Dùng tiền túi để bù lỗ, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề xuất hoàn trả chi phí kinh doanh định mức

Kỳ Thư - 14/03/2023 17:13 (GMT+7)

(VNF) - Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết vừa gửi đơn kiến nghị lên lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề nghị được hoàn trả phần lợi nhuận và chi phí kinh doanh định mức cho doanh nghiệp. “Doanh nghiệp đầu mối chia lợi nhuận cho doanh nghiệp bán lẻ theo dạng ban phát”, một vị đại diện doanh nghiệp nói.

VNF
Dùng tiền túi để bù lỗ, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề xuất hoàn trả chi phí kinh doanh định mức

Theo các doanh nghiệp, chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là khoản chi phí tổng hợp tối đa chỉ có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định tại điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.

Theo đó, các khoản chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là chi phí lưu thông xăng dầu trong nước gồm: Chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế đã bao gồm chi phí dành cho thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ, tổng đại lý, đại lý xăng dầu để tính giá cơ sở theo mức tối đa.

Trong giá cơ sở từ khi ban hành Thông tư 104 đều có liệt kê tính gồm: Chi phí kinh doanh định mức là 1.050 đồng/lít và lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít. Trong phần chi phí trên, quy định đã nêu rõ là cả khâu bán buôn và khâu bán lẻ.

Về vấn đề này, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty Bội Ngọc (Trà Vinh), cho biết Thông tư 104 không ghi rõ tỷ lệ phân chia ở khâu bán buôn là bao nhiêu và khâu bán lẻ là bao nhiêu, nên doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng kẽ hở này một cách triệt để hưởng gần như hầu hết phần chi phí này.

“Họ phân chia cho doanh nghiệp bán lẻ theo dạng ban phát. Đó là nguyên nhân dẫn đến hơn một năm qua, doanh nghiệp bán lẻ phải dùng tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh”, ông Tây nói.

Theo ông Tây, các doanh nghiệp bán lẻ nghĩ rằng sự việc này sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng không ngờ nó diễn ra hơn một năm qua, đã làm cho các doanh nghiệp lỗ lã nặng nề, bị kiệt quệ về tài chính. Theo đó, có người phải bán cả ruộng vườn, đất đai, thậm chí cầm cố tài sản để bù lỗ nhằm phục vụ bình ổn thị trường theo mệnh lệnh hành chính của cơ quan chức năng, dù lỗ vẫn phải bán. Đây là hình thức cưỡng bức doanh nghiệp bán lẻ.

“Điều quan trọng cần xem xét là doanh nghiệp bán lẻ thực tế không nằm trong chuỗi cửa hàng trực thuộc của doanh nghiệp đầu mối. Doanh nghiệp bán lẻ đã phải bỏ tiền của mình để mua hàng của đối tác là doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu để kinh doanh độc lập, hạch toán độc lập, thực hiện các nghĩa vụ về ngân sách nhà nước độc lập nhưng không được hưởng đầy đủ phần lợi ích về chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận phải được hưởng”, ông Tây nêu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng cho biết phải mua hàng của doanh nghiệp đầu mối theo dạng mua đứt bán đoạn và có nhiều tháng thù lao bằng 0 đồng, thậm chí âm, nên về bản chất đây không phải là hoạt động đại lý. Như vậy, doanh nghiệp bán lẻ phải được chia phần chi phí định mức và lợi nhuận định mức theo quy định.

“Căn cứ vào Thông tư 104 nêu trên thì 2 khoản này đều có nêu rõ là có cả chi phí bán buôn thuộc về sở hữu của doanh nghiệp đầu mối và chi phí bán lẻ thuộc về sở hữu của doanh nghiệp bán lẻ, nhưng thời gian qua doanh nghiệp đầu mối đã định đoạt hầu hết phần này”, các doanh nghiệp nêu.

Theo đó, các doanh nghiệp đề nghị liên bộ Tài chính -  Công Thương thành lập hội đồng để phân chia lại giá trị của 1.350 đồng/lít chi phí định mức và lợi nhuận định mức này, từ đó làm cơ sở cho việc phân chia chi phí cơ bản này trong nghị định mới và làm cơ sở quay ngược lại truy thu phần đáng ra của doanh nghiệp bán lẻ.

Ví dụ, sau khi thẩm định, phân định lại mức nhận được của doanh nghiệp bán lẻ là 900 đồng/lít mà mới nhận được có 100 đồng/lít thì đề nghị hội đồng yêu cầu doanh nghiệp đầu mối hoàn trả lại cho doanh nghiệp bán lẻ thêm 800 đồng/lít nữa; đồng thời thống kê tổng số lượng hàng hóa bán ra để tính ra tổng mức mà doanh nghiệp đầu mối phải chi trả bổ sung cho doanh nghiệp bán lẻ kể từ ngày 1/11/2021 khi Nghị định 95 ban hành cho đến nay.

Cùng chuyên mục
Tin khác