Chốt phương án đầu tư một số đoạn trên cao tốc Bắc Nam: 654km, hơn 118 ngàn tỷ đồng

Anh Hùng - 22/11/2017 10:35 (GMT+7)

(VNF) - Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 với 83,1% phiếu thuận.

VNF
Ảnh minh họa.

Theo Nghị quyết này, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 bao gồm các đoạn từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh), từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên-Huế), từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), Cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long).

Dự kiến, trong giai đoạn 2017-2020 sẽ đầu tư 654 km, bao gồm các dự án thành phần vận hành độc lập với hình thức, quy mô đầu tư phù hợp.

Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư căn cứ quy mô của từng dự án thành phần theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Về công nghệ, dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Khuyến khích nhà đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án.

Về nhu cầu sử dụng đất và phương án giải phóng mặt bằng, theo tính toán sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án là 3.736 ha, trong đó đất trồng lúa là 1.037 ha. Nhà nước sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe trên tất cả các dự án thành phần, riêng dự án Cam Lộ - La Sơn theo quy mô 4 làn xe theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Về tổng mức đầu tư và nguồn vốn, sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 118.716 tỷ đồng, bao gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước đầu tư tham gia thực hiện Dự án thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Trường hợp giải phóng mặt bằng rộng hơn mức quy định tại Khoản 3 Điều này, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định về quy mô và sử dụng vốn từ nguồn vốn được bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia.

Vẫn theo Nghị quyết, công tác chuẩn bị đầu tư để thực hiện dự án sẽ được bắt đầu từ năm 2017 và cơ bản hoàn thành năm 2021.

Trước đó, như VietnamFinance đã đề cập, theo tờ trình của Chính phủ, các tuyến cao tốc Bắc Nam sẽ chia thành 11 dự án thành phần, trong đó 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư), 3 dự án đầu tư theo hình thức công.

Bộ Giao thông vận tải cũng đã từng kiến nghị Chính phủ cho phép nâng mức lợi nhuận của nhà đầu tư BOT từ 11%-12% lên lên 14% để thu hút đầu tư.

Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công – tư (Bộ Giao thông vận tải), lợi nhuận của các nhà đầu tư trong các hợp đồng BOT giai đoạn 2011-2015 được khống chế ở mức 11%-12%/năm đối với phần vốn chủ sở hữu và không được tính lãi trong thời gian xây dựng.

"Qua tham vấn các nhà đầu tư nước ngoài, họ đều yêu cầu lợi nhuận kỳ vọng phải đạt 15%-17%/năm. Để thu hút được các nhà đầu tư trong nước tiếp tục tham gia vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, nhất là các dự án cao tốc Bắc - Nam, vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Chính phủ cho phép nâng mức lợi nhuận của nhà đầu tư lên 14%", ông Huy nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác