Cận cảnh dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân xuống cấp, nhếch nhác

Tùng Đoàn - 14/09/2022 10:17 (GMT+7)

(VNF) - Dự án Nghệ thuật công cộng Phúc Tân (khu vực bờ sông Hồng, thuộc phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được khánh thành năm 2020 đến nay đang bị xuống cấp, không còn nguyên vẹn.

VNF
Tác phẩm “Thuyền” của tác giả Vũ Xuân Đông.

Dự án cải tạo bờ bên lở sông Hồng gồm 16 tác phẩm nghệ thuật đã biến bức tường trên con đường dài 500m tại bãi tập kết rác ven sông Hồng thuộc phường Phúc Tân (Hà Nội) thành con đường nghệ thuật đáng sống. Mặc dù không đem lại giá trị về kinh tế, nhưng đem lại rất nhiều giá trị về văn hóa, nghệ thuật cho người dân Hà Nội cũng như người dân khu "ổ chuột" này.

Nhằm tái hiện lại cuộc sống bên sông Hồng với sáng tạo của 16 nghệ sĩ trong và ngoài nước, sau gần 1 tháng thực hiện, 16 tác phẩm được làm từ những vật liệu tái chế từ vỏ chai nhựa, thùng phuy đến lốp xe… đã thức tỉnh không gian sống của người dân nơi đây.

Theo ghi nhận thực tế tại công trình nghệ thuật công cộng Phúc Tân, tất cả tác phẩm nghệ thuật đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều điểm còn là nơi đổ rác thải.

Tác phẩm "Bức tường danh vọng" của hoạ sĩ Trần Hậu Yên Thế, thoạt nhìn còn rất đẹp.

Thế nhưng nhìn kỹ tác phẩm đã hư hại theo thời gian. Dự án này ghi nhận nỗ lực của quận Hoàn Kiếm, cũng như của thành phố khi muốn đánh thức lại nhận thức của người dân đối với Hà Nội.

KTS Trần Huy Ánh nhận định: "Chúng ta đều biết sự hy sinh rất lớn của các nghệ sĩ, đóng góp cho Hà Nội với nguồn kinh phí eo hẹp, dùng những đồ phế thải, những vật liệu rẻ tiền để xây dựng nên những tác phẩm làm nâng cao nhận thức với vật chất. Nếu chúng ta biết trân trọng nó thì sẽ có giá trị và đem lại sức sống không chỉ vật chất mà cả tinh thần. Qua thời gian, mưa nắng thì nó cũng không được lâu bền và cũng một phần do nhận thức của người dân cũng chưa thực sự coi đây như một phần tài sản của mình, đóng góp vào cuộc sống của mình để có trách nhiệm bảo vệ."

Nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm dựng lên tác phẩm Thành phố ven sông từ những chiếc thùng phuy, vật dụng đặc trưng chứa nước của những ngôi nhà nổi ở bãi giữa sông Hồng để khái quát về cuộc sống của những người dân ngụ cư nơi đây. Trong từng "căn nhà", nghệ sĩ lắp đặt những bóng đèn nhiều màu sắc khác nhau. Tất cả sẽ sáng rực mỗi tối, tạo nên ảo ảnh về đời sống hiện đại.

Tác phẩm "Gánh hàng rong" khắc họa những hình phụ nữ mặc yếm, váy đụp, đội nón quai thao đang gánh hàng. Không lựa chọn hình thức vẽ, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn tận dụng sắt phế thải và inox gương ánh vàng ánh bạc làm chất liệu cho tác phẩm của mình. Giờ đây lại bị tận dụng làm nơi bán hàng nước, gây mất thẩm mỹ, khiến cho người xem không thể nhìn toàn diện tác phẩm.

Nhiều vật dụng được treo lên tác phẩm.

Tác phẩm “Múa Lân”, tái hiện hình dạng những cây tò he cỡ lớn bị hư hỏng nặng và không còn nguyên vẹn.

Tags: