Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết tính từ tháng 1 đến tháng 8/2023, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 nhưng lại thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (9,87%). Tính đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,56%, đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng. Đây là mức thấp so với tăng trưởng tín dụng năm 2022 đạt tốc độ 14,5%
Hà Nội là một trong số ít khu vực chứng kiến mức tăng trưởng về tín dụng. Tính đến cuối tháng 8/2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn ước tính đạt trên 3,2 tỷ đồng, tăng 10,35% so với cuối năm 2022 và cao hơn so với mức tăng toàn quốc là 5,56%.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân khách quan dẫn đến sự tăng trưởng chậm của tín dụng toàn nền kinh tế có thể kể dến như cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; ảnh hưởng từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản hay khó khăn trong việc đáp ứng được chuẩn tín dụng của các tổ chức tài chính…
Để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 đợt điều chỉnh lãi suất với mức giảm 0,5% - 2,0%/năm, đi ngược lại với xu hướng neo cao của lãi suất thế giới. Lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng hơn 1,0% so với cuối năm 2022. Đến nay, các tổ chức tài chính cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 19.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước còn tích cực triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Tính đến hết tháng 7/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất 2% đạt gần 155.000 tỷ đồng với dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 56.000 tỷ đồng cho hơn 2.100 khách hàng.
Khi cả 2 cùng kêu khó
Theo ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực (HAMI), một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó tiếp cận với tín dụng ngân hàng là thủ tục rườm rà và thời gian xem xét phê duyệt khoản vay khá dài.
Cụ thể, với khoản vay vốn ngắn hạn, thời gian xem xét phê duyệt sẽ rơi vào khoảng từ 1 – 3 tháng trong khi các khoản vay trung dài hạn được duyệt trong vòng 3 tháng, thậm chí là 6 tháng hoặc dài hơn.
Bên cạnh đó, ông Sơn cũng đề nghị các ngân hàng cần giảm lãi suất trực tiếp 1 – 2% từ nguồn lợi nhuận của ngân hàng, áp dụng với tất cả khoản vay cũ và mới phát sinh. Trong tình hình kinh tế hiện nay, nếu không giảm lãi suất kịp thời, nhiều doanh nghiệp sẽ khó càng thêm khó, nhất là các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao.
Bà Nguyễn Thị Huyền Thương, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Nagakawa, chia sẻ, chi phí tài chính chiếm từ 3 – 4% trong tổng chi phí vận hành doanh nghiệp, trong đó, chi phí về lãi suất chiếm tới 68 – 70% chi phí tài chính. “Chính vì thế, các ngân hàng cần xem xét giảm thêm ưu đãi, lãi suất và các chi phí dịch vụ liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh như hiện nay”, bà Thương nói.
"Ngoài giảm lãi suất, vấn đề linh động trong việc thẩm định hồ sơ tín dụng cũng được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, các ngân hàng cần điều chỉnh linh động đánh giá tài chính doanh nghiệp để tránh việc doanh nghiệp không vay được vốn hoặc đã vay thì bị ngừng giải ngân vốn trong thời gian khó khăn", Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực nói.
Trong khi các doanh nghiệp đồng loạt “kêu cứu” thì nhiều ngân hàng cũng đang rơi vào tình cảnh khó khăn.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Ngân hàng Vietcombank, thừa nhận ngân hàng đang gặp khó khăn trong tăng trưởng tín dụng do khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp giảm.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng giảm 2,2% trong khi dư nợ FDI giảm 19,1%. Bất động sản và cho vay tiêu dùng bất động sản cũng giảm mạnh, đặc biệt là số lượng khách hàng cá nhân tại Hà Nội đã giảm tới 15% trong giai đoạn kể trên.
Tuy nhiên, liên quan đến câu chuyện lãi suất, Vietcombank cam kết sẽ tiếp tục triển khai sử dụng công cụ lãi suất, tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng theo đúng khả năng. Đối với khách hàng vay mới, Vietcombank đã có 2 đợt giảm lãi suất và sẽ giảm đợt 3 trong cuối năm nay với quy mô 200.000 khách hàng được giảm với dư nợ 700.000 ngàn tỷ đồng.
Đại diện Ngân hàng VietinBank cho hay doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng cũng khó khăn. Mặc dù là một trong bốn ngân hàng thực hiện chủ trưởng bình ổn lãi suất nhưng “việc giảm lãi suất phải phụ thuộc vào tính toán, chi phí và không đồng bộ ở tất cả các ngân hàng”, đại diện VietinBank chia sẻ.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay: “Việc giảm lãi suất còn phụ thuộc vào tình hình tài chính của từng ngân hàng. Ở chiều ngược lại, các ngân hàng cũng kỳ vọng doanh nghiệp minh bạch trong tài chính, dòng tiền để các tổ chức tài chính mạnh dạn cho vay”.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.