Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: ‘Trực tiếp tôi đã đình chỉ, cấm vĩnh viễn một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động’

Xuân Hải - 05/11/2019 20:04 (GMT+7)

(VNF) – Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết hiện cả nước có khoảng 400 doanh nghiệp được cấp phép đưa người Việt Nam đi lao động tại nước ngoài. Bộ Lao động, thương binh và xã hội đã thanh tra 118/400 doanh nghiệp; trực tiếp Bộ trưởng đã đình chỉ, cấm vĩnh viễn một số doanh nghiệp có vi phạm.

VNF
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Liên quan đến vụ 39 người thiệt mạng tại Anh, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều nay (5/11), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã gửi lời chia buồn với các thân nhân, gia đình người gặp nạn.

Tuy nhiên, ông Dung nhấn mạnh: cần phân biệt giữa tội phạm buôn bán người, di cư bất hợp pháp với đưa người lao động làm việc tại nước ngoài.

Ông Dung cho hay hiện có 5 hình thức đưa người Việt Nam đi nước ngoài: một là đi qua các doanh nghiệp được nhà nước Việt Nam cấp phép; hai là đi theo chương trình hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước; ba là đi cá nhân, cá nhân trực tiếp ký với các tổ chức nước ngoài nhưng vẫn đăng ký với Sở Lao động, thương binh và xã hội ở Việt Nam và cơ quan quản lý ở nước ngoài;

Bốn là đi theo chương trình hợp tác đào tạo liên kết giữa hai bên; năm là gần đây Chính phủ đang cho phép hình thức trao đổi công việc và lao động giữa các địa phương của 2 quốc gia, trong ngắn hạn.

Với 5 loại hình này, hiện cả nước có khoảng 400 doanh nghiệp được cấp phép, đủ tư cách đưa người Việt Nam đi lao động tại nước ngoài.

Ông Dung thông tin: 3 năm qua, Việt Nam có khoảng 100.000 người đi lao động tại các nước, cao nhất là năm 2018 vói 143.000 người, chủ yếu đi các nước/vùng lãnh thổ: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia.

Riêng châu Âu, Việt Nam có ký hợp tác lao động với 2 nước là Rumania (có 3.000 người) và Đức (có 1.066 điều dưỡng viên).

“Tôi đã vào trực tiếp nơi các em làm việc bên Đức, kiểm tra các em ăn ở, thấy cuộc sống ở đó tương đối tốt, thu nhập khoảng 2.600 euro/tháng, sau thỏa thuận lên 3.000 euro/tháng”, ông Dung cho biết.

Đối với tình trạng xuất khẩu lao động chui, ông Dung cho hay hiện có 2 trường hợp: một là loại doanh nghiệp không có chức năng nhưng mượn danh, liên doanh trá hình đưa người đi lao động ở nước ngoài; hai là loại doanh nghiệp không được cấp phép nhưng làm cò mồi chui.

“Các trường hợp này, thời gian qua đã xử lý nhiều. Tất cả doanh nghiệp làm trái phép đều chuyển cơ quan điều tra xử lý. Còn 400 doanh nghiệp có phép thì rất chặt chẽ, chúng tôi đã thanh tra 118/400 doanh nghiệp. Trực tiếp Bộ trưởng đã thu hồi giấy phép, đình chỉ, cấm vĩnh viễn một số doanh nghiệp vi phạm, trong đó có những doanh nghiệp có bề dày hoạt động 25 năm”, ông Dung nói.

Ông Dung cũng cho hay Việt Nam đang siết chặt quản lý việc đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài. Với các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam thống nhất nếu doanh nghiệp vi phạm thì sẽ xử lý ở cả hai đầu.

Đối với các địa phương có tỷ lệ lao động trốn lại nước ngoài, Bộ Lao động, thương binh và xã hội đã dùng nhiều biện pháp để xử lý, như ký quỹ, đình chỉ tạm thời không cho người địa phương đó đi lao động ở nước ngoài.

“Riêng Hàn Quốc, năm 2016, có 56% người lao động Việt Nam trốn lại, nhưng 3 năm qua, ta kiên trì các giải pháp nên tỷ lệ này chỉ còn 26%”, ông Dung cho biết.

Đưa ra lời khuyến nghị đối với người đi lao động ở nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội nói rằng: “Mong nhân dân ghi nhớ đi hợp pháp. Hợp pháp là đảm bảo 3 vấn đề: thông qua cơ quan được cấp phép, doanh nghiệp nước ngoài phải ký hợp tác với Việt Nam, được bảo hộ công dân”.

“Còn lương thì thỏa thuận và chúng tôi chính là người thỏa thuận với các nước về mức lương. Chúng tôi cũng công khai các công ty được phép đưa người đi lao động ở nước ngoài. Người dân không nên đi bất hợp pháp”, ông Dung nói thêm.

Cùng chuyên mục
Tin khác