Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Tôi là người giúp việc, chỉ đứng phía sau'

Hoài Thu - 01/01/2021 10:53 (GMT+7)

"Văn phòng Chính phủ luôn xác định không có chuyện 'quyền anh, quyền tôi', không bao giờ co kéo quyền lực, lợi ích về phía mình", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ.

VNF
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

"Trong nhiệm kỳ này của Chính phủ có rất nhiều biến cố lớn. Đều là những biến có chưa từng có trong lịch sử", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ.

Đặc biệt, theo ông, năm 2020, người dân, Chính phủ cùng các cơ quan Đảng, Nhà nước đã phải đối mặt liên tiếp, nhiều khi là cùng lúc với đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ...

Vượt qua nhiều biến cố lớn

- Nhìn lại năm 2020 vừa đi qua và rộng hơn là cả nhiệm kỳ, theo ông, đâu là những dấu ấn trong hoạt động của Chính phủ?

- 2020 là năm vô cùng khó khăn với biến đổi khí hậu, hạn hán, bão lụt triền miên gây thiệt hại lớn cho hạ tầng kinh tế - xã hội, mất mát lớn về người và tài sản. Chúng ta phải đối mặt với đại dịch Covid-19, thực hiện những chính sách “chưa từng có tiền lệ” như giãn cách xã hội trên toàn quốc sau chỉ thị của Thủ tướng.

Đến hội nghị tổng kết năm nay, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò điều hành của Chính phủ.

Đi qua năm 2020, Việt Nam đã thành công trong phòng chống đại dịch Covid-19, trở thành điểm sáng trên thế giới.

Trong điều kiện khó khăn, Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2,91%; hàng trăm nghìn doanh nghiệp được thành lập mới; xuất nhập khẩu tăng từ 517 tỷ USD năm 2019 lên 541 tỷ USD năm 2020. Giải ngân vốn đầu tư công cũng có mức tăng lịch sử.

Đặc biệt, dù khó khăn, hụt thu ngân sách chỉ khoảng 40.000 tỷ đồng - thấp hơn nhiều so với dự kiến được Quốc hội phê duyệt là 189.000 tỷ đồng; các chỉ số lạm phát, nợ công đều dưới chỉ tiêu Quốc hội giao.

Quy mô nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng rất tích cực theo hướng bền vững.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: "Nếu không chỉ những chỉ đạo quyết liệt, sáng suốt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam có thể đã khác rất nhiều". Ảnh: Việt Hùng.

Đầu tư vào Việt Nam có sức hút lớn bởi chúng ta có thị trường lớn, nguồn nhân lực dồi dào, nền văn hóa nhiều bản sắc và đặc biệt là nền chính trị ổn định. Có lẽ hiếm có quốc gia nào mà lãnh đạo cấp cao các nước đến lại có thể thoải mái đi bộ, dạo phố, nói chuyện với các cụ già, em nhỏ… như ở Việt Nam.

Đó là vì chúng ta có nền chính trị ổn định, có tình hình an ninh trật tự rất tốt. Đó cũng chính là những yếu tố góp phần làm gia tăng giá trị thương hiệu Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ này của Chính phủ có rất nhiều “biến cố” lớn. Đúng ngày 23/4/2016, trên một chuyến bay đi công tác ở Điện Biên, Thủ tướng đọc được thông tin về tình trạng cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh. Đó là mở màn cho sự cố môi trường ở Formosa.

Cùng trong nhiệm kỳ, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long khốn đốn vì xâm nhập mặn; miền Bắc đối diện với rét đậm, rét hại; còn miền Trung, Tây Nguyên mưa lũ triền miên… Đó đều là những biến cố chưa từng có trong lịch sử.

Là người thường xuyên sát cánh bên Thủ tướng, tôi hiểu rằng trong mỗi cuộc họp, bất cứ quyết định gì liên quan đến đóng cửa biên giới đều hết sức khó khăn

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Đặc biệt, năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện tiếp tục đặt ra nhiều thách thức mới. Khi dịch mới ở Vũ Hán (Trung Quốc), Tổ chức Y tế thế giới cũng nhận định đại dịch không lây từ người sang người, nhưng Chính phủ đã có nhận định khác. Văn phòng Chính phủ cũng có báo cáo và đề xuất giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng trong phòng, chống dịch.

Chúng tôi báo cáo Thủ tướng “không thể thực hiện theo khuyến cáo của WHO”. Vì vậy, công điện đầu tiên Thủ tướng ban hành đã đưa ra chỉ lệnh “chống dịch như chống giặc”, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải tham gia việc này. Thủ tướng cũng đưa ra thông điệp bảo vệ sức khoẻ , tính mạng, tài sản của người dân dù phải hy sinh bất cứ thứ gì.

Chỉ đạo của Thủ tướng khi đó rất sáng suốt. Là người thường xuyên làm việc, sát cánh bên Thủ tướng, tôi hiểu rằng trong mỗi cuộc họp, bất cứ quyết định gì liên quan đến đóng cửa biên giới hay đường mòn, lối mở đều hết sức khó khăn. Ngay cả việc quyết định dừng các chuyến bay đến Trung Quốc và một số nước khác cũng vậy.

Nếu không có những chỉ đạo quyết liệt, sáng suốt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam có thể đã khác rất nhiều.

Dù tình hình hiện nay ổn định, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan trước đại dịch. Thay vào đó, phải quản lý chặt chẽ tình trạng nhập cảnh trái phép qua biên giới và đường mòn lối mở; có chính sách lo cho người Việt Nam ở nước ngoài về nước. Đồng thời, phải nỗ lực khôi phục và phát triển kinh tế, kêu gọi đầu tư, kinh doanh vào Việt Nam.

Dám vứt bỏ quyền lợi vì cái chung

- “Làm Chính phủ điện tử, điều quan trọng nhất là phải dám vứt bỏ quyền lợi” - đó là điều ông nhiều lần nhấn mạnh khi bắt tay thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử. Đến nay, ông đánh giá các cán bộ đã dám vứt bỏ quyền lợi để toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ chung hay chưa?

- Khi cắt bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính hay quyết tâm sử dụng hồ sơ điện tử thay hồ sơ giấy, tôi vẫn nói rào cản rất lớn liên quan đến quyền lợi, lợi ích nhóm. Nếu quyết tâm thực hiện, làm minh bạch thì phải dám cắt bỏ lợi ích để hướng tới cái chung.

Ví dụ, chúng ta có khoảng 12 triệu bộ hồ sơ xuất nhập khẩu mỗi năm và chỉ phát hiện 0,06% sai phạm, nhưng vẫn yêu cầu đủ mọi thủ tục hành chính cùng các khoản phí, lệ phí. Điều này dẫn đến tốn kém vô cùng cho người dân, doanh nghiệp.

Hay khi làm việc với Bộ Y tế để sửa đổi Nghị định 15 thay thế Nghị định 38, chúng tôi đã cắt bỏ trên 95% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, nhưng vẫn kiểm soát tốt hàng hóa, đảm bảo thủ tục theo đúng quy định pháp luật.

Tháo gỡ là tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, không phải “mở toang cửa”, bỏ đi sự kiểm soát, quản lý của cơ quan hành chính Nhà nước.

Hiện nay, với việc triển khai dịch vụ công, người dân, doanh nghiệp chỉ cần một tài khoản duy nhất, đăng nhập một lần để thực hiện tất cả dịch vụ công thay vì đến cơ quan hành chính, tiếp cận cán bộ cơ quan Nhà nước. Như vậy vừa giúp giảm thời gian, chi phí chính thức và không chính thức, vừa tạo ra sự minh bạch, cắt bỏ quyền lợi cá nhân và các vấn đề như tham nhũng vặt, tiêu cực.

Chúng tôi đã vứt bỏ được lợi ích cá nhân, xác định chịu trách nhiệm, chịu sự giám sát và giải trình khi thay đổi tư tưởng theo hướng Chính phủ phục vụ

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Văn phòng Chính phủ là cơ quan gương mẫu trong vấn đề này khi từ tháng 6/2018 đã thực hiện chủ trương “phi giấy tờ”. Chúng tôi nhận văn bản điện tử từ các bộ, ngành, địa phương và xử lý trong phạm vi nội bộ Chính phủ, phát hành văn bản bằng điện tử hóa, ký số.

Làm được như vậy nghĩa là chúng tôi đã vứt bỏ được lợi ích cá nhân, xác định chịu trách nhiệm, chịu sự giám sát và giải trình khi thay đổi tư tưởng theo hướng Chính phủ phục vụ.

Văn phòng Chính phủ không phải "siêu bộ"

- 4 năm trước, khi ông về giữ cương vị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nhiều người nói “Bộ trưởng có quyền rất to” vì Văn phòng Chính phủ là “siêu bộ”. Sau gần một nhiệm kỳ, nhìn lại, ông suy nghĩ gì về nhận định này?

- Tôi nhớ hơn 4 năm trước, vào ngày 10/4/2016, khi nhậm chức, tôi đã nhận được câu hỏi là “ông đánh giá thế nào khi nhậm chức tại Văn phòng Chính phủ - một “siêu bộ”?”. Khi đó, tôi khẳng định ngay Văn phòng Chính phủ không phải “siêu bộ”.

Theo quy định của luật, Văn phòng Chính phủ là cơ quan tổng hợp có chức năng tham mưu, giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng. Nếu tư duy theo kiểu “quyền anh, quyền tôi” thì sẽ tự tạo ra rào cản, tạo ra một thứ quyền lực không thể kiểm soát. Vì thế, ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cải cách mạnh mẽ.

Thủ tướng là người đã truyền cảm hứng về tinh thần cải cách, về mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo ấy. Vì vậy, là cơ quan sát cánh cùng Chính phủ, Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ luôn gương mẫu, đi đầu trong nhiệm vụ này.

Văn phòng Chính phủ luôn xác định không có chuyện “quyền anh, quyền tôi”, không bao giờ co kéo quyền lực, lợi ích về phía mình

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Có những vấn đề liên quan đến rào cản, khó khăn, vướng mắc từ các bộ, địa phương đưa lên, tôi phải gọi điện trực tiếp, yêu cầu cán bộ báo cáo, giải trình về cách xử lý hồ sơ. Qua hệ thống, chúng tôi cũng có thể theo dõi công việc của các cán bộ Văn phòng Chính phủ và truy trách nhiệm ngay, đây là điểm rất khác với đầu nhiệm kỳ.

Văn phòng Chính phủ luôn xác định không có chuyện “quyền anh, quyền tôi”, không bao giờ co kéo quyền lực, lợi ích về phía mình, và đây chỉ là cơ quan tham mưu, giúp việc chứ không phải “siêu bộ”.

- Vậy về cá nhân, khi kết thúc một nhiệm kỳ, ông mong muốn người dân sẽ nhớ đến mình với hình ảnh như thế nào? Chẳng hạn như một bộ trưởng hành động, một bộ trưởng cải cách hoặc bộ trưởng gần dân?

- Chúng tôi là người giúp việc, phục vụ cho Chính phủ nên tinh thần làm việc theo những gì pháp luật quy định, giao phó.

Nhưng kể từ khi được giao nhiệm vụ người phát ngôn của Chính phủ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay tôi chưa vắng buổi họp báo nào. Tôi luôn chú tâm lắng nghe báo chí, vì tôi xác định đó chính là tiếng nói từ người dân, doanh nghiệp trên cả nước.

Luôn trân trọng, lắng nghe ý kiến từ báo chí, nhưng tôi cũng không bao giờ thông qua báo chí để đánh bóng tên tuổi cơ quan hay cá nhân.

Chúng tôi là những người giúp việc, chỉ đứng phía sau và truyền đạt lại những kết quả mà Chính phủ, Thủ tướng làm được để người dân, doanh nghiệp nắm bắt.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định Văn phòng Chính phủ không phải "siêu bộ" mà chỉ là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng. Ảnh: Việt Hùng.

Văn phòng Chính phủ là cơ quan giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng nên chúng tôi thường nói vui là mình chỉ “núp dưới bóng cây tùng, cây đa” thôi. Nhưng tinh thần của Văn phòng Chính phủ là luôn tận tụy, trung thành phục vụ Tổ quốc, và hướng tới một Chính phủ phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Nếu người dân, doanh nghiệp hài lòng thì chúng tôi rất vui và phấn khởi.

- Muốn giữ cho chính sách hợp lý, khả thi chắc chắn sẽ phải va chạm với nhiều bộ, ngành, địa phương. Là người cơ quan tham mưu cho Chính phủ, đốc thúc các đơn vị thực hiện nhiệm vụ cải cách, Văn phòng Chính phủ đã xử lý những mối quan hệ đó như thế nào?

- Khi mới làm, chuyện áp lực là bình thường. Nhưng với quan điểm, chỉ đạo xuyên suốt của người đứng đầu Chính phủ, đó là chuyện bắt buộc phải làm. Ban đầu có áp lực nhưng bây giờ việc triển khai của các bộ, ngành, địa phương đã thuận hơn rất nhiều.

Chính phủ chỉ đạo bỏ tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, bỏ tham nhũng vặt nên chúng tôi có nhiệm vụ rất quan trọng trong những vấn đề liên quan đến cải cách.

Khi đã minh bạch thì không ai có thể làm khác được mà bắt buộc phải thực hiện theo chủ trương. Như vậy có nghĩa là không riêng gì với Văn phòng Chính phủ mà tất cả bộ, ngành, địa phương phải tham gia cải cách mạnh mẽ.

So với ban đầu, sức ép của nhiệm vụ này bây giờ đã giảm rất nhiều. Chúng ta đã có làn sóng cải cách, tất cả vì một đất nước hùng cường nên tư tưởng cục bộ cá nhân, vun vén cho nhóm lợi ích dần dần sẽ hạn chế. Dù có sức ép cũng phải thực hiện cho được mục tiêu hàng đầu là cải cách, nếu làm được thì dần dần tư tưởng cá nhân, lợi ích nhóm sẽ bị loại bỏ vì các đơn vị đều gắn với trách nhiệm giải trình, chịu sự giám sát.

Khi các văn bản được ban hành và đi vào cuộc sống mà bị người dân, doanh nghiệp cho rằng đó là rào cản, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

Còn Văn phòng Chính phủ là cơ quan trung gian nên rất khách quan, minh bạch, không chịu tác động từ bộ nào, cũng chẳng lấy của ai để co kéo về cho mình cả. Chúng tôi chỉ làm đúng những gì pháp luật quy định.

Nhưng trong bối cảnh khó khăn và có sự thay đổi lớn trên toàn cầu, đặc biệt khi công nghệ 4.0 phát triển như vũ bão, nếu Văn phòng Chính phủ không đổi mới thì không thể tham mưu chính xác, kịp thời cho Chính phủ.

Ở Văn phòng Chính phủ, việc chưa xong chưa được về chứ không có định nghĩa “làm việc 8 tiếng/ngày”. Các công việc đều được kiểm soát và theo dõi rất kỹ.

Chúng tôi luôn kỳ vọng sẽ tiếp tục cải cách để đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, đáp ứng mong muốn của người dân.

Năm 2021 là năm đầu của kế hoạch 5 nên rất quan trọng. Tôi tin những kết quả thành tựu của nhiệm kỳ sẽ được Chính phủ phát huy tốt hơn trong năm tới. Cùng với đó, sẽ khắc phục những tồn tại, quan tâm hoàn thiện, xây dựng thể chế và tạo ra những đột phá mạnh mẽ hơn nữa.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Zing
Cùng chuyên mục
Tin khác