Phương thức ăn chia trong đại án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam
(VNF) - Ngày 18/7, Tòa án Nhân dân TP. HCM mở phiên tòa xét xử đối với 254 bị cáo trong vụ án tiêu cực tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm tại TP. HCM và các địa phương khác.
- Xét xử đại án Đăng kiểm, hai cựu Cục trưởng và hơn 250 bị cáo ra tòa 18/06/2024 02:30
Theo cáo trạng, thời gian làm Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam từ tháng 1/2014 đến tháng 7/2021, bị cáo Trần Kỳ Hình nhận tiền hối lộ của doanh nghiệp, các đơn vị đăng kiểm sau đó bỏ qua các sai phạm trong việc cấp phép đủ điều kiện hoạt động trung tâm đăng kiểm, kiểm định phương tiện, thẩm định hồ sơ thiết kế... Cáo trạng xác định, Trần Kỳ Hình đã nhận hối lộ hơn 7,1 tỷ đồng.
Bị cáo Đặng Việt Hà, cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong thời gian lên làm Cục trưởng thay ông Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà đã để xảy ra tiêu cực có hệ thống trên địa bàn cả nước trong thời gian dài. Bị cáo Đặng Việt Hà nhận hối lộ 8,5 tỷ đồng.
Kết quả điều tra thể hiện các bị cáo đã nhận hối lộ từ các công ty thiết kế từ 2 - 3 triệu đồng/hồ sơ để bỏ qua lỗi trên hồ sơ thiết kế, từ đó cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới trái quy định. Kết quả điều tra xác định từ ngày 1/3/2019 đến 30/9/2022, các bị cáo đã nhận tiền hối lộ của 16 công ty, bỏ qua các lỗi, sai sót trên hồ sơ thiết kế, vẫn xác nhận thẩm định và cấp 29.676 giấy chứng nhận thẩm định thiết kế. Qua đó, nhận hối lộ tổng số tiền hơn 60 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền nhận được đã chia nhau hưởng lợi.
Thời kỳ Trần Kỳ Hình làm cục trưởng (tháng 3/2019 đến tháng 8/2021), ông này không quy định cụ thể số tiền hối lộ sẽ nhận. Tuy nhiên, mỗi tháng Trần Anh Quân (quyền trưởng Phòng VAR) nộp cho Hình 60 triệu đồng, cho Đặng Việt Hà (lúc này là phó cục trưởng phụ trách Phòng VAR) 20 triệu đồng.
Đến khi Hà làm cục trưởng (tháng 9/2021), Hà yêu cầu quyền lợi của mình phải là cao nhất. Hà chỉ đạo cấp dưới buộc cán bộ Phòng VAR và các trung tâm đăng kiểm phải báo cáo chính xác số liệu hồ sơ thẩm định thiết kế với mục đích bảo đảm lợi ích của Hà là cao nhất.
Đặc biệt, từ khoảng tháng 4/2022, giám đốc các trung tâm khối V (thuộc Cục Đăng kiểm) thông tin về chủ trương của Đặng Việt Hà yêu cầu các trung tâm khối V phải nộp tiền hối lộ hằng tháng cho Hà với mức 8.000 đồng đến 15.000 đồng/phương tiện (tùy từng loại xe) đến các trung tâm để kiểm định. Để thực hiện việc nộp tiền cho Hà hằng tháng thuận lợi, Hà đưa ra quy định các giám đốc trung tâm này phải ra cục họp giao ban hằng tháng.
Viện Kiểm sát Nhân dân TP. HCM nhận định Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự chung về số tiền nhận hối lộ của VAR giai đoạn từ ngày 1/8/2021 đến 30/9/2022 là hơn 31 tỷ đồng.
Trong đó, Hà được chia 700.000 đồng/hồ sơ thẩm định thiết kế đạt, là mức cao nhất theo yêu cầu của Hà đối với số tiền nhận hối lộ của mỗi hồ sơ, số còn lại mới được chia cho lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên văn phòng và quỹ phòng. Bị cáo này cũng bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm hình sự về số tiền nhận hối lộ của 4 trung tâm đăng kiểm khối V tại TP. HCM từ ngày 1/4/2022 đến tháng 11/2022 là hơn 7,6 tỷ đồng; số tiền nhận hối lộ của 5 trung tâm đăng kiểm khối V tại TP. Hà Nội 780 triệu đồng và số tiền hối lộ của các giám đốc trung tâm đăng kiểm khối D (tư nhân) là hơn 680 triệu đồng...
Xét xử đại án Đăng kiểm, hai cựu Cục trưởng và hơn 250 bị cáo ra tòa
Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình
(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.