Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 'Xử lý căn cơ tình trạng DN khó hấp thụ vốn'

Vân Trang - 09/02/2024 00:16 (GMT+7)

(VNF) - Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường chính trị - kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Do đó, cần có giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.

- Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 từ 6,0 - 6,5%. Đây được xem là mục tiêu tương đối cao, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Vậy theo Bộ trưởng, đâu sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế 2024, thưa ông?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Năm 2024, nền kinh tế nước ta có thể đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới, nhất là do tình hình thế giới, trong nước ngày càng biến động nhanh, phức tạp, khó lường. Cạnh tranh địa chính trị gia tăng, kinh tế toàn cầu chưa phục hồi ổn định, các thị trường xuất khẩu, đối tác lớn tiếp tục bị thu hẹp, đơn hàng xuất khẩu giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; tình hình lao động việc làm bị ảnh hưởng…

Bên cạnh đó, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực phát triển. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng đến niềm tin, tâm lý của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Dòng vốn, thanh khoản của nền kinh tế còn nhiều khó khăn.

Trước bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang có nhiều biến động nhanh chóng hiện nay, đã xuất hiện những khó khăn, thách thức mới mà chúng ta phải đối mặt và cả những thuận lợi và cơ hội mà chúng ta có thể tận dụng.

Hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh đang trên đà phục hồi khá tốt tuy nhiên bối cảnh thế giới vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, phía trước vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức. Các vấn đề nội tại của nền kinh tế như năng lực sản xuất, doanh nghiệp, cơ cấu đầu tư, thị trường, sự phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài, thị trường xuất khẩu... chưa thể cải thiện trong “một sớm, một chiều”.

Trong khi đó, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trong nước, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hiện rất khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, khó khăn nội tại lớn nhất vẫn là tình trạng cán bộ có biểu hiện e ngại, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến chậm trễ trong giải quyết công việc.

Do đó, cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn, tạo thành tác động cộng hưởng, phát huy tối đa hiệu quả các chính sách, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tranh thủ mọi cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi tăng trưởng, thực hiện các giải pháp trong trung và dài hạn như tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

- Như vậy là các động lực dường như không đủ mạnh và nền kinh tế sẽ tiếp tục đối diện khó khăn, thưa ông?

Năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường chính trị - kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, xung đột tại Ukraine và dải Gaza nhiều khả năng còn kéo dài làm gia tăng tình trạng phân mảnh địa chính trị, địa kinh tế. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó có Đông Nam Á, tiếp tục là động lực tăng trưởng toàn cầu, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, “điểm nóng” khó lường, đe dọa đến môi trường hòa bình và ổn định của khu vực.

Tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm. Lạm phát, chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn còn chứa đựng yếu tố bất định. Các nước đẩy nhanh việc thực thi, “pháp lý hóa” các tiêu chuẩn, tiêu chí mới về thương mại và đầu tư quốc tế, tạo sức ép thực thi trên toàn cầu, tác động đến khả năng cạnh tranh của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, yêu cầu các nước phải có điều chỉnh, thích ứng cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống, nhất là dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng… sẽ tiếp tục phức tạp, gay gắt hơn, ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, có thể đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta...

Diễn biến bất lợi của thế giới, khu vực sẽ tiếp tục tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư… của nước ta. Cơ cấu cầu thế giới thay đổi theo hướng tới “tiêu dùng xanh” tạo ra thách thức không nhỏ đối với các sản phẩm của Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ… từ đó tham gia sâu vào chuỗi giá trị mới. Thách thức đối với liên kết vùng sẽ còn phức tạp nếu không sớm xác định và triển khai các biện pháp đặc thù nhằm phát huy lợi thế của từng vùng, từng ngành và từng địa phương.

Sản xuất kinh doanh, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn, hậu quả và tác động của dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài, cộng hưởng với những khó khăn, thách thức mới từ đầu năm 2023 đến nay; du lịch đối diện với nhiều thách thức; nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn khó khăn... 

Thiên tai, hạn hán, bão lũ, biến đổi khí hậu có thể phức tạp hơn, tác động ngày càng mạnh tới các hoạt động kinh tế, xã hội, trong đó có sản xuất lương thực, cấp nước cho phát điện, sản xuất, chăn nuôi… Các vấn đề an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, dịch bệnh... luôn thường trực, diễn biến khó lường hơn.

- Một số ý kiến cho rằng khó khăn lớn của doanh nghiệp hiện tại là khả năng hấp thụ vốn yếu. Điều này đồng nghĩa với việc các chính sách hỗ trợ sẽ khó được hấp thụ. Theo Bộ trưởng, đâu là giải pháp để trợ lực cho doanh nghiệp?

Hiện nay, chúng ta có gần 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên chủ yếu có quy mô nhỏ bé, với gần 98% là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Thời gian qua, các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau dịch bệnh Covid-19, lại tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức do tác động của các bất ổn kinh tế, địa, chính trị thế giới. Do đó, với sức khoẻ còn yếu thì các doanh nghiệp khó có thể hấp thụ được nguồn vốn. Để trợ lực cho doanh nghiệp thì cần giải quyết vấn đề căn cơ, nguyên nhân gốc rễ thay vì xử lý vấn đề hiện tượng.

Vì vậy, theo tôi cần tập trung vào 5 nhóm giải pháp có tính chiến lược như sau:

Thứ nhất, nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Cần xác định rõ việc cải cách thể chế, tháo gỡ ngay các rào cản pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi là giải pháp đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, cần tập trung giải quyết ngay những bất cập đã được doanh nghiệp phản ánh nhiều lần như quy định về phòng cháy chữa cháy, kiểm tra chuyên ngành...

Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Khẩn trương tháo gỡ khó khăn trong về thủ tục hành chính như vấn đề hoàn thuế VAT mà các doanh nghiệp phản ánh trong thời gian dài; rà soát, cắt giảm một số chi phí còn bất hợp lý so với thực tiễn hoạt động kinh doanh như: chi phí kiểm dịch động vật, định mức chi phí tái chế, chi phí lưu kho bãi…

Tiếp tục rà soát chính sách tín dụng nhằm tiết giảm chi phí, hạ lãi suất vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn. Thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành. Nâng cao hiệu quả hoạt động các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khẩn trương ban hành Quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (Fintech).

Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Các Bộ ngành, địa phương cần tiếp tục theo sát diễn biến tình hình kinh tế và các điều chỉnh chính sách của các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản… kịp thời phổ biến thông tin, đưa ra cảnh báo sớm cho ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp. Thiết lập các đầu mối thông tin thị trường đối với các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam; nghiên cứu áp dụng mô hình hợp tác công tư, hình thành văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài.

Thứ tư, hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Triển khai nhanh và hiệu quả chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng; nghiên cứu triển khai kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về việc dùng 100% kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn để hỗ trợ trực tiếp, đào tạo cho người lao động tại doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân người lao động, chờ đợi thị trường phục hồi.

Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các ngành: sản xuất chip bán dẫn, năng lượng mới (hydrogen)…; hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nỗ lực thực hiện các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, nắm bắt thời cơ, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.

Tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp; chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để biến thách thức thành cơ hội; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

- Với vai trò của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có đề xuất gì để Chính phủ thực hiện mục tiêu này và để tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất?

Thời gian tới, dự báo bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tác động không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế và tiềm ẩn rủi ro đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Bối cảnh đó đòi hỏi phải ứng phó, thích ứng kịp thời, hiệu quả với bối cảnh, tình hình mới, tận dụng cơ hội, thời cơ để phát triển bứt phá, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực mới về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... nhằm nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế, tạo đà phục hồi tăng trưởng nhanh, bền vững và thực hiện thắng lợi và toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và 05 năm đã đặt ra.

Trong đó, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, bám sát tình hình, nâng cao chất lượng dự báo, triển khai linh hoạt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp điều hành để ứng phó với tình hình phát sinh, bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thứ hai, tranh thủ cơ hội, thời cơ từ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện, nhất là với các nền kinh tế lớn nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế.

Thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Phát triển các ngành, lĩnh vực mới về kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp mới như chíp, bán dẫn… Thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi; xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Thứ ba, tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả 03 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là đầu tư cho các dự án hạ tầng chiến lược, trọng điểm, có tính động lực, kết nối, liên vùng.

Thứ tư, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế; cải thiện năng lực sản xuất trong nước, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp FDI với khu vực trong nước; đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng, bảo đảm cung – cầu hàng hóa thiết yếu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực trong nước.

Thứ năm, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, ngoại giao kinh tế.

Cùng chuyên mục
Tin khác