Chỉ được lấy hàng từ một nguồn, DN bán lẻ xăng dầu thành lập nhiều công ty để 'lách luật'
Kỳ Thư -
15/03/2023 12:50 (GMT+7)
(VNF) - Nói về thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ, TS Giang Chấn Tây cho biết có doanh nghiệp bán lẻ sở hữu 3 - 4 cửa hàng xăng dầu nhưng họ đã tách ra lập thành 3 - 4 doanh nghiệp riêng biệt để được lấy nhiều nguồn, mục đích là để đối phó với quy định chỉ cho nhập hàng từ 1 nguồn của Bộ Công Thương.
Theo quy định hiện hành, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy từ một nguồn. Lý giải cho quy định, Bộ Công Thương cho rằng điều này nhằm bảo đảm kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng, giá bán xăng dầu đến người tiêu dùng.
Doanh nghiệp phải “lách luật”
Trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, TS Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty Bội Ngọc, cho biết thương nhân phân phối lấy hàng ở 3 nơi nhưng khi mua hàng về lại đổ chung một bể để dự trữ bán ra mà không phân theo hệ thống bồn bể của từng công ty đầu mối. Do đó, hàng hóa luôn bị trộn lẫn nhau, dẫn đến cửa hàng bán lẻ của họ xăng dầu cũng bị trộn lẫn nhau ở 3 nơi để bán.
"Các doanh nghiệp đặt câu hỏi: Vậy thì lý do gì cùng là cửa hàng bán lẻ như nhau mà cửa hàng của doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy một nơi mà không cho lấy ở 3 nơi?", ông Tây nói.
Theo ông Tây, hệ lụy của việc không cho doanh nghiệp bán lẻ lấy nhiều nguồn là doanh nghiệp thành lập ra quá nhiều doanh nghiệp nhỏ của gia đình mình.
“Có doanh nghiệp có tới 3 - 4 cửa hàng xăng dầu trước đây, giờ đã tách ra lập thành 2 hoặc 3, thậm chí là 4 doanh nghiệp riêng biệt để được lấy nhiều nguồn nhằm đối phó với quy định của Bộ Công Thương, mặc dù trên thực tế cũng chỉ là 1 người sở hữu tất cả các doanh nghiệp đó”, ông Tây nói.
Ông Giang Chấn Tây cho rằng điều này đã làm tăng số lượng doanh nghiệp nhưng không tăng về chất lượng và làm phức tạp thêm cho việc quản lý của chủ doanh nghiệp khi phải tách ra hạch toán sổ sách tài chính kế toán, vay trả, xử lý công nợ… của từng doanh nghiệp riêng biệt theo quy định. Ngoài ra, một người chủ phải chia ra cho vợ, con, thậm chí là cháu hay người làm công, đứng tên hộ cho chủ doanh nghiệp, để được lấy nhiều nguồn.
“Ngay cả bản thân tôi cũng tách doanh nghiệp ra cho vợ đứng tên để được lấy nhiều nguồn”, ông Tây nêu.
Tuy nhiên, theo ông Tây, để đảm bảo quản lý chi tiêu, quản lý tài khoản và cân đối toàn bộ nguồn tiền có được thì người chủ doanh nghiệp phải quản lý cả 3 - 4 con dấu cùng lúc để lệnh chi xuất điều phối nguồn tiền của tất cả các doanh nghiệp mà mình đang quản lý.
“Đây là việc làm phức tạp và không hề dễ chịu, không hề thuận tiện trong quản lý mà chủ doanh nghiệp xăng dầu hiện tại đang phải gánh chịu để đối phó với quy định. Việc chi trả nhầm doanh nghiệp mà ngân hàng phải chuyển trả điều chỉnh cho đúng là chuyện thường xuyên xảy ra với doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu”, ông Tây chia sẻ.
Quản lý nhà nước sẽ phức tạp hơn
Ông Giang Chấn Tây cũng cho rằng tình trạng nêu trên sẽ khiến quản lý nhà nước trở nên phức tạp hơn khi phải quản lý quá nhiều doanh nghiệp, nhất là quản lý thuế, nhận báo cáo cùng lúc quá nhiều doanh nghiệp thay vì đúng nghĩa thực chất chỉ 1 doanh nghiệp.
“Thậm chí còn phức tạp hơn về quản lý hóa đơn của cơ quan thuế khi rất nhiều trường hợp gửi từ 1 máy tính, 1 email nhưng nhiều báo cáo cùng lúc, quản lý về điều kiện kinh doanh cũng từ đó mà phải gánh thêm việc… nhưng thu ngân sách thì không tăng thêm”, ông Tây nói và cho đây là hệ luỵ tồi tệ nhất mà ông từng chứng kiến trong suốt quá trình làm việc tại cơ quan nhà nước cũng như quá trình giảng dạy và vận hành hoạt động tại doanh nghiệp.
“Chính vì hệ lụy đó mà ngày hôm nay tôi đang nhận đơn thư có những bao thư có đến 3 - 4 doanh nghiệp gửi đơn cùng lúc trong cùng phong bì, nhưng thực chất tôi khẳng định đó chỉ có 1 chủ doanh nghiệp đúng nghĩa. Nếu cho doanh nghiệp được lấy nhiều nguồn thì tôi tin rằng sẽ có một cuộc sáp nhập hàng loạt doanh nghiệp với nhau để chủ doanh nghiệp dễ quản lý. Đó là điều chắc chắn”, ông Tây chia sẻ.
Ông Tây đề xuất Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nên lập ra tổ đánh giá chuyên đề về tác động tiêu cực của Nghị định 95 do Bộ Công Thương soạn thảo để đánh giá lại tác động tiêu cực đến quá trình hoạt động của doanh nghiệp, từ đó rút kinh nghiệm cho việc ban hành nghị định quản lý xăng dầu sắp tới.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone