Ngân hàng Nhật Bản duy trì lãi suất âm bất chấp đồng Yên 'lao dốc'

Minh Ý - 22/09/2023 11:38 (GMT+7)

(VNF) - Trong cuộc họp ngày 22/9, ngân hàng trung ương Nhật Bản đã quyết định duy trì chính sách siêu lỏng lẻo và giữ nguyên lãi suất khi cân nhắc đến “những bất ổn cực kỳ cao” về triển vọng tăng trưởng trong nước và toàn cầu.

VNF
Nhật Bản vẫn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thả lỏng, dù đồng Yên ở trong cảnh "nguy cấp".

Đúng như dự đoán của thị trường, Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) cho biết sẽ duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và giới hạn lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm ở mức 0. Đây là quyết định chính thức được đưa ra vào ngày 22/9, sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày của ngân hàng trung ương nước này.

Ngân hàng Nhật Bản cho biết: “Với những bất ổn xung quanh các nền kinh tế và thị trường tài chính trong và ngoài nước, ngân hàng sẽ kiên nhẫn tiếp tục nới lỏng tiền tệ, đồng thời ứng phó nhanh chóng với những diễn biến trong hoạt động kinh tế và giá cả cũng như các điều kiện tài chính”.

Đồng Yên giảm khoảng 0,3% xuống 148,09 yên/USD sau thông báo mới nhất từ BOJ.

Tại cuộc họp chính sách trước đó vào tháng 7, BOJ đã nới lỏng việc kiểm soát đường cong lợi suất để cho phép lãi suất dài hạn biến động nhiều hơn khi tình trạng lạm phát gia tăng, đánh dấu lần thay đổi chính sách đầu tiên của Thống đốc Kazuo Ueda kể từ khi nhậm chức vào tháng 4.

Động thái mở rộng phạm vi cho phép đối với lợi suất JGB kỳ hạn 10 năm ở mức cộng (+) hoặc trừ (-) 0,5% từ mục tiêu 0% lên 1%, được coi là bước khởi đầu cho việc dần rời bỏ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất do ông Haruhiko Kuroda - người tiền nhiệm của Thống đốc Kazuo Ueda, ban hành.

Nhiều nhà kinh tế đã kỳ vọng BOJ sẽ nhanh từ bỏ khỏi chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo vào khoảng nửa đầu năm 2024 sau khi Thống đốc Kazuo Ueda nhậm chức. Tuy nhiên, những dấu hiệu gần nhất cho thấy BOJ vẫn lựa chọn con đường trái ngược với quyết định của các ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu, trong các cuộc họp gần đây đã báo hiệu quyết tâm của họ trong việc giữ chi phí đi vay ở mức cao để kiềm chế lạm phát.

Lạm phát bền vững

Dữ liệu được công bố trước đó vào cùng ngày 22/9 cho thấy lạm phát cơ bản của Nhật Bản đạt 3,1% trong tháng 8, cao hơn mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương trong tháng thứ 17 liên tiếp, một dấu hiệu cho thấy áp lực giá cả ngày càng gia tăng ở nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Mặc dù vậy, các quan chức BOJ vẫn thận trọng về việc từ bỏ chính sách thả lỏng tiền tệ đã được duy trì nhiều năm. BOJ cho rằng tình trạng lạm phát sẽ dần ổn định khi tiền lương tăng hỗ trợ chi tiêu hộ gia đình.

Việc tăng lãi suất sớm có thể làm chệch hướng tăng trưởng, trong khi việc trì hoãn quá mức trong chính sách thắt chặt sẽ khiến đồng Yên diễn biến xấu hơn nữa và làm tăng rủi ro về sự mong manh tài chính.

Tuy nhiên, bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc điều chỉnh chính sách cũng sẽ gây thêm áp lực lên Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, người đã cam kết giúp người tiêu dùng đối phó với chi phí sinh hoạt tăng cao trong cuộc cải tổ nội các vào tuần trước. Ông cũng cam kết đảm bảo nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ thoát khỏi tình trạng giảm phát một cách có ý nghĩa với mức tăng lương luôn vượt quá tỷ lệ lạm phát.

Xem thêm >> Nhật Bản đề cử Thống đốc BOJ mới, kỷ nguyên lãi suất thấp sắp kết thúc?

Theo CNBC, Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác