Chi mạnh tay cho chiến sự, kinh tế Nga lộ dấu hiệu ‘hụt hơi’
(VNF) - Nền kinh tế quá nóng của Nga do Điện Kremlin chi tiêu quá nhiều cho chiến sự tại Ukraine có thể sắp hạ nhiệt mạnh trong bối cảnh các ngành quan trọng vốn thúc đẩy tăng trưởng đang ngày càng bị hạn chế.
Nguồn lao động thực tế tại Nga đã cạn kiệt trong bối cảnh quân đội và doanh nghiệp cạnh tranh khốc liệt để tuyển dụng nhân sự, điều này cũng có khả năng hạn chế sự mở rộng hơn nữa của các ngành công nghiệp liên quan đến quốc phòng.
Các ngành xây dựng và ngân hàng không còn được bảo vệ khỏi tác động của lãi suất rất cao nữa khi hầu hết các chương trình thế chấp được nhà nước trợ cấp đã bị chấm dứt vào tháng trước.
Trong khi tổng sản phẩm quốc nội được dự kiến sẽ tăng hơn 4% hằng năm trong quý II, nhều nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng của Nga có khả năng sẽ chậm lại còn một nửa mức đó trong phần còn lại của năm. Cục Thống kê Liên bang Nga sẽ công bố số liệu sơ bộ về GDP quý 2 vào cuối ngày 9/8 (theo giờ địa phương).
Chính phủ Nga đã tăng chi tiêu mạnh mẽ sau khi đưa quân tới Ukraine vào tháng 2/2022, đổ tiền vào các ngành công nghiệp quân sự và quốc phòng và hành động để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước trước tác động của các lệnh trừng phạt do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt.
Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, bà Elvira Nabiullina, điều đó khiến nền kinh tế tăng trưởng ở mức chưa từng thấy kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhằm ứng phó với sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu trong nước.
“Nguồn lao động và năng lực sản xuất gần như đã cạn kiệt”, bà Nabiullina cho biết thêm.
Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 200 điểm cơ bản lên 18%, mức cao nhất kể từ những tuần đầu của chiến sự, để ứng phó với rủi ro đình lạm khi giá cả tiếp tục tăng nhanh.
Tỷ lệ thất nghiệp, một dấu hiệu quan trọng của tình trạng quá nóng, đã giảm xuống mức thấp kỷ lục tại Nga là 2,4% và thấp hơn bất kỳ quốc gia nào trong Nhóm 7 nước công nghiệp tiên tiến (G7).
Theo Cục Thống kê Liên bang, các doanh nghiệp hiện đang thiếu hơn 2 triệu lao động. Ngân hàng Nga đã phải bỏ đội xe bọc thép vận chuyển tiền mặt của riêng mình vì rất nhiều nhân viên đã chuyển sang làm việc tại các nhà máy quốc phòng, trang tin tức RBC đưa tin ngày 8/8.
Những yêu cầu từ quân đội về việc tuyển thêm tân binh tham gia chiến sự tiếp tục làm tăng thêm áp lực về lao động, đặc biệt là khi các quan chức chính phủ đang tăng mạnh tiền thưởng tuyển dụng cho những người tình nguyện mới để bổ sung vào quân đội.
Theo Bộ Kinh tế Nga, hoạt động kinh tế trong tháng 6 có dấu hiệu hạ nhiệt ở hầu hết các lĩnh vực, trong đó tăng trưởng xây dựng ở mức thấp nhất trong cùng kỳ kể từ năm 2020.
Sự mở rộng trong sản xuất chỉ bằng một nửa mức trong tháng 6 so với tháng 5. Dữ liệu của Bộ Kinh tế cho thấy thương mại bán buôn bao gồm doanh số bán năng lượng đã chậm lại, tăng trưởng dưới 2% so với mức hai chữ số trong những tháng trước.
Ngành công nghiệp quân sự đang phát triển mạnh mẽ của Nga dường như đang chạm đến ngưỡng tăng trưởng từ mọi phía do sự cạnh tranh khốc liệt về lao động, giới hạn sử dụng thiết bị và khả năng tiếp cận ngày càng hạn chế đối với các linh kiện nhập khẩu.
Các ngành công nghiệp "dân sự" khó có thể ở vị thế tốt để trở thành động lực thay thế cho tăng trưởng khi ngày càng nhiều người tiêu dùng phải đối mặt với thực tế là phải vay với lãi suất 20% trở lên.
Bà Tatiana Orlova, chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics, dự đoán tăng trưởng của Nga sẽ chậm lại vào nửa cuối năm nay sau khi thắt chặt tiền tệ và kết thúc chương trình trợ cấp thế chấp phổ biến, có khả năng ảnh hưởng đến ngành xây dựng.
Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Nga, đầu tư vốn vào Nga vẫn ở mức cao, có khả năng thử thách ranh giới tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Các lệnh trừng phạt đã thúc đẩy đầu tư vào sản xuất trong nước các bộ phận, thiết bị, đồ điện tử và linh kiện máy bay để đáp ứng nhu cầu, ông Ildar Mukhamediyev, giám đốc nền tảng mua sắm địa phương TenderPro LLC cho biết.
Cũng theo ông Ildar, các công ty tại Nga không giảm hoạt động đầu tư. Ông trích dẫn một cuộc khảo sát của công ty ông cho thấy số lượng các dự án vốn được khởi công trong bảy tháng đầu năm đã tăng 70% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo bà Orlova tại Oxford Economics, đầu tư vốn chỉ là một phần của câu chuyện tăng trưởng dài hạn. Những hạn chế về lao động và công nghệ có thể khó giải quyết hơn khi cuộc chiến của Nga kéo dài sang năm thứ ba.
Bà cho biết: “Tiềm năng tăng trưởng của Nga bị cản trở bởi một số vấn đề như tốc độ tăng trưởng dân số thấp, chi phí lao động trên một đơn vị cao và môi trường đầu tư rất kém”.
Không được bay qua Nga, loạt hãng hàng không hủy các chuyến bay đến Trung Quốc
- Kinh tế Nga đối mặt thảm hoạ nhân khẩu học 09/08/2024 12:15
- Sau phiên ‘đỏ lửa’, chứng khoán Nhật Bản tăng điểm kỷ lục 06/08/2024 04:15
- Chứng khoán toàn cầu bị ‘đánh thức’ khỏi giấc mơ Mỹ hạ cánh mềm 06/08/2024 11:28
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.