Thủ đoạn Trương Mỹ Lan chuyển 4,5 tỷ USD ra nước ngoài, 'qua mặt' cơ quan chống rửa tiền
(VNF) - Ở giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát, cơ quan chức năng đã làm rõ hành vi chuyển tiền trái phép ra nước ngoài 4,5 tỷ USD (tương đương hơn 106 nghìn tỷ đồng) của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm.
Cách bà Trương Mỹ Lan tuồn 4,5 tỷ USD ra nước ngoài
Tại kết luận điều tra giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) Bộ Công an đề nghị truy tố bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) tội Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, bên cạnh tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
CQĐT thông tin, hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài của bà Lan và các bị can khác kéo dài từ 2012-2022. Có 21 công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát thực hiện các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam.
Nhóm đối tượng đã thực hiện 107 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài và 152 giao dịch nhận tiền từ nước ngoài về Việt Nam. Tổng số tiền bị quy kết vận chuyển tiền trái phép qua biên giới là 4,5 tỷ USD.
CQĐT chỉ rõ, dưới sự chỉ đạo của bà Lan, các đối tượng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã câu kết với các nhân viên Ngân hàng SCB chuyển tiền quốc tế, thông qua việc lập khống các hóa đơn mua hàng, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, hợp đồng vay tiền, hợp đồng tư vấn giữa các công ty tại Việt Nam và các công ty ở nước ngoài.
Các hợp đồng này đều là hợp đồng khống để hợp thức việc chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam; các pháp nhân chuyển tiền, nhận tiền từ các “công ty ma” thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Theo CQĐT, dù các thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài không đủ điều kiện, thiếu các loại giấy chứng nhận, chứng từ, văn bản…, nhưng các đối tượng có thẩm quyền vẫn duyệt mở khóa trên hệ thống để hoàn tất việc chuyển tiền quốc tế.
Đáng chú ý, nguyên quyền Tổng Giám đốc SCB Trương Khánh Hoàng là người đã ký duyệt 38 giao dịch chuyển hơn 929 triệu USD ra nước ngoài và nhận 1,9 tỷ USD từ nước ngoài chuyển về.
Quá trình làm việc tại SCB, ông Hoàng được bà Lan chỉ đạo phối hợp với nhóm Nguyễn Phương Anh (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula), chỉ đạo Phương Anh phối hợp với các chi nhánh của SCB sử dụng tiền chiếm đoạt được từ SCB thực hiện chuyển tiền để bà Lan dùng cho các mục đích khác nhau.
Theo đó, Hoàng chỉ đạo Phương Anh ghi chép lại việc sử dụng tiền từ tiền chiếm đoạt được của SCB thông qua các khoản vay khống.
Từ ngày 9/9/2019 đến ngày 5/1/2021, Hoàng chỉ đạo Phương Anh sử dụng hơn 104.000 tỷ đồng cho nhiều mục đích khác nhau của bà Lan.
Đồng thời, với tư cách là quyền Tổng Giám đốc SCB, Hoàng đã duyệt các lệnh chuyển tiền ra nước ngoài và duyệt nhận các khoản tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam cho các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thông qua các hợp đồng khống.
Hoàng đã ký duyệt 38 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài với tổng số tiền hơn 929 triệu USD và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về (106 giao dịch) với tổng số tiền 1,9 tỷ USD. Các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài, nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam đều do các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát thực hiện thông qua các loại hợp đồng khống.
Kết luận điều tra nêu, các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài do Hoàng ký duyệt đều không đủ điều kiện chuyển tiền như thiếu văn bản xác nhận của công ty tại Việt Nam về việc công ty nước ngoài sở hữu cổ phần theo hợp đồng chuyển nhượng; chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự của người đại diện công ty nước ngoài đứng ra ký hợp đồng chuyển nhượng; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chứng nhận hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần giữa công ty tại Việt Nam và công ty nước ngoài; chứng từ thể hiện công ty ở nước ngoài đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước Việt Nam cho giao dịch chuyển... Nhưng Hoàng vẫn duyệt cho chuyển tiền ra nước ngoài.
Với các giao dịch nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam, dù thiếu trường thông tin về mục đích chuyển tiền, bị hệ thống tự động khóa nhưng Hoàng vẫn duyệt mở khóa trên hệ thống để hạch toán vào tài khoản của khách hàng nhận tiền 106 giao dịch, với tổng số tiền hơn 1,9 tỷ USD.
Với hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, cơ quan điều tra xác định bà Lan cùng đồng phạm sử dụng nhiều hợp đồng khống, chuyển ra nước ngoài hơn 1,5 tỷ USD. Cùng với đó, số tiền hơn 3 tỷ USD được chuyển ngược về Việt Nam một cách trái pháp luật. Như vậy, tổng số bị các bị can vận chuyển trái phép 4,53 tỷ USD.
Bà Lan khai nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam là tiền vay, còn tiền chuyển ra nước ngoài là tiền trả nợ.
Thủ đoạn 'qua mặt' Cục Phòng chống rửa tiền
Theo quy định, Cục Phòng chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước có vai trò tiếp nhận thông tin, báo cáo từ các tổ chức theo quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và các thông tin khác nghi ngờ liên quan đến rửa tiền...
Sau khi tiếp nhận, Cục Phòng chống rửa tiền có trách nhiệm phân tích, xử lý báo cáo, thông tin nghi ngờ liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc tội phạm khác liên quan đến rửa tiền theo quy định của pháp luật.
Kết luận điều tra chỉ ra, từ năm 2012-2022, Ngân hàng SCB đã báo cáo Cục Phòng chống rửa tiền: 3.160 file báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử (giao dịch từ 1.000 USD trở lên hoặc bằng tiền ngoại tệ khác có giá trị tương đương) bằng hình thức điện tử với 313.705 giao dịch chuyển đi, nhận về. Ngoài ra, còn có 151 báo cáo giao dịch đáng ngờ.
Đối với 313.700 giao dịch chuyển tiền điện tử, căn cứ quy định, cơ sở để xác định giao dịch chuyển tiền điện tử liên quan đến hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố là các giao dịch liên quan đến tổ chức, cá nhân nằm trong "danh sách đen"; là đối tượng bị điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan chức năng của Việt Nam và của quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; nằm trong danh sách cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới…
Kết luận điều tra nêu, trước thời điểm khởi tố vụ án ngày 7/10/2022, có 85 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chuyển tiền ra nước ngoài và 63 công ty thuộc tập đoàn này nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam đều không thuộc các đối tượng nêu trên. Do đó, Cục không có cơ sở để xác định trong số hơn 313.700 giao dịch chuyển tiền điện tử có giao dịch liên quan đến hoạt động rửa tiền, vận chuyển tiền của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Đối với 151 báo cáo giao dịch đáng ngờ mà Ngân hàng SCB gửi lên, không có danh sách các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát chuyển tiền đi, nhận tiền về nên Cục Phòng chống rửa tiền cũng không có cơ sở để phân tích, nghi ngờ.
Một cơ quan chức năng khác là Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) thì lại không có chức năng kiểm tra, thanh tra hoạt động ngoại hối của các cá nhân, tổ chức nói chung cũng như hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền về Việt Nam nói riêng.
Vụ Quản lý ngoại hội chỉ thống kê, theo dõi số liệu trên cơ sở số liệu báo cáo tổng hợp của các ngân hàng mà không có số liệu giao dịch cụ thể từng tổ chức hay cá nhân cụ thể. Quá trình theo dõi số liệu tổng hợp do Ngân hàng SCB cung cấp, Vụ Quản lý ngoại hối không có cơ sở phát hiệu sự bất thường trong việc chuyển tiền, nhận tiền nước ngoài.
Vì thế, CQĐT cho rằng, không có căn cứ xem xét trách nhiệm của Cục Phòng chống rửa tiền, Vụ Quản lý ngoại hối trong việc các đối tượng, công ty thuộc Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB làm trái quy định về chuyển tiền quốc tế.
Bà Trương Mỹ Lan lừa bán trái phiếu cho 35.000 trái chủ, chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ
Số tiền khổng lồ mà Trương Huệ Vân tiếp tay cho Trương Mỹ Lan lừa đảo, chiếm đoạt
Bà Trương Mỹ Lan chuyển hơn 4 tỷ USD ra nước ngoài
- Ba chiếc Rolls-Royce bị kê biên trong vụ Trương Mỹ Lan đang ở đâu? 17/05/2024 09:15
- Tiếp tục điều tra loạt bất động sản liên quan đến bà Trương Mỹ Lan 14/05/2024 10:53
- Điều tra vụ Trương Mỹ Lan chi 147 triệu USD mua cổ phần khu đô thị Sing Việt 06/05/2024 05:15
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.