Sếp FiinGroup: 'Ngành tài chính chiếm tỷ lệ lớn nhất về trái phiếu xanh'

Minh Anh - 12/10/2022 09:43 (GMT+7)

(VNF) - Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinGroup cho biết: 'Trái phiếu bền vững nói chung và trái phiếu xanh là xu hướng lớn của thị trường vốn trên thế giới. Riêng về trái phiếu xanh thì ngành tài chính chiếm tỷ lệ lớn nhất, sau đó đến ngành tiện ích, công nghiệp và bất động sản".

VNF
Sếp FiinGroup: 'Ngành tài chính chiếm tỷ lệ lớn nhất về trái phiếu xanh'

Tại hội thảo “Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trog việc hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

“Doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai các kế hoạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá việc thực hiện cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0 đem đến thách thức nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Đó là các cơ hội cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cơ hội tiếp cận với nguồn tài chính xanh để đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ khí thải nhà kính, thíc ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay đó là để doanh nghiệp tham gia vào tiến trình tăng trưởng này, Việt Nam cần huy động rất nhiều nguồn vốn để có thể đạt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP26.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm. Tại thời điểm 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000  tỷ đồng (chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 7,08% so với năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (32%).

Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2.283 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế, với hơn 1,1 triệu món vay.​

Trái phiếu xanh là con đường mới giúp doanh nghiệp gọi vốn

Ngoài tín dụng xanh, trái phiếu xanh được xem là con đường mới giúp doanh nghiệp gọi vốn. Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinGroup, cho biết trái phiếu bền vững nói chung và trái phiếu xanh là xu hướng lớn của thị trường vốn trên thế giới.

Theo ông Thuân, Chính phủ đã có cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 và Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để huy động vốn cho phát triển kinh tế và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Tổng giám đốc FiinGroup cho biết hiện thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu đạt quy mô 3,3 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 6/2022, tăng gấp 3 lần quy mô 1.100 tỷ USD từ tháng 12/2019. Theo khu vực, trái phiếu bền vững trong ASEAN+3 cũng tăng trưởng mạnh.

Trong cơ cấu theo ngành trái phiếu bền vững trong ASEAN+3, khu vực tư nhân chiếm 89% tổng lượng phát hành trái phiếu bền vững trong khu vực trong quý II/2022, với các tổ chức tài chính chiếm tỉ trọng lớn nhất trong phát hành của khu vực tư nhân ở mức 45,1%. Riêng về trái phiếu xanh thì ngành tài chính chiếm tỷ lệ lớn nhất, sau đó đến ngành tiện ích, công nghiệp và bất động sản.

Ông Thuân cho rằng có rất nhiều ngành và lĩnh vực có tiềm năng của Việt Nam cần đa dạng nguồn vốn huy động mà tín dụng ngân hàng chưa phục vụ được hết, bao gồm: tiện ích (năng lượng tái tạo, nước sạch, rác thải…), vật liệu, công nghiệp… Bên cạnh đó, các định chế tài chính cũng là một nhóm phát hành trái phiếu xanh chính để có thể cho vay lại theo các tiêu chí xanh cụ thể của nhà đầu tư.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và ban hành tiêu chí xanh (Taxonomies), với các tiêu chí cụ thể và chính sách hỗ trợ, ông Thuân cho rằng doanh nghiệp cần theo dõi và đón chờ các chính sách mới được triển khai và tối đa hóa lợi ích từ các chương trình này.

Để có thể phát huy được tiềm năng của thị trường trái phiếu xanh trong nước, ông Thuân nhìn nhận trong thời gian tới, cần tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tập trung vào các tiêu chuẩn về sản phẩm xanh, tiêu chuẩn công bố thông tin và tiêu chuẩn xếp hạng tín dụng xanh cho các tổ chức tài chính.

Xem thêm: Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tập trung hướng dẫn chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ

Cùng chuyên mục
Tin khác