Bức tranh tài chính của đế chế đa ngành Trường Thịnh

Việt Anh - 11/04/2022 22:45 (GMT+7)

(VNF) - Ở Quảng Bình, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh nổi danh là một "đế chế" đa ngành, phủ sóng trên khắp các lĩnh vực kinh doanh trọng yếu, từ xây dựng, giao thông, công trình dân dụng cho tới chủ đầu các dự án thủy điện, bất động sản, sân golf... Doanh nghiệp này còn là nhà đầu tư tiên phong của tỉnh trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp với dự án Sun Spa Resort, khu du lịch sinh thái Động Thiên Đường và gần đây là sân golf Bảo Ninh - Trường Thịnh.

VNF
Khu du lịch sinh thái Sun Spa Resort Quảng Bình

Chân dung Tập đoàn Trường Thịnh

Tiền thân của Tập đoàn Trường Thịnh là Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Trường Thịnh, ra đời từ năm 1994, đã gần 30 năm tuổi nghề. Hiện đại bản doanh của doanh nghiệp đóng ở số 50 Nguyễn Hữu Cảnh, phường Hải Đình, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Thuở ban sơ, Tập đoàn Trường Thịnh khởi nghiệp từ mảng xây dựng và khai thác dịch vụ du lịch với số vốn ít ỏi, chỉ vài tỷ đồng. Đến nay, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên hơn 2.600 tỷ đồng, cùng hệ sinh thái đa dạng, mở rộng nhờ hàng chục đơn vị thành viên, bao gồm Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Trường Thịnh, Công ty TNHH MTV BOT Trường Thịnh, Công ty Cổ phần Thủy điện Trường Thịnh, Công ty Cổ phần Trường Thịnh Golf & Resort, Công ty TNHH MTV Xây lắp Trường Thịnh, Công ty TNHH BOT Đường tránh Thành phố Đồng Hới, Công ty TNHH BOT Quảng Trị...

Tập đoàn Trường Thịnh là cơ đồ của Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Võ Minh Hoài, sinh năm 1958, doanh nhân gốc Quảng Bình. Không giống như những cậu ấm cô chiêu, trâm anh thế phiệt, tuổi thơ ngậm thìa vàng khác, ký ức của người sáng lập Tập đoàn Trường Thịnh được lấp đầy bởi những ngày tháng đói rét, cơ cực, đầy khó khăn và vất vả.

Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông Hoài chia sẻ bản thân chưa học xong phổ thông, đã phải đi làm để phụ giúp gia đình, từ một anh thợ may làng, rồi bắt đầu kinh doanh hàng xén và cơ may đã đến với ông khi dấn thân vào lĩnh vực công trình giao thông, ngay tại quê nhà và gặt hái những thành công ban đầu.

Hồi tưởng về khoảng thời gian này, ông Hoài cho biết Tập đoàn Trường Thịnh đã may mắn được thực hiện, tích lũy kinh nghiệm từ những hợp đồng làm đường cầu Quán Hầu, Sông Gianh, Hiền Lương, Đông Hà đến đường Hồ Chí Minh, QL4, QL5, QL6, QL9, QL12, sân bay Đồng Hới, cảng Hòn La, đường tránh Đồng Hới và đường tránh Quảng Trị theo hình thức BOT.

Đó cũng là động lực để Tập đoàn Trường Thịnh từ nhà thầu, vươn lên làm chủ với việc lấn sân sang thị trường bất động sản nghỉ dưỡng màu mỡ, năm 2002 chứng kiến dự án đầu tay là khu du lịch sinh thái Sun Spa Resort Quảng Bình, tọa lạc trên bán đảo Bảo Ninh, bên kia bờ Nhật Lệ.

Một góc khu du lịch Sun Spa Resort Quảng Bình

Dự án này có tổng diện tích 29ha, từng được công nhận kỷ lục Việt Nam cho khu nghỉ dưỡng cao cấp có mặt biển và mặt sông dài nhất cả nước, hồi tháng 6/2013. Tiếp nối thành công của Sun Spa, Tập đoàn Trường Thịnh "thai nghén" và cho ra đời dự án khu du lịch sinh thái Động Thiên Đường, được đưa vào hoạt động từ năm 2010 và cũng từ lúc này, tiếng tăm của Tập đoàn Trường Thịnh chính thức vượt xa ra khỏi địa phận tỉnh nhà.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Trường Thịnh cũng mạnh tay rót vốn đầu tư thêm ba dự án thủy điện là La Trọng, Kim Hóa, Khe Rôn tại Quảng Bình, với tổng vốn trên 600 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết mỗi năm các nhà máy thủy điện thượng nguồn Sông Gianh này có thể cung cấp hơn 130 triệu KWh điện cho lưới điện quốc gia, là dấu ấn mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của mình.

Mới đây, Tập đoàn Trường Thịnh được giới tài chính nhắc đến nhiều hơn, sau khi doanh nghiệp có đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ xin được đảm nhận thi công dự án thành phần Vạn Ninh - Cam Lộ, thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025.

Nếu được người đứng đầu Chính phủ chấp thuận tại dự án có tổng mức đầu tư 10.590 tỷ đồng này, Tập đoàn Trường Thịnh cam kết sẽ huy động năng lực tài chính và thiết bị, điều hành tổ chức thi công công trình một cách khoa học, bảo đảm chất lượng, mỹ quan, hoàn thành vượt tiến độ thi công đến 6 tháng.

Tiết lộ tình hình tài chính

Theo tài liệu của VietnamFinance, xét riêng giai đoạn 5 năm gần đây (2016 - 2020), Tập đoàn Trường Thịnh (công ty mẹ) chứng kiến đà tăng liên tiếp của tổng tài sản, lần lượt ở mức 3.113 tỷ đồng, 3.645 tỷ đồng, 4.071 tỷ đồng, 5.170 tỷ đồng và 5.953 tỷ đồng. Đồng thuận với sự tăng trưởng này, nợ tài chính cũng gia tăng tương đối nhanh chóng, với 1.960 tỷ đồng, 2.164 tỷ đồng, 2.122 tỷ đồng, 3.060 tỷ đồng và 3.216 tỷ đồng.

Doanh nghiệp ghi nhận các khoản vay dài hạn khá lớn và có xu hướng tăng theo các năm, tính đến cuối 2020 là 1.188 tỷ đồng. Để thanh toán chi phí lãi vay cho việc sử dụng đòn bẩy của mình, hàng năm Tập đoàn Trường Thịnh trả lãi trên 120 tỷ đồng, đơn cử năm 2020 là 125 tỷ đồng, tức bình quân khoảng 343 triệu đồng/ngày.

Trong khi đó, kết quả kinh doanh của Tập đoàn Trường Thịnh chưa thực sự hiệu quả, với tỷ suất lợi nhuận/doanh thu khá thấp. Cụ thể, doanh thu thuần giai đoạn 2016 - 2020 là 916 tỷ đồng, 857,3 tỷ đồng, 1.595 tỷ đồng, 1.370 tỷ đồng, 1.585 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 1,1 tỷ đồng, 1,8 tỷ đồng, 59,6 tỷ đồng, 1,1 tỷ đồng và 117,9 tỷ đồng.

Trong nhóm công ty con của Tập đoàn Trường Thịnh, dường như Công ty TNHH MTV Du lịch Trường Thịnh (Du lịch Trường Thịnh), chủ đầu tư dự án Sun Spa Resort là pháp nhân làm ăn kém hiệu quả nhất, với các khoản lỗ liên tiếp suốt các năm trở lại đây. Cụ thể, trong khi doanh thu đạt 104,8 tỷ đồng (2016), 135,8 tỷ đồng (2017), 132,7 tỷ đồng (2018), 142,1 tỷ đồng (2019), 58,1 tỷ đồng (2020), thì Du lịch Trường Thịnh lần lượt lỗ ròng 66,1 tỷ đồng, 59,3 tỷ đồng, 7,5 tỷ đồng, 47,9 tỷ đồng và 91,1 tỷ đồng.

Các khoản lỗ chồng chất khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh mất vốn, nhận thấy khi vốn chủ sở hữu "bốc hơi" còn 131,1 tỷ đồng, cho dù vốn góp chủ sở hữu lên tới 468 tỷ đồng. Chưa hết, chủ đầu tư Sun Spa Resort sử dụng đòn bẩy ở mức rất cao, với nợ phải trả lên tới 595,5 tỷ đồng, cao gấp 4,5 lần vốn chủ sở hữu, tính đến cuối năm 2020.

Đáng nói, chủ yếu các khoản nợ tài chính là nợ ngắn hạn với 421,4 tỷ đồng, vượt xa tài sản ngắn hạn vỏn vẹn 9,6 tỷ đồng, cho nên đã tạo ra một điểm rất đáng lo ngại khi hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn của Du lịch Trường Thịnh quá thấp, chỉ đạt 0,02 lần.

Ở mảng giao thông, một đơn vị liên doanh của Tập đoàn Trường Thịnh là Công ty TNHH Đầu tư BT Cam Lộ - Thúy Loan (Cam Lộ - Thúy Loan) cũng đang phát đi những tín hiệu kém khả quan trong năng lực tài chính. Đây là chủ đầu tư dự án đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, khởi công năm 2013 với tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng theo hình thức BT.

Bên cạnh Tập đoàn Trường Thịnh đóng góp 20,7% cổ phần, nhóm cổ đông của pháp nhân liên doanh này còn có Tập đoàn Sơn Hải, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Vạn Tường, Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông, Tổng công ty Xây dựng số 1...

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.