mua trực tiếp thông qua đàm phán với chính đơn vị phát hành.
Mỗi hình thức mua trái phiếu sẽ có những ưu nhược điểm riêng khi xem xét và đánh giá rủi ro. Với hình thức mua lại từ các đơn vị phân phối (chủ yếu là công ty chứng khoán), các đơn vị này sẽ hỗ trợ nhà đầu tư đánh giá và tập trung quản lý tài sản thế chấp cũng như giám sát dòng tiền trả nợ nhưng đổi lại, nhà đầu tư phải chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn so với mức mà doanh nghiệp phát hành trả cho đơn vị tư vấn và phân phối.
Trong khi đó, nếu nhà đầu tư mua trái phiếu được chào bán rộng rãi ra công chúng thì điều kiện tiếp cận thông tin minh bạch và đầy đủ hơn cũng như chịu sự giám sát chặt chẽ hơn về thủ tục phát hành và giám sát trong quá trình sử dụng vốn đã huy động. Tuy nhiên, lượng trái phiếu phát hành qua hình thức này rất thấp, chỉ chiếm khoảng 5% tổng giá trị phát hành hàng năm và sự lựa chọn cho nhà đầu tư do đó rất hạn chế.
Vai trò của xếp hạng tín nhiệm chính là hỗ trợ minh bạch hóa thông tin về trái phiếu, giúp nhà đầu tư lựa chọn đúng sản phẩm đầu tư theo khẩu vị rủi ro của mình.
Trái phiếu là một sản phẩm đầu tư với thu nhập cố định nhưng rủi ro sẽ phát sinh khi nhà phát hành chậm trả lãi và gốc trong tương lai. Nhiệm vụ của một đơn vị xếp hạng tín nhiệm như chúng tôi là cung cấp kết quả đánh giá chất lượng nhà phát hành đó một cách chuẩn hóa và có hệ thống để hỗ trợ quyết định lựa chọn hoặc thay đổi danh mục hoặc phân bổ tài sản của nhà đầu tư khi đầu tư trái phiếu.
- Chắc hẳn xếp hạng tín nhiệm không phải là “cây đũa thần” có thể giải quyết mọi vấn đề. Theo ông, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững, còn cần những yếu tố gì?
Xếp hạng tín nhiệm tuy không phải là “cây đũa thần” giúp giải quyết mọi vấn đề của thị trường trái phiếu, nhưng nếu hình dung chúng ta di chuyển trên đường mà thiếu tín hiệu đèn giao thông hoặc biển báo giao thông thì sẽ nguy hiểm như thế nào. Do đó chúng tôi cho rằng xếp hạng tín nhiệm cũng chính là “tín hiệu đèn giao thông” để tất cả các chủ thể tham gia thị trường trái phiếu có thể tương tác với nhau một cách hiệu quả và bền vững.
Để thị trường trái phiếu phát triển bền vững, bên cạnh việc thực hiện xếp hạng tín nhiệm thì theo chúng tôi còn cần nhiều yếu tố khác nữa như: yêu cầu niêm yết trái phiếu theo quy định mới; chuẩn hóa lại điều kiện phát hành; phát triển cơ sở nhà đầu tư, nhất là các định chế tài chính như quỹ trái phiếu, quỹ hưu trí…
Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có đặc thù là lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia rất lớn, vì vậy trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng để đảm bảo bền vững và hướng đến quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân, vấn đề đẩy mạnh phát hành trái phiếu theo hình thức chào bán rộng rãi ra công chúng là yếu tố quan trọng nhất, thay vì hình thức phát hành riêng lẻ và phân phối lại như hiện nay. Lý do là phát hành rộng rãi ra công chúng có tiêu chuẩn cao hơn về minh bạch thông tin nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu đầu tư rất lớn của người dân, nhất là trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp và các kênh đầu tư như bất động sản, tiền số… có rủi ro cao.
Tôi cho rằng thị trường trái phiếu cũng tương tự như cổ phiếu, nhà đầu tư có thể đầu cơ để hưởng tiềm năng lợi nhuận cao, cũng có thể đầu tư an toàn và chấp nhận mức sinh lời thấp hơn. Vấn đề là phải làm sao để thực sự minh bạch và nếu gặp rủi ro mất tiền, nhà đầu tư cũng sẵn sàng chấp nhận thực tế đó.
Tôi xin nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố minh bạch, bởi hiếm có nước nào mà nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp nhiều như ở Việt Nam. Họ thường không “lập dự phòng rủi ro” như các định chế tài chính và nếu họ bất ngờ mất tiền thì bên cạnh yếu tố chủ quan, cũng có một phần lỗi của hệ thống.
- FiinGroup đã thực hiện xếp hạng tín nhiệm cho một số doanh nghiệp trong thời gian qua. Trong quá trình xếp hạng, ông nhận thấy đâu là thuận lợi, đâu là khó khăn, thách thức?
Chúng tôi đã xếp hạng 5 nhà phát hành trong năm 2021, đã công bố kết quả xếp hạng tín nhiệm của 3 nhà phát hành. Trong năm nay, chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục công bố kết quả xếp hạng tín nhiệm của hơn 30 nhà phát hành ra thị trường.
Mặc dù còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng ngành này cũng may mắn là có những thay đổi chính sách kịp thời để khuyến khích và yêu cầu các doanh nghiệp phát hành thực hiện xếp hạng tín nhiệm nhằm hướng đến cải thiện minh bạch và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Hơn nữa, chúng tôi cũng may mắn có được sự chấp thuận và hợp tác của nhiều doanh nghiệp lớn, nhất là các doanh nghiệp có đội ngũ lãnh đạo trẻ và họ thấu hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng hình hảnh và hồ sơ tín dụng trên thị trường vốn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn trong chiến lược kinh doanh của họ.
Tuy nhiên, khó khăn nhất mà tôi nhận thấy là ứng dụng của kết quả xếp hạng tín nhiệm được công bố ra sao và phản ánh vào lãi suất thế nào. Mặc dù chúng tôi đã có hơn 14 năm phục vụ các nhà đầu tư định chế trong nước và định chế quốc tế khi đầu tư vào Việt Nam nhưng việc đồng hành cùng họ từ lúc áp dụng kết quả xếp hạng đến ý nghĩa của kết quả đó ra sao, áp dụng thực tế thế nào vào mô hình quản trị rủi ro, định giá lãi suất, lập dự phòng… là cả một quá trình.
Quá trình này đã quen thuộc với các định chế tài chính quốc tế nhưng với các tổ chức trong nước cũng như các nhà đầu tư đại chúng thì lại khá mới mẻ. Do đó, chúng tôi xác định các hoạt động truyền thông và đào tạo, hướng dẫn áp dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đi vào cuộc sống và xây dựng văn hóa xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam là một quá trình mới bắt đầu và quả thực, đây là khó khăn lớn nhất của chúng tôi hiện nay.
Là đơn vị đầu tiên thực hiện và công bố xếp hạng tín nhiệm cho nhà phát hành tại Việt Nam, cơ hội với chúng tôi là rất lớn, không chỉ đối với kênh trái phiếu doanh nghiệp mà đối với cả hệ thống ngân hàng Việt Nam trong việc áp dụng phương pháp chuẩn hóa về quản trị rủi ro theo Basel III.
Thách thức cũng rất lớn vì để được các nhà phát hành và thị trường tin tưởng “giao phó” cho một việc quan trọng là “xếp hạng” về chính họ thì chúng tôi phải hiểu được trách nhiệm của mình, không chỉ đối với doanh nghiệp phát hành mà lớn hơn là chính các nhà đầu tư và chủ nợ cũng như các bên liên quan đến doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm. Đây chính là vai trò “ủy thác” của một đơn vị trung gian trên thị trường vốn. Mặc dù đơn vị xếp hạng tín nhiệm thu tiền chính từ doanh nghiệp phát hành nhưng xu hướng trên thế giới hiện nay là các đơn vị xếp hạng tín nhiệm như chúng tôi cũng thu tiền thuê bao sử dụng thông tin từ nhà đầu tư và các bên liên quan đến doanh nghiệp.
Các đơn vị xếp hạng tín nhiệm như chúng tôi cũng có trách nhiệm trong việc cập nhật các kết quả xếp hạng tín nhiệm của mình, nhất là trong các giai đoạn biến động nhanh trước và trong các cuộc khủng hoảng tài chính. Thị trường cần có những cảnh báo và thay đổi mức xếp hạng kịp thời thay vì “vuốt đuôi” những gì đang diễn ra. Điều này cũng ngụ ý rằng các đơn vị xếp hạng tín nhiệm như chúng tôi sẽ phải xây dựng năng lực dự báo và cảnh báo rất mạnh chứ không chỉ tập trung vào các sản phẩm công bố đơn lẻ về từng nhà phát hành và từng công cụ nợ. Đây cũng là một thách thức.
Mở rộng sang ngành mới, chúng tôi phải đầu tư rất lớn so với quy mô hoạt động trước kia. Kinh doanh sẽ mong muốn có lãi nhưng điều chúng tôi mong muốn hơn cả là tạo dựng văn hóa xếp hạng tín nhiệm khi tham gia thị trường vốn, qua đó nhằm giúp thị trường phát triển một cách lành mạnh và bền vững hơn.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.