Thị trường

Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo dừng quy định ‘lạ đời’ về quản lý siêu thị

(VNF) - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa đề nghị Vụ Thị trường trong nước phối hợp với Vụ Pháp chế dừng xây dựng dự thảo nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối (siêu thị, trung tâm thương mại, chợ...).

Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo dừng quy định ‘lạ đời’ về quản lý siêu thị

Ảnh minh họa

Văn phòng Bộ Công Thương đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về việc xây dựng dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối.

Theo đó, căn cứ sự cần thiết và thực tiễn quản lý hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Vụ Thị trường trong nước phối hợp với Vụ Pháp chế dừng xây dựng dự thảo Nghị định này.

Trước đó, vào đầu tháng 6/2018, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối (các cửa hàng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm…).

Dự thảo này có nhiều quy định bị các nhà bán lẻ, hiệp hội đánh giá là rất "lạ đời", vẽ ra nhiều giấy phép con cản trở người kinh doanh.

Chẳng hạn như dự thảo của Bộ Công Thương quy định siêu thị phải có diện tích kinh doanh từ 250m2 - 10.000 m2. Siêu thị, trung tâm thương mại phải mở tất cả ngày trong tuần kể cả ngày lễ, tối thiểu từ 10 giờ đến 22 giờ.

Hoặc quy định mỗi năm, các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá, các đợt giảm giá phải được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền, mỗi đợt giảm giá phải diễn ra trong tối thiểu 30 ngày…

Trước đó, Phòng Thương mại  và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã có văn bản góp ý gửi đến Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương về dự thảo trên. VCCI cũng cho rằng, dự thảo này quá ôm đồm, gượng ép.

Theo VCCI, dù tập trung trên tinh thần điều chỉnh phát triển và quản lý chợ nhưng dự thảo này đã mở rộng phạm vi ra cả ngành phân phối (cửa hàng, trung tâm đấu giá hàng hóa, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm) khiến cho các nội dung khá lúng túng, thậm chí có dấu hiệu trái luật hiện hành.

Theo đại diện VCCI, đây là “bệnh nghiện quản lý”, can thiệp quá sâu tính tự chủ của doanh nghiệp, tăng thêm giấy phép con, trong khi hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại không được xem là một dạng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại luật Đầu tư năm 2014.

Tin mới lên