Cần Thơ: Đô thị bản sắc sông nước sẽ hút dòng vốn tỷ USD
Minh Ngô -
13/02/2024 15:16 (GMT+7)
(VNF) - Ông Phạm Thanh Vận, nguyên Phó bí thư Thành ủy Cần Thơ cho rằng, Cần Thơ - Tây Đô phải biến dòng sông Cần Thơ thành sông Seine như ở Pháp, tạo thành một điểm nhấn nổi của thành phố sông nước, kết nối với với kênh Xáng Xà No huyền thoại nối liền đôi bờ Cần Thơ - Hậu Giang. “Bản sắc sông nước” thực sự là cảm hứng cho quy hoạch phát triển Cần Thơ, nơi sẽ hút dòng vốn tỷ USD.
Đô thị có bản sắc sông nước là cảm hứng phát triển
Trước khi trở thành một đô thị sầm uất như ngày nay, ngược lại lịch sử gần 400 năm trước, Tây Đô là một khu vực chằng chịt kênh rạch, đầm lầy, nước mặn. Trải qua những biến đổi của dòng chảy đã chuyển hóa vùng đầm lầy thành một khu vực đồng bằng được bồi đắp bởi phù sa màu mỡ. So với các vùng đất nhiễm mặn bao quanh, nơi đây có điều kiện thuận tiện hơn trong phát triển nông nghiệp.
Đặc biệt, tại khu vực hợp lưu của con sông Hậu và sông Cần Thơ, ngày nay đã trở thành nơi tụ họp của những người dân sống bằng nghề sông nước, thiết lập nên một nền “Văn minh sông rạch”, với các ngôi làng và các bến chợ hình thành ở các khúc sông thuận lợi, cửa vào ngã ba, ngã tư ven sông.
Từ các địa danh Trấn Giang, Bích Thủy đến Cần Thơ ngày nay là cả một chặng đường lịch sử, có thể khẳng định vị trí quan trọng của Cần Thơ như một “Tây Đô - Thủ đô miền Tây” và một vùng đất đầy tiềm năng cả về thiên nhiên và văn hóa xã hội. Người dân miền Tây sống chung cùng sông nước, sống giữa thiên nhiên, giữa trời, giữa sông và kênh rạch, tạo nên một môi trường sống rộng mở, một không gian sống hòa đồng và thân thiện.
Đô thị có “Bản sắc sông nước” được xem là giá trị cốt lõi trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Cần Thơ. Thành phố sẽ tập trung phát triển quay mặt hướng sông và dành chỗ phát triển đô thị sông nước, với một số chiến lược không gian chính như: mặt tiền cho toàn bộ đô thị lớn là sông Hậu, với những công năng cao cấp nhất, tạo thành bộ mặt chung của cả đô thị lớn.
Mỗi một nhánh sông lớn như: Cái Răng, Cần Thơ, Bình Thuỷ, Ô Môn, Thốt Nốt sẽ tạo thành bản sắc chính cho từng quận lớn. Các kênh rạch nội ô và kênh rạch miệt vườn, đặc biệt là khu vực Cái Răng - Phong Điền, tạo ra bản sắc cảnh quan, sinh thái cũng như là một hệ thống hồ điều hoà đặc trưng…
Trên cơ sở đó, các ngành, lĩnh vực được ưu tiên theo thứ tự: Kinh doanh nông nghiệp (chế biến thực phẩm và thương mại nông lâm thủy sản), du lịch, logistics, bán lẻ, năng lượng, dược phẩm. Ngoài ra, điện tử, dịch vụ xã hội (y tế và giáo dục), công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính cũng được chú trọng.
Cần Thơ là một đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương nhưng khác với các tỉnh, thành khác khi không phân vùng giữa đô thị và nông thôn. Mà theo đó, những chức năng quan trọng nhất để tạo ra một Cần Thơ tầm cỡ sẽ tập trung ở vùng lưu vực sông Hậu... Hành lang phát triển chiều dọc gồm có: theo sông Hậu và theo cao tốc An Giang - Trần Đề. Hành lang phát triển chiều ngang bao gồm: một ở Thốt Nốt - Vĩnh Thạnh (theo cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi); hai theo tuyến liên vùng Ô Môn - Giồng Riềng; và ba theo tuyến đường sắt cao tốc, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau…
Để phát huy hết tiềm năng vốn có, đầu tháng 12/2023, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, phạm vi lập quy hoạch Cần Thơ bao gồm toàn bộ tổng diện tích tự nhiên của thành phố với hơn 1.440 km2, gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện (5 quận, 4 huyện).
