Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu 5 kết quả, 5 thách thức sau 2 năm thực hiện Luật Quy hoạch

Lê Nguyễn - 19/08/2021 19:15 (GMT+7)

(VNF) – Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, công tác triển khai Luật Quy hoạch sau 2 năm đã mang lại những kết quả tích cực, song cũng tồn tại nhiều khó khăn.

VNF
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu 5 kết quả, 5 thách thức sau 2 năm thực hiện Luật Quy hoạch

Hôm nay (19/8), Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong việc triển khai Luật Quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác lập quy hoạch.

Các nội dung chính của hội nghị này gồm: nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp; xác định các nhiệm vụ, giải pháp, phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng của công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030.

Song song với đó là xem xét thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về quy hoạch để chỉ đạo, đôn đốc và phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương trong việc triển khai lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030.

Ngoài ra, hội nghị cũng thảo luận về hoàn thiện thể chế để đảm bảo việc triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật Quy hoạch, bao gồm: xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc dừng thi hành một số quy định tại văn bản hướng dẫn chi tiết luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch có quy định không phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch;  xem xét sửa đổi một số Nghị định hướng dẫn về các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch; xem xét thống nhất nguồn vốn lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Đánh giá về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc triển khai Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Luật Quy hoạch và 73 luật, pháp lệnh được sửa đổi, bổ sung có liên quan đến quy hoạch được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua có hiệu lực từ tháng 1/2019 đã tạo ra sự thay đổi toàn diện và sâu sắc về thế chế, tư duy, phương pháp và nội dung của công tác quy hoạch; từng bước dẫn đến các thay đổi về quản lý nhà nước và vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phù hợp với tình hình thực tiễn và các thông lệ quốc tế tốt.

Quy hoạch theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành quy định tại Luật Quy hoạch đề cao tính thống nhất trong quản lý nhà nước, đề cao liên kết ngành, liên kết vùng, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ và cát cứ về mục tiêu phát triển, không gian phát triển và nguồn lực phát triển.

Trong bối cảnh cả nước bước vào năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 – 2030, các bộ, ngành, địa phương đang tập trung, khẩn trương tổ chức lập đồng thời các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030.

“Đây là cơ hội lớn để xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển, sắp xếp, phân bổ không gian phát triển đất nước và từng địa phương một cách bài bản, khoa học; mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới; phát huy có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện chuyển đổi mô hình phát triển và cơ cấu lại nền kinh tế”, Bộ trưởng nói.

Về kết quả triển khai Luật Quy hoạch trong 2 năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đã đạt được 5 kết quả chính.

Thứ nhất, về hoàn thiện thể chế, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch, các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành cơ bản đầy đủ và đồng bộ, tạo hành lang pháp lý cần thiết để triển khai công tác quy hoạch thời kỳ mới.

Thứ hai, việc tổ chức lập các quy hoạch theo Luật Quy hoạch đã đạt kết quả bước đầu quan trọng. Theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, dự kiến trong năm 2021 sẽ có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia, 1/6 quy hoạch vùng, 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập và trình thẩm định; các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022. 

Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương đã từng bước chuyển đổi hoạt động quản lý nhà nước phù hợp quy định của Luật Quy hoạch, theo hướng “Chính quyền là một tổng thể thống nhất”, tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp. Các bộ, ngành, địa phương đã bãi bỏ các quy hoạch về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ cụ thể, thay thế bằng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn, góp phần đơn giản hóa điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng, thông thoáng.

Thứ tư, chất lượng quy hoạch từng bước được cải thiện thông qua quy trình lập quy hoạch dựa trên cách tiếp cận tích hợp đa ngành và áp dụng các công nghệ tiên tiến; khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch riêng lẻ.

Thứ năm, công tác giám sát, đánh giá thực hiện quy hoạch ngày càng được chú trọng, trong đó Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch đang được triển xây dựng sẽ đảm bảo công khai minh bạch thông tin, dữ liệu về quy hoạch cho mọi người dân; hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý, xúc tiến và thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc triển khai Luật Quy hoạch gặp một số khó khăn.

Một là một số văn bản hướng dẫn chi tiết các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch chậm được ban hành; một số quy định chưa có sự thống nhất với quy định của pháp luật về quy hoạch, gây khó khăn cho bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức lập, thẩm định quy hoạch.

Hai là nhiều địa phương còn lúng túng trong việc triển khai các quy định mới của Luật Quy hoạch, đặc biệt là phương pháp lập quy hoạch theo cách tiếp cận tích hợp, đa ngành. Việc lập quy hoạch tỉnh theo phương pháp mới dự kiến sẽ tích hợp nội dung khoảng 50 loại quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trước đây, do vậy đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, lĩnh vực và áp dụng các công nghệ tiên tiến vào việc lập quy hoạch.

Ba là tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 tuy đã được đẩy nhanh trong thời gian gần đây, nhưng còn chậm so với yêu cầu của thực tiễn.

Bốn là việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong công tác quy hoạch vẫn còn hạn chế. Thông tin, cơ sở dữ liệu về quy hoạch chưa được xây dựng đồng bộ để phục vụ cho việc lập quy hoạch thời kỳ mới.

Năm là diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến công tác khảo sát thực trạng, thu thập số liệu, tham vấn ý kiến về quy hoạch, gây khó khăn cho việc huy động các chuyên gia, đặc biệt đối với các tổ chức tư vấn quốc tế.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.