Cận cảnh công trường nhà máy dệt may 1.000 tỷ của DN Trung Quốc ở Thanh Hóa

Duy Quang - 03/10/2024 16:15 (GMT+7)

(VNF) - Nhà máy dệt may Nam Ích Thái Thắng được xây dựng trong Cụm công nghiệp Thái – Thắng huyện Hoằng Hóa dự kiến đến tháng 1/2025 sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.

Dự án Nhà máy Dệt may Nam Ích Thái Thắng được xây dựng tại Cụm công nghiệp Thái Thắng, thuộc địa phận xã Hoằng Thái và xã Hoằng Thắng của huyện Hoằng Hóa. Dự án có tổng mức đầu tư trên 1.090 tỷ đồng do Công ty TNHH South Asia Knitwear Limited thuộc Tập đoàn Nam Ích (Hồng Kông) làm chủ đầu tư; Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Hưng là đơn vị tổng thầu thi công.

Dự án được triển khai trên diện tích 81.972m2, nhằm sản xuất các sản phẩm dệt len và may mặc chất lượng cao cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Chủ đầu tư và tổng thầu thi công cam kết nhanh chóng hoàn thành các hạng mục công trình, bao gồm khu xưởng dệt rộng hơn 33.000m2, khu xưởng may hơn 22.000m2 cùng dây chuyền sản xuất hiện đại, khu văn phòng, nhà nghỉ ca và ký túc xá cho công nhân với tổng diện tích sàn hơn 3.000m2.

Sau khi đi vào vận hành, dự án dự kiến sẽ giải quyết việc làm ổn định cho hơn 5.000 lao động địa phương và các vùng lân cận. Đây là dự án thứ 3 của Tập đoàn Nam Ích tại tỉnh Thanh Hóa sau các nhà máy may tại Khu công nghiệp Tây Bắc Ga (TP. Thanh Hóa) và huyện Thường Xuân.

Ghi nhận của VietnamFinance ngày 28/9 cho thấy dự án đang được thi công rầm rộ. Xung quanh khu đất làm dự án đã được quây tôn, nhiều khu nhà xưởng đang được chủ đầu tư thi công để đáp ứng tiến độ.
Khu văn phòng đã được xây dựng kiên cố tới tầng thứ 3
Chủ đầu tư Cụm Công nghiệp Thái – Thắng, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa là Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Hạ tầng công nghiệp Đại Dương Xanh. Đây là doanh nghiệp được tách từ ra doanh nghiệp Công ty cổ phần đầu tư Du lịch Đại Dương Xanh và có vốn điều lệ 75 tỷ đồng.
Trao đổi với VietnamFinance, đại diện Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá cho biết: “Dự án Nhà máy dệt may Nam Ích Thái Thắng được khởi công từ tháng 5/2024, quy mô dự án thuộc công trình cấp 2. Vì vậy, mọi vấn đề liên quan tới thẩm định, cấp phép xây dựng thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng. Chức năng của đơn vị chúng tôi ngoài việc cấp phép quy hoạch chi tiết ra thì còn thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn đối với tất cả các dự án”.
Trước thông tin phản ánh của người dân về việc dự án thi công rầm rộ dù chưa được cấp giấy phép xây dựng, đại diện phòng kinh tế hạ tầng cho biết: “Chúng tôi cũng có nắm bắt được thông tin này và Phòng cũng đang có kế hoạch để vào kiểm tra. Trong trường hợp dự án chưa có giấy phép thì chúng tôi sẽ cho lập biên bản, dừng thi công và xử lý vi phạm hành chính theo quy định”.

Tập đoàn Nam Ích được thành lập từ năm 1963 tại Hồng Kông (Trung Quốc), đến năm 1981 bắt đầu mở rộng đầu tư tại Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Tại Thanh Hóa, Tập đoàn Nam Ích đã đưa nhà máy đầu tiên đi vào hoạt động vào năm 2018 tại Khu công nghiệp Đình Hương – Tây Bắc Ga, phường Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa với quy mô công nhân lên đến 1.400 người. Nhà máy thứ 2 đi vào hoạt động năm 2020 tại Khu phố Trung Chính, thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân với quy mô 2.000 công nhân.

Dệt may Hoà Thọ: Nợ tăng cao và tồn kho nhiều lên

Dệt may Hoà Thọ: Nợ tăng cao và tồn kho nhiều lên

Tài chính
(VNF) - Theo báo cáo tài chính quý II/2024, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hoà Thọ có doanh thu đạt 1.014 tỷ đồng, tăng nhẹ 52 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, lợi nhuận gộp thu về 141 tỷ đồng.