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh cho biết, Cần Thơ đang có những điều kiện thuận lợi để triển khai đề án quy hoạch. Đây được coi là trung tâm Vùng đồng bằng sông Cửu Long khi trong Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch vùng đều xác định Cần Thơ phải đóng vai trò, sứ mệnh mới cao hơn, trở thành trung tâm của khu vực, cực tăng trưởng của đất nước, đồng thời là bệ đỡ lan tỏa, thúc đẩy lôi kéo phát triển cho cả vùng, chứ không phải của riêng địa phương.
Theo mục tiêu đề ra, tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 của Cần Thơ là 9,0%. GRDP bình quân đầu người tính theo thời giá đạt 194,37 triệu đồng và thu nhập bình quân hàng tháng/đầu người đạt 13,6 triệu đồng vào năm 2030. Tổng vốn đầu tư toàn giai đoạn dự kiến đạt 339.000 tỷ đồng vào năm 2030.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Cần Thơ nhận xét, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước miền Tây; là trung tâm của khu vực về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao… là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long, cửa ngõ vùng hạ lưu sông Mê Kông.
Đón dòng vốn tỷ USD
Thông xe ngày 24/12/2023, tuyến cao tốc 4.800 tỷ đồng Mỹ Thuận - Cần Thơ chính thức liên thông với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, trở thành một phần quan trọng của cao tốc Bắc - Nam phía Đông nối với TP. Hồ Chí Minh, trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây được xem là cơ hội lớn mở ra không gian phát triển mới khi nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch sẽ sớm được hình thành, giúp giảm chi phí logistics, tạo thuận lợi cho người dân giao thương giữ các địa phương.
Mặt khác, tuyến đường sắt cao tốc TP. Hồ Chí Minh nối Cần Thơ dài gần 175 km, vốn đầu tư 220.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ thực hiện trước năm 2030 và hoàn thành sau 5 năm. Các tuyến giao thông huyết mạch này đã và đang dẫn dòng vốn hàng tỷ USD đến Cần Thơ.
Bà Ogawa Megumi, Phó Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong tương lai với sự cải thiện hơn khi các tuyến đường cao tốc được hoàn thành, việc lưu thông hàng hóa đi TP. Hồ Chí Minh - thị trường lớn nhất của Việt Nam, sẽ trở nên dễ dàng hơn. Thêm vào đó, hiện nay ngày càng khó tìm kiếm các khu đất lớn còn trống xung quanh TP. Hồ Chí Minh để đầu tư, thì Cần Thơ với những lợi thế nêu trên chính là cơ hội cho các nhà đầu tư Nhật Bản.
Tập đoàn Pavilion International của Malaysia, thông qua đối tác là Công ty TNHH Gobal Partnership cũng vừa triển khai Khu phức hợp thể thao, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng Motor GP với vốn đầu tư 1,4 tỷ USD tại Cần Thơ. Đáng chú ý Tập đoàn AEON, một trong những nhà bán lẻ lâu đời nhất Nhật Bản, cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với địa phương về việc đầu tư trung tâm thương mại với mức đầu tư 250 triệu USD.
Vừa qua, Cần Thơ đã trao bản ghi nhớ đầu tư cho hàng loạt dự án như: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh 2 có quy mô 519 héc ta, tổng mức đầu tư 7.250 tỷ đồng cho Công ty cổ phần VSIP Cần Thơ; Dự án xử lý nước thải Cái Sâu 1 mở rộng và Cái Sâu 2 với tổng mức đầu tư 3.050 tỷ đồng cho Công ty TNHH Samsung Engineering; Dự án Nhà máy điện sinh khối Cần Thơ có tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng cho Công ty cổ phần EREX (Nhật Bản)…
Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ đã và đang là tiền đề vững chắc để thành phố tiếp tục mở rộng tầm nhìn, tăng tốc bứt phá, thực hiện khát vọng phát triển lên tầm cao mới, khẳng định vai trò là đô thị hạt nhân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, xứng tầm với vị thế tiềm năng của vùng đất Tây Đô.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone