Tài chính quốc tế

Chu kỳ tăng lãi suất toàn cầu sẽ sớm kết thúc

(VNF) - Khi hoạt động kinh tế toàn cầu đang chậm lại, nhiều nhà kinh tế tin rằng chu kỳ tăng lãi toàn cầu có thể sẽ sớm kết thúc.

Trong tuần qua, các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ, Anh, Nhật Bản và Thụy Sĩ đều quyết định duy trì mức lãi suất cao nhằm kiềm chế lạm phát. Quyết định này diễn ra trong bối cảnh chu kỳ thắt chặt chính sách toàn cầu đã lên đến đỉnh điểm.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), cùng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ từ các nền kinh tế lớn khác đồng quan điểm rằng sự cần thiết bây giờ là giữ bình tĩnh và “tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn”.

Ngân hàng Trung ương Anh vẫn sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất cao.

Vào ngày 21/9, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh cho biết: “Chúng tôi cần duy trì mức lãi suất 5,25% trong thời gian đủ lâu để đảm bảo rằng chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ đẩy lùi lạm phát”.

Khu vực đồng tiền chung châu Âu đang cân nhắc đến khả năng đẩy lãi suất lên cao hơn. Các ngân hàng trung ương của Na Uy và Thụy Điển đều phát đi tín hiệu rằng họ có thể nâng lãi suất trở lại. Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ còn tiết lộ kế hoạch sẽ tiếp tục tăng lãi suất dù lạm phát có giảm về mức 1,6%.

Mặc dù tình hình lạm phát đã “dịu” lại ở nhiều quốc gia nhưng ở các nền kinh tế lớn, lạm phát vẫn đang ở mức cao hơn nhiều so với mức “lành mạnh” là 2% mà các ngân hàng trung ương đề ra. Trong tháng 8 vừa qua, khu vực đồng tiền chung euro chứng kiến mức lạm phát tăng 5,2% trong khi con số này ở Mỹ là 3,7%.

Chính vì thế, ông Pierre Wunsch, Giám đốc Ngân hàng trung ương Bỉ, cho rằng chính sách tiền tệ hiện đã ở mức phù hợp.

Lạm phát dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao.

Tuy nhiên, gió có thể đổi chiều trong năm 2024 tới. Theo Bloomberg Economics, ước tính mức lãi suất cao nhất toàn cầu sẽ là khoảng 6% trong quý III năm nay. Đến cuối năm 2024, mức lãi suất cao nhất sẽ giảm xuống còn 4,9%/năm.

Trong khi đó, Capital Economics cho biết khoảng 21 trong số 30 ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ cắt giảm lãi suất và đó sẽ là “một bước ngoặt đối với thị trường tài chính toàn cầu”.

Ông Jennifer McKeown, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Capital Economics, cho biết: “Chúng ta đã đạt được một cột mốc quan trọng trong chu kỳ chính sách tiền tệ toàn cầu. Chu kỳ thắt chặt tiền tệ toàn cầu sẽ sớm kết thúc”.

Hiện tại cũng đã có một số ngân hàng trung ương đi ngược lại với xu hướng tăng lãi suất hiện nay. Vào ngày 22/9, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã quyết định sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng với mức lãi suất âm 0,1%. Trước đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng thông báo giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản khi nền kinh tế quốc gia này đang có những dấu hiệu sáng sủa hơn.

Tin mới lên