Tài chính

'Chia tay' AVG, tiền gửi ngân hàng của Mobifone tăng vọt lên gần 15.000 tỷ đồng

(VNF) - Kết thúc năm 2018, tổng tiền gửi ngân hàng của Mobifone lên đến 14.685 tỷ đồng, chiếm gần nửa tổng tài sản, nhờ nhận được khoản tiền khổng lồ sau khi "chia tay" AVG. Đây cũng là nguyên nhân khiến doanh thu tài chính của Mobifone tăng rất mạnh trong năm qua, bù đắp đáng kể sự sụt giảm về lợi nhuận kinh doanh.

'Chia tay' AVG, tiền gửi ngân hàng của Mobifone tăng vọt lên gần 15.000 tỷ đồng

'Chia tay' AVG, tiền gửi ngân hàng của Mobifone tăng vọt lên gần 15.000 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính năm 2018 vừa được Tổng công ty Viễn thông Mobifone công bố, năm qua, Mobifone đạt doanh thu thuần 36.056 tỷ đồng, giảm 9,8% so với năm 2017. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của Mobifone đạt 11.347 tỷ đồng, giảm 7,5%.

Tuy nhiên, kết thúc năm 2018, Mobifone vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế nhỉnh hơn năm 2017, 5.876 tỷ đồng so với 5.831 tỷ đồng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả này. Thứ nhất, trong năm, Mobifone đã ghi nhận tới 858 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, gấp 7 lần năm trước đó. Hai cấu phần khiến doanh thu này tăng mạnh là việc lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng gấp gần 5 lần lên 484 tỷ đồng, nhờ tiền gửi ngân hàng tăng đột biến sau khi thu hồi lại tiền đã đầu tư vào Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG); cùng với đó là doanh thu đột biến 344 tỷ đồng nhờ nhận được tiền chênh lệch từ AVG.

Cụ thể, trong năm 2018, thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, Mobifone đã thu hồi toàn bộ số tiền đã đầu tư để mua 95% cổ phần của AVG là 8.445 tỷ đồng và ghi nhận khoản tiền chênh lệch nhận được so với tiền gốc đầu tư ban đầu là 329 tỷ đồng vào doanh thu hoạt động tài chính khác.

Phần chênh lệch này được xác định dựa trên thỏa thuận giữa Mobifone và nhóm cổ đông chuyển nhượng cổ phần của AVG và chưa có kết luận của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Trở lại với kết quả kinh doanh của Mobifone. Nguyên nhân quan trọng thứ hai giúp lợi nhuận trước thuế của Mobifone tăng dù doanh thu cũng như lợi nhuận gộp giảm đáng kể, đến từ việc chi phí bán hàng giảm 471 tỷ đồng (xuống 4.833 tỷ đồng) trong năm qua, tương đương giảm 8,9% so với năm 2017.

Tính đến hết ngày 31/12/2018, tổng tài sản của Mobifone đạt 30.458 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,9% sau một năm. Trong đó, tổng tiền gửi ngân hàng lên đến 14.685 tỷ đồng, chiếm gần nửa tổng tài sản, gồm: 416 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, 2.740 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn không quá 3 tháng và 11.529 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn từ trên 3 tháng đến không quá 1 năm.

Được biết, hồi đầu năm, tổng tiền gửi ngân hàng của Mobifone chỉ khoảng 3.400 tỷ đồng. Sự gia tăng đột biến này chủ yếu đến từ việc nhận lại tiền đầu tư mua 95% cổ phần của AVG và tiền chênh lệch liên quan.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của Mobifone đến hết ngày 31/12/2018 ở mức 19.446 tỷ đồng, tăng 7,8% sau một năm. Nợ phải trả ở mức 11.011 tỷ đồng, giảm 9,3%.

Tin mới lên