Chiến lược 'siêu cường bán dẫn': Ấn Độ tham vọng hình thành trật tự thế giới mới

Mai Lý - 01/08/2023 05:56 (GMT+7)

(VNF) - Ấn Độ đang nỗ lực hết sức để có thể trở thành siêu cường về chất bán dẫn trên toàn cầu và ngày càng có nhiều yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa ủng hộ cho tham vọng này.

VNF

Tại sự kiện SemiconIndia diễn ra vào ngày 28/7 vừa qua, giám đốc điều hành của một số công ty bán dẫn hàng đầu tại Mỹ đã dành nhiều lời khen ngợi cho sự phát triển của lĩnh vực công nghệ tại Ấn Độ. Sự kiện này cũng có sự tham gia của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Ông Ajit Manocha, Giám đốc Hiệp hội Quốc tế về Thiết bị và vật liệu Bán dẫn (SEMI), cho biết: “Lần đầu tiên trong lịch sử, các yếu tố từ địa chính trị, chính sách nội địa đến năng lực của các công ty tư nhân đều đang đi theo hướng có lợi cho Ấn Độ, thúc đẩy quốc gia này tham gia sâu rộng vào lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn. 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại SemiconIndia

Có vẻ như tham vọng trở thành siêu cường sản xuất chất bán dẫn của Ấn Độ đang nhận được nhiều sự ủng hộ từ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Chiến lược chất bán dẫn của Ấn Độ

Chiến lược chất bán dẫn của Ấn Độ bao gồm 2 phần chính, thu hút các công ty nước ngoài hoạt động, đầu tư vào Ấn Độ và hình thành liên minh với các “ông lớn” trong lĩnh vực chất bán dẫn, cụ thể là Mỹ.

Trong thời gian qua, New Delhi đã thông qua nhiều chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực chất bán dẫn. Vào tháng 12/2021, chính phủ Ấn Độ đã bật đèn xanh cho kế hoạch khuyến khích trị giá gần 10 tỷ USD để thu hút các nhà sản xuất màn hình và bán dẫn.

Vài tháng trước, Thủ tướng Modi cũng đã đến thăm Mỹ và khẳng định Ấn Độ sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ ở nhiều lĩnh vực, trong đó có chất bán dẫn. Các chính sách của Ấn Độ bước đầu đang giúp thu hút nhiều công ty nước ngoài.

Tại SemiconIndia, nhiều công ty sản xuất chip của Mỹ đã bật mí về những khoản đầu tư vào Ấn Độ. AMD, nhà sản xuất linh kiện bán dẫn tích hợp đa quốc gia có trụ sở tại California, cho biết họ đang có kế hoạch đầu tư khoảng 400 triệu USD vào Ấn Độ trong 5 năm tới. Trong đó, AMD sẽ xây dựng trung tâm thiết kế lớn nhất của mình tại Bangalore.

Nhiều công ty nước ngoài đang để mắt đến Ấn Độ trong lĩnh vực chất bán dẫn.

Ông Mark Papermaster, CTO của AMD, cho biết: “Thị trường Ấn Độ sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy công nghệ máy học (machine learning), AI cũng như phần cứng và phầm mềm”.

Vào tháng trước, Micron Technology, nhà sản xuất bộ nhớ máy tính và lưu trữ dữ liệu máy tính của Mỹ, cũng đã công bố kế hoạch thành lập cơ sở thử nghiệm và lắp ráp chất bán dẫn tại bang Gujarat, Ấn Độ với tổng đầu tư lên tới 825 triệu USD.

Ông Sanjay Mehrotra, Giám đốc điều hành của Micron, cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng khoản đầu tư này sẽ là chất xúc tác cho các khoản đầu tư khác trong lĩnh vực chất bán dẫn tại Ấn Độ. Đồng thời, nó sẽ góp phần làm tăng cường năng lực sản xuất bản địa, khuyến khích đổi mới và hỗ trợ tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương”.

Một nhà đầu tư đáng chú ý khác là Foxconn – nhà sản xuất điện tử đa quốc gia của Đài Loan cũng đang tính toán đầu tư vào Ấn Độ sau khi rút khỏi liên doanh trị giá 19,5 tỷ USD với tập đoàn Vedanta của Ấn Độ. Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, chủ tịch của Foxconn tiết lộ tập đoàn này đang tìm cách đầu tư 2 tỷ USD vào Ấn Độ trong 5 năm tới.

Lợi thế của Ấn Độ

Không phải cho đến bây giờ Ấn Độ mới bắt đầu chú trọng đến ngành công nghiệp sản xuất chip trong nước. Vào năm 2007, Ấn Độ từng là quốc gia đi đầu trong việc xây dựng nhà máy sản xuất chip Intel trị giá hàng tỷ USD. Thế nhưng kế hoạch này đã thất bại sau khi chính phủ chần chừ trong việc đưa ra các chính sách đầu tư vào lĩnh vực chất bán dẫn.

Sáng kiến “Made in India” được khởi xướng vào năm 2014.

Tuy nhiên, dưới thời của Thủ tướng Modi, sự thuận lợi trong kinh doanh đang dần được cải thiện đáng kể. “Dù thành tích đạt được chưa thực sự ấn tượng nhưng chính phủ Ấn Độ đang đi đúng hướng với các chính sách tạo động lực và thu hút các công ty bán dẫn hàng đầu thế giới”, ông Neil Shah, đối tác cấp cao tại Công ty tư vấn công nghệ Counterpoint Research nhận định.

Vào năm 2014, chính phủ Ấn Độ khởi xướng sáng kiến “Made in India” được chính phủ Ấn Độ với mục đích thúc đẩy sản xuất tại Ấn Độ và đưa quốc gia này trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu. Sáng kiến này bao gồm chương trình “Khuyến khích Liên kết sản xuất PLI” dành cho lĩnh vực điện tử, cung cấp gói ưu đãi trị giá 1,7 tỷ USD cho các công ty thành lập cơ sở sản xuất chất bán dẫn tại Ấn Độ.

Ngoài ra, chính phủ Ấn Độ còn giới thiệu các chương trình hỗ trợ khác như Khuyến khích liên kết thiết kế (DLI), Chips to Startup (C2S), Khuyến khích linh kiện điện tử và chất bán dẫn (SPECS) để hỗ trợ cho sự phát triển của lĩnh vực này.

Không chỉ vậy, chính phủ Ấn Độ còn chú trọng đầu tư vào con người. Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã có những bước tiến đáng kể trong ngành công nghiệp chất bán dẫn và trở thành một trong những quốc gia có đội ngũ kỹ sư có thay nghề cao.

Trung tâm đào tạo của Lam Research Corporation tại Ấn Độ.

Các kỹ sư Ấn Độ chiếm khoảng 20% lực lượng lao động trong lĩnh vực thiết kế chất bán dẫn trên thế giới. Họ đóng vai trò quan trọng trong các giai đoạn khác nhau của quy trình tạo ra chất bán dẫn, từ thông số kỹ thuật, kiến trúc đến triển khai vật lý, hỗ trợ sản xuất và đánh giá chất lượng.

Để đảm bảo lực lượng lao động lành nghề cho tương lai, chính phủ Ấn Độ cũng đã đưa ra các chương trình phát triển và nuôi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Nhiều công ty hàng đầu trong lĩnh vực này cũng cam kết đào tạo và phát triển các tài năng tương lai trong ngành công nghiệp bán dẫn tại Ấn Độ.

Đơn cử như Lam Research Corporation, công ty có trụ sở tại California gần đây đã công bố chương trình đào tạo 60.000 kỹ sư Ấn Độ về công nghệ nano trong vòng 10 năm, góp phần hỗ trợ các mục tiêu của Ấn Độ trong giáo dục và phát triển lực lượng lao động của ngành công nghiệp chất bán dẫn.

Ấn Độ còn được hưởng lợi từ chiến dịch "Trung Quốc +1".

Bên cạnh những yếu tố “nội tại”, con đường trở thành siêu cường bán dẫn của Ấn Độ cũng đang được hưởng lợi từ nhiều yếu tố khách quan bên ngoài. Cùng với Việt Nam và Singapore, Ấn Độ đang là ứng cử viên nặng ký cho các nhà đầu tư muốn tránh xa sự bất ổn tại thị trường Trung Quốc và Đài Loan. Làn sóng “Trung Quốc +1” đang khiến nhiều “ông lớn” tìm đến thị trường Ấn Độ như một miền đất hứa giúp đảm bảo cho chuỗi cung ứng sản xuất, trong đó có cả các nhà sản xuất chất bán dẫn.

Tuy nhiên, hành trình trở thành siêu cường bán dẫn tiếp theo của Ấn Độ không phải là không có thách thức. Việc định giá đất đai, mạng lưới điện thiếu ổn định và mức lương của người lao động tương đối cao của Ấn Độ là những yếu tố làm nhiều nhà đầu tư “chùn bước” khi chọn quốc gia này là đối tác thương mại. Chưa kể, nhiều quốc gia khác cũng đang chạy đua đầu tư vào các cơ sở đúc chip tiên tiến nhất với các gói ưu đãi hấp dẫn khiến “Ấn Độ có thể sẽ phải bỏ bớt tham vọng”.

Bất chấp những khó khăn trước mắt, Bộ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin của New Delhi Rajeev Chandrasekhar vẫn lạc quan rằng “một trật tự mới trong thế giới chất bán dẫn đang được hình thành”, trong đó Ấn Độ sẽ là người chơi không thể thiếu trong cuộc đua này.

Theo CNBC, Invest India, Tech Monitor
Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Người dân đổ xô mua vàng bất chấp giá cao và ‘vấn nạn’ gia tăng ở Trung Quốc

Người dân đổ xô mua vàng bất chấp giá cao và ‘vấn nạn’ gia tăng ở Trung Quốc

(VNF) - Cơn sốt tích trữ vàng miếng và trang sức của người dân Trung Quốc vẫn chưa hạ nhiệt dù giá vàng liên tục lập đỉnh, tuy nhiên đi cùng với đó là sự gia tăng các vụ lừa đảo vàng ở Trung Quốc.

Chung cư Hà Nội tăng giá mạnh: 'Không ai đủ sức thổi giá BĐS trong một thời gian dài'

Chung cư Hà Nội tăng giá mạnh: 'Không ai đủ sức thổi giá BĐS trong một thời gian dài'

(VNF) - Các chuyên gia bất động nhận định, thị trường bất động sản có sự tăng giá, nhất là căn hộ chung cư Hà Nội. Trao đổi với VietnamFinance.vn, ông Bạch Dương, Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, giá phản ánh cán cân cung – cầu của thị trường, không ai đủ sức “thổi giá” bất động sản trong một thời gian dài.

Chân dung nữ Phó Bí thư được giao điều hành Tỉnh ủy Bắc Giang

Chân dung nữ Phó Bí thư được giao điều hành Tỉnh ủy Bắc Giang

(VNF) - Bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy được phân công tạm thời điều hành Tỉnh ủy Bắc Giang.

Đại án ngành đăng kiểm: 215 luật sư tham gia bào chữa

Đại án ngành đăng kiểm: 215 luật sư tham gia bào chữa

(VNF) - Viện Kiểm sát Nhân dân TP. HCM đã ban hành cáo trạng số 252/CT-VKS-P3, chuyển hồ sơ sang Tòa án Nhân dân cùng cấp để xét xử vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam. Vụ án có số lượng hồ sơ lớn với hơn 286.070 bút lục và sự tham gia bào chữa của 215 luật sư.

Đón đầu Sân bay Long Thành, tính mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành lên 10 làn xe

Đón đầu Sân bay Long Thành, tính mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành lên 10 làn xe

(VNF) - Tại cuộc họp về phương án đầu tư mở rộng đoạn TP. HCM - Long Thành, thuộc dự án đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc mở rộng đoạn TP. HCM - Long Thành là vấn đề cấp thiết, bảo đảm đồng bộ với các quy hoạch hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Khám phá tàu hỏa '5 sao' mới nhất Việt Nam

Khám phá tàu hỏa '5 sao' mới nhất Việt Nam

Hành khách đi tàu chất lượng cao SE21/22 (Sài Gòn - Đà Nẵng) sẽ được trải nghiệm những dịch vụ "cao cấp" chưa từng có trước đây.

Đề xuất Ủy viên Bộ Chính trị được thuê biệt thự công vụ 450-500 m2

Đề xuất Ủy viên Bộ Chính trị được thuê biệt thự công vụ 450-500 m2

(VNF) - Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư được bố trí cho thuê biệt thự công vụ, diện tích đất khuôn viên 450-500m2; kinh phí tối đa trang thiết bị nội thất là 350 triệu đồng.

Nhận diện Lý Hải Production: DN giúp Lý Hải thành đạo diễn nghìn tỷ với series phim 'Lật mặt'

Nhận diện Lý Hải Production: DN giúp Lý Hải thành đạo diễn nghìn tỷ với series phim 'Lật mặt'

(VNF) - Mới đây, Lý Hải trở thành đạo diễn Việt Nam tiếp theo có doanh thu 1.000 tỷ đồng. Đứng sau sự thành công này chính là Công ty TNHH Lý Hải Production - nhà sản xuất series phim 'Lật mặt'.

Đơn hàng mới tăng mạnh, DN kỳ vọng chu kỳ tăng trưởng mới

Đơn hàng mới tăng mạnh, DN kỳ vọng chu kỳ tăng trưởng mới

(VNF) - Theo Báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của S&P Global, ngành sản xuất Việt Nam tăng trưởng trở lại trong tháng 4/2024, nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh giúp sản lượng tăng trở lại.

Đề xuất quy định về áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam

Đề xuất quy định về áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam

(VNF) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang dự thảo Thông tư quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

(VNF) - Nằm trên trục cao tốc Bắc - Nam phía đông, tuyến cao tốc Cam Lộ - Hòa Liên có chiều dài 163km, trong đó, đoạn Cam Lộ - La Sơn dài khoảng 98,3km và đoạn La Sơn - Hoà Liên dài khoảng 64,9km.