Với phương châm 12 chữ “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Bứt phá và Hiệu quả”, năm 2019, Chính phủ đã nhấn mạnh yếu tố “bứt phá”.
Điều này không chỉ có ý nghĩa trong giai đoạn nước rút của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 mà còn củng cố nền tảng để nền kinh tế Việt Nam đi nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn tới.
Những ý kiến dưới đây của các Tư lệnh ngành về chiến lược của các ngành đang củng cố niềm tin về tầm cao mới cho Việt Nam trong năm 2019 và các năm tới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: CHUẨN BỊ TỐT CHO HỘI NHẬP SÂU RỘNG
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Tôi cho rằng các giải pháp điều hành nền kinh tế đã có trong Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 với một số nhiệm vụ trọng tâm.
Đó là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất, hiệu quả hơn nữa để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, giảm chi phí nhằm thúc đẩy phát triển.
Tiếp đến là tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh, trở thành động lực phát triển giai đoạn tới; đặc biệt cần có những chính sách để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, rào cản, tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn lực để có cuộc chơi minh bạch, công bằng.
Cùng đó, có chính sách hiệu quả để thúc đẩy đổi mới khoa học công nghệ. Đây là nhu cầu bức thiết của nền kinh tế, Chính phủ đã sớm xác định vấn đề này và bây giờ có hành động, quyết sách mạnh mẽ nhanh chóng, cụ thể, hiệu quả hơn để giúp doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, phát triển lớn mạnh hơn.
Ngoài ra, phải chuẩn bị tốt cho hội nhập sâu rộng vì thương mại và đầu tư là hai lĩnh vực có nhiều dư địa, triển vọng để tận dụng các cơ hội mang lại.
Cụ thể, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một yếu tố cần tận dụng ngay từ năm 2019 để mở rộng và phát triển thị trường.
Tôi cũng nhấn mạnh dòng vốn đầu tư toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục có nhiều thay đổi trong năm 2019; trong đó khu vực ASEAN và Việt Nam vẫn là những điểm đến hấp dẫn. Việt Nam cần chuẩn bị tốt các điều kiện để tận dụng cơ hội, đón nhận gắn liền với định hướng lựa chọn dự án có công nghệ cập nhật, dự án thân thiện môi trường, liên kết tốt với doanh nghiệp trong nước...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA HIỆU QUẢ
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng
Để góp phần hoàn thành mục tiêu năm 2019, định hướng chính sách tài chính – ngân sách Nhà nước (NSNN) của Việt Nam trong năm 2019 là tiếp tục thực hiện chính sách tài kháa chặt chẽ, hiệu quả.
Theo đó, trong năm 2019 ngành tài chính tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thu NSNN, tăng cường quản lý, chống thất thu, đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, xử lý nợ đọng, gian lận thuế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế.
Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, thanh tra để nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN cũng như các nguồn tài chính công khác. Phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để giảm bội chi ngân sách.
Duy trì các chỉ số nợ ở mức an toàn, bảo đảm sử dụng vốn vay có hiệu quả, giữ uy tín trong các cam kết quốc tế.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện nhất quán việc quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ về tổ chức, biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng: TẬP TRUNG TÍN DỤNG CHO CÁC LĨNH VỰC SẢN XUẤT, ƯU TIÊN
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng
Ngân hàng Nhà nước xác định định hướng điều hành chung năm 2019 là điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng.
Theo đó, sẽ phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh và tăng trưởng.
Ngoài ra, điều hành tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, ưu tiên. Bên cạnh đó, tập trung ổn định thị trường ngoại tệ; kiểm soát việc cho vay bằng ngoại tệ; tăng dự trữ ngoại hối nhà nước khi có điều kiện thuận lợi.
Trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện linh hoạt các giải pháp về lãi suất, kết hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác nhằm ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong điều hành tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường tài chính, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ khác để ổn định thị trường ngoại tệ.
Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng. Đồng thời, nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: GIẢM RỦI RO TỪ SỰ TẬP TRUNG VÀO CÁC ĐỐI TÁC LỚN
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh (ở giữa) tham dự buổi họp báo sau cuộc họp đầu tiên của Hội đồng CPTPP
Việc Hiệp định CPTPP được thực thi đầu năm 2019 và Hiệp định FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp Việt Nam có thêm năng lực sản xuất mới.
Tuy vậy, xuất khẩu năm 2019 tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng được dự báo không ở mức cao; chính sách kinh tế và thương mại của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU... có thể thay đổi nhanh và có tác động đa chiều.
Trước thực tế này, thời gian qua Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp căn cơ nhằm giảm rủi ro từ sự tập trung thương mại vào các đối tác lớn.
Đặc biệt, hết sức coi trọng phát triển thị trường xuất nhập khẩu. Ngoài Hoa Kỳ, Trung Quốc thì các thị trường EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN là những đối tác thương mại lớn và tăng trưởng nhanh.
Bên cạnh việc khai thác tốt thị trường trong nước và phát triển thị trường xuất khẩu, Bô Công Thương còn triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tạo đòn bẩy để gia tăng sản xuất, kích cầu tiêu dùng các sản phẩm của doanh nghiệp Việt.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường: KHOA HỌC CÔNG NGHỆ - GIẢI PHÉP THEN CHỐT
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường
Năm 2019, ngành Nông nghiệp tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; trong đó, ưu tiên cao nhất cho nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất các loại giống chất lượng cao, công nghệ chế biến, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Nông nghiệp công nghệ cao là một trong những giải pháp để thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp. Trong tái cơ cấu, phải đồng bộ các khâu, kể cả sản xuất, chế biến và thương mại, chứ không chỉ một lĩnh vực, ngành hàng.
Từ quy mô hộ cho đến cộng đồng là hợp tác xã, doanh nghiệp đều phải coi khoa học công nghệ là một giải pháp then chốt.
Để ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Triển khai các giải pháp để tận dụng tối đa cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học.
Xác định thị trường là mục tiêu, động lực để thúc đẩy sản xuất, từ đó ứng dụng công nghệ gì cho ngành hàng nào, ở đâu để đáp ứng tốt thị trường.
Thị trường trước hết là thị trường gần 100 triệu dân trong nước, rồi mới đến thị trường xuất khẩu. Đã đến lúc thị trường trong nước phải được hưởng những sản phẩm sạch với chất lượng tốt.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể: TẬP TRUNG 3 ƯU TIÊN
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể
Trước hết là đẩy nhanh tiến độ hai dự án trọng điểm Quốc gia mà Bộ Giao thông Vận tải phải đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Đó là dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông và Dự án sân bay quốc tế Long Thành.
Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các Ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với các địa phương làm tốt giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, tổ chức đấu thầu Quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án này.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng thúc đẩy quá trình chuẩn bị đầu tư cho Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Bộ Giao thông Vận tải xác định đây là dự án lâu dài mang tính đột phá của ngành giao thông.
Việc ưu tiên thứ 2 trong năm 2019 là phải tập trung vào mảng an toàn giao thông. Theo đó Bộ sẽ phải nỗ lực hơn nữa, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề xuất các giải pháp, các quy định nhằm tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân để xảy ra tai nạn giao thông.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng tập trung cho việc sửa chữa đường bộ, hệ thống đường sắt đảm bảo việc vận hành an toàn, góp phần giảm tai nạn giao thông.
Trong năm 2019, việc ưu tiên thứ 3 của Bộ Giao thông Vận tải là tập trung xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Chúng tôi xác định nếu việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý, điều hành.
Để đảm bảo việc xây dựng các văn bản pháp luật có chất lượng, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm chính về chất lượng các văn bản mà đơn vị quản lý. Đảm bảo các văn bản pháp luật khi đưa vào cuộc sống được thực thi có hiệu quả.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc: ĐẶT ĐÚNG TẦM QUAN TRỌNG CỦA KINH TẾ HỘ
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc
Trong nhiều Nghị quyết của Đảng, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng được nhắc tới vai trò, vị thế với đóng góp hơn 40% GDP cho nền kinh tế.
Để đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 như Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ đề ra về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, theo tôi cần định danh đúng khái niệm doanh nghiệp cho các hộ kinh doanh.
Với 5,2 triệu hộ kinh doanh đóng góp 32% GDP cho nền kinh tế như hiện nay và nếu chuyển thành doanh nghiệp, ngoài việc đạt mục tiêu như Nghị quyết 35 đề ra, nền kinh tế sẽ giải quyết hơn 10 triệu lao động có việc làm (ví như mỗi hộ kinh doanh chỉ có 2 lao động).
Cùng với đó, việc chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ giúp các hộ kinh doanh nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và hàng hóa của mình, từ đó cải thiện năng lực cạnh tranh và từng bước hội nhập quốc tế.
Để thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, cần đơn giản hóa các thủ tục về thuế, chính sách kế toán; cắt giảm tối đa các điều kiện kinh doanh và hạn chế tối thiểu việc kiểm tra, thanh tra...
Nếu thực hiện đồng bộ việc này sẽ thúc đẩy tiến trình chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.
Xem thêm: Ai sẽ là người tiên phong để Việt Nam viết nên câu chuyện thần kỳ?