Chân dung đơn vị trúng thầu lắp khẩu hiệu 'mỗi từ gần một tỷ đồng' ở Hòa Bình
Việt Anh -
28/09/2020 11:32 (GMT+7)
(VNF) - Thời gian vừa qua, dư luận xã hội xôn xao trước thông tin UBND tỉnh Hòa Bình có quyết định giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư xây lắp một câu khẩu hiệu gồm 11 từ tại khu vực đồi Ông Tượng với số tiền gần 11 tỷ đồng.
Cụ thể, hồi tháng 5/2020, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành quyết định số 1071/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Lắp dựng khẩu hiệu gồm 11 từ tạo cảnh quan trang trí khu vực đồi Ông Tượng. Tổng mức đầu tư dự kiến là gần 11 tỷ đồng, do Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch làm chủ đầu tư.
Sau đó, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Anh Kỳ (sau đây viết tắt là Công ty Anh Kỳ) đã trúng thầu.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Anh Kỳ được thành lập ngày 10/4/2006, trụ sở chính tại số 716, đường Cù Chính Lan, TP.Hòa Bình.
Công ty này do ông Đàm Anh Kỳ giữ chức danh Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật. Ông Kỳ sinh năm 1974, hộ khẩu thường trú tại tỉnh Hòa Bình.
Không chỉ giữ vai trò người đại diện theo pháp luật của Công ty Anh Kỳ, doanh nhân họ Đàm còn là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Anh Phong, công ty hoạt động chính trong lĩnh vực bán lẻ tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Ngoài ra, ông Kỳ còn đứng tên tại Công ty Cổ phần Phát triển Nhà An Cư Thành Phố, có trụ sở chính tại Gò Vấp, TP.HCM.
Được biết, ông Kỳ hiện là Phó chủ tịch Ban thương vụ Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình và Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Hòa Bình khóa II (nhiệm kỳ 2015 – 2020).
Theo tìm hiểu, trước khi trúng gói thầu gần 11 tỷ đồng của tỉnh Hòa Bình, Công ty Anh Kỳ đã có đợt tăng vốn từ 18,7 tỷ đồng lên 22,5 tỷ đồng. Đồng thời, số lượng ngành nghề kinh doanh cũng được điều chỉnh từ 48 lên 60. Đáng chú ý, lĩnh vực chính của doanh nghiệp này lại là bán buôn, bán lẻ ôtô, xe máy và xe có động cơ khác, dường như không liên quan tới gói thầu mà doanh nghiệp này vừa trúng.
Bên cạnh đó, ngoài gói thầu "lắp dựng khẩu hiệu tạo cảnh quan trang trí khu vực đồi Ông Tượng" thì Công ty Anh Kỳ còn là đối tác "thân quen" của nhiều gói thầu khác của sở, ban, ngành tỉnh Hòa Bình.
Điểm lại, từ năm 2016 đến nay, Công ty Anh Kỳ đã tham gia 11 gói thầu và trúng thầu 10 gói, trong đó trượt thầu 0 gói và 1 gói thầu đang chờ kết quả. Tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, Công ty Anh Kỳ đã trúng 3 gói thầu lớn với giá trị hơn 36 tỷ đồng trong khoảng 1 năm trở lại.
Lần gần đây nhất, hồi đầu tháng 9/2020, liên danh Công ty Anh Kỳ và Công ty Cổ phần thương mại thiết bị kỹ thuật công nghệ cao là đơn vị trúng thầu của gói thầu thi công xây lắp và cung cấp, lắp đặt thiết bị công trình cải tạo Thư viện tỉnh cũ thành Bảo tàng tỉnh tại tỉnh Hòa Bình. Giá gói thầu và giá gói thầu cùng là 12,8 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 4/2020, Công ty Anh Kỳ trúng gói thầu Thi công xây lắp và thiết bị công trình Cải tạo, sửa chữa Cung văn hóa tỉnh Hòa Bình. Gói thầu có giá hơn 13 tỷ đồng, giá trúng thầu thấp hơn 3 triệu đồng.
Hồi tháng 7/2019, công ty này cũng nằm trong liên doanh trúng thầu gói thi công, xây lắp Nhà lớp học Trường mầm non xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình với giá trị hơn 7 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty Anh Kỳ còn tham gia gói thầu mua sắm xe mô tô trang bị cho lực lượng công an xã tỉnh Hòa Bình năm 2020. Gói thầu do Công an tỉnh Hòa Bình mở thầu, có giá trị gần 2,8 tỷ đồng nhưng hiện chưa có kết quả.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình, bà Bùi Thị Niềm, kinh phí gần 11 tỷ đồng cho dự án lắp dựng khẩu hiệu gồm 11 từ tạo cảnh quan trang trí khu vực đồi Ông Tượng, nguyên nhân là do công trình có nhiều hạng mục và thi công trên địa hình hiểm trở.
Trong đó, công trình trang trí có tới 68 nội dung, hạng mục liên quan đến hệ thống cấp điện và chiếu sáng, chống sét,... Đồng thời vị trí thi công công trình là vách núi cao nên việc vận chuyển các vật liệu như cát, sỏi, đá dăm, sắt thép đều phải làm thủ công.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.