Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Rất băn khoăn về loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Nguyễn Lê - 23/03/2020 15:50 (GMT+7)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi)

VNF
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Cơ quan soạn thảo hết sức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu, nhưng thực sự còn rất băn khoăn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ sau khi đa số phát biểu tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ tại phiên họp sáng 23/3.

Trước khi giải trình vào nội dung chính là sửa đổi Luật Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện tại tình hình sức khoẻ tốt, đã đi làm bình thường, đoàn công tác của Bộ cũng không có ai dương tính với dịch bệnh COVID - 19.

Thống nhất giữ lại phụ lục 1, 2, 3

Cho ý kiến về những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), vấn đề được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm là quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.  

Tại báo cáo gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị giữ phương án dự thảo luật sửa đổi bãi bỏ danh mục các chất ma túy, danh mục các hóa chất, khoáng vật và danh mục động, thực vật hoang dã cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tương ứng tại các phụ lục 1, 2 và 3 Luật Đầu tư và giao Chính phủ quy định chi tiết các danh mục này.

Ủy ban Kinh tế đồng tình với quan điểm của đa số đại biểu giữ lại phụ lục 1, 2 và 3 như Luật Đầu tư hiện hành trên cơ sở rà soát quy định danh mục ban hành kèm theo để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, vì đây là những nội dung liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân nên cần phải quy định trong luật.

Phân tích của Ủy ban Kinh tế được Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải ... và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình.

Việc sửa đổi bổ sung danh mục này cho phù hợp thì thủ tục rất đơn giản, quy định trong luật để đảm bảo công khai minh bạch, Chủ tịch Quốc hội nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tiếp thu, giữ lại các danh mục này để phù hợp với Hiến pháp.

Đề nghị tiếp tục cân nhắc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này. Còn Chính phủ vẫn kiên trì quan điểm cần cấm kinh doanh dịch vụ này.

Đa số các ý kiến tại phiên thảo luận đồng tình với Ủy ban Kinh tế và nhấn mạnh không nên không quản được thì cấm. Riêng Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng nên cấm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích, trong điều kiện hiện nay dịch vụ đòi nợ đang là thực tế, dù không ít trường hợp lợi dụng để biến tướng thành các băng nhóm tội phạm, cưỡng đoạt tài sản. Nhưng nguyên nhân biến tướng là do chưa thực hiện quản lý tốt với loạt hình kinh doanh này, chưa quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Do quản lý kém để biến tướng, chứ đây là cơ chế thị trường, yêu cầu thực tế, bà Ngân nói và cho biết đồng ý với nhiều ý kiến không nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, thay vào đó đưa ra các quy định, thiết chế quản lý chặt chẽ, đồng thời nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước với loại hình kinh doanh này, khắc phục những biến tướng. "Không phải không quản được là cấm", bà Ngân nhấn mạnh.

Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cơ quan soạn thảo cầu thị tiếp thu các ý kiến góp ý, nhưng không ít băn khoăn. Vì như phân tích của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì đây là quan hệ dân sự, đã  được điều chỉnh theo nhiều cơ chế.

Bộ trưởng cũng cho biết, hiện có 217 doanh nghiệp kinh doanh loại hình này, chủ yếu ở Hà Nội, TP. HCM nhưng không có đơn vị nào hoạt động lành mạnh, chủ yếu là xã hội đen, cho vay nặng lãi, ép người vay trả lãi suất cao dẫn đến tình hình an ninh trật tự phức tạp.

Đóng góp của lĩnh vực này với nền kinh tế không đáng bao nhiêu, so với những gì phải bỏ ra khắc phục, Bộ trưởng Dũng so sánh.

Mặt khác, Bộ trưởng cũng trình bày, thiết kế thiết chế quản lý chặt chẽ loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ là rất khó, là thách thức lớn cho cơ quan soạn thảo. Do đó, Bộ trưởng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc vấn đề này.

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.