Trái phiếu doanh nghiệp: Chưa thể 'rút chân khỏi vũng lầy'

Minh Nhật - 21/09/2023 16:37 (GMT+7)

(VNF) - Dù đã có nhiều nỗ lực để giải cứu nhưng theo dự đoán của các chuyên gia, trong nửa cuối năm 2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn khó có thể tìm lại "hào quang" do ảnh hưởng từ những khó khăn chung của thị trường.

Trái phiếu doanh nghiệp: Thăng hoa và đổ dốc

Trong mấy năm trước, thị trường TPDN đã phát triển nhanh chóng và trở thành kênh huy động vốn được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Trong giai đoạn từ 2019 – 2021, TPDN đã vượt qua nguồn vốn tín dụng ngân hàng và thị trường cổ phiếu để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn lớn nhất. Tuy nhiên, sau thời kỳ thăng hoa, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở nước ta lại đang bị lao dốc.

Theo Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), quy mô toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp tính đến nay mới đạt khoảng 1,15 triệu tỷ đồng, chiếm gần 15% GDP cả nước và thấp hơn nhiều so với các quốc gia thuộc nhóm phát triển hơn trong ASEAN như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP) hay Thái Lan (25% GDP).

Cập nhật số liệu, TS Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, phát hành cổ phiếu của công ty đại chúng đã giảm 8% trong khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giảm 61,1% và trái phiếu doanh nghiệp phát hành công chúng giảm 59,8%. Bên cạnh đó, số lượng công ty niêm yết, đăng kí giao dịch lần đầu trong năm 2022 cũng giảm mạnh so với năm 2021.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp lao dốc sau thời kỳ thăng hoa.

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng hiện vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, ở mức 4,1% so với tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm 2022. Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng năm 2022 sụt giảm mạnh, giảm 59,8% so với 2021. Lũy kế từ tháng 1 đến tháng 9/2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt mức gần 140.000 tỷ đồng với 17 đợt phát hành ra công chúng và 111 đợt phát hành riêng lẻ.

Tính đến ngày 15/9, thị trường Việt vẫn chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào. Tuy nhiên các doanh nghiệp đã mua lại 125 tỷ đồng trái phiếu. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 166.654 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng lo ngại hơn, số lượng doanh nghiệp chậm thanh toán gốc lãi trái phiếu và công bố phương án tái cơ cấu nợ ngày càng nhiều. Tính đến đầu tháng 6/2023, có 62 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp. Tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này hiện vào khoảng 157,7 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 14,4% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường.

Những "điểm nghẽn" cần giải quyết

Trong bối cảnh thị trường và bất động sản trong nước đang gặp khó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm nay, ông Vũ Nhữ Thăng nhận định.

VNDIRECT cũng cho rằng, trong nửa cuối năm 2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ khó phục hồi trở lại mức tăng trưởng mạnh như những năm trước đây do áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn kéo dài cho đến cuối năm.

Ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là bất động sản có gần 43,6% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong quý 3. Chu kỳ ngành bất động sản đi xuống cũng như các thay đổi trong chính sách pháp lý đã ảnh hưởng đến hoạt động cấp phép dự án và mở bán đang khiến các doanh nghiệp bất động sản “khó càng thêm khó”.

Đi cùng với đó là bê bối trái phiếu doanh nghiệp của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, FLC hay Công ty An Đông đã phần nào khiến niềm tin của các nhà đầu tư chứng khoán cá nhân giảm sút, gây ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường.

Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, thị trường trái phiếu còn bị ảnh hưởng và tác động bởi tình hình kinh tế khó khăn trong thời gian qua. Những bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực cũng như “dư chấn” của đại dịch Covid-19 đã làm suy giảm “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp. Gia tăng nợ nần và thiếu hụt thanh khoản ở nhiều doanh nghiệp dẫn đến nhiều “điểm nghẽn” trong môi trường kinh doanh và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những dự đoán ảm đạm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn có một vài “cửa sáng” trong cuối năm 2023. Nhiều chuyên gia nhận định, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đang tiến đến điểm bão hòa khi đạt tỷ lệ tín dụng/GDP là 180% trong khoảng 3 – 4 năm nữa. Khi đó, kênh huy động vốn qua ngân hàng có thể sẽ là “cửa hẹp” trong khi dư địa cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều.

Song song với đó, ngày càng có nhiều thêm chính sách gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mới đây nhất là Nghị định 08. Chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh nhận định, với những nỗ lực của cơ quan quản lý, thị trường trái phiếu sẽ dần an toàn, bền vững hơn, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới.

Trong Báo cáo mới đây của FiinRatings cho thấy khối lượng trái phiếu phát hành 8 tháng đầu năm 2023 đạt giá trị khoảng 140.000 tỷ đồng, 90% trong đó là trái phiếu phát hành riêng lẻ. 

Ông Lê Hồng Khang - Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm FiinRatings cho rằng thị trường trái phiếu đang phục hồi chậm và khó có khả năng bứt phá về khối lượng giao dịch trong 12 tháng tới khi mà lãi suất biến động, nhu cầu vốn của doanh nghiệp và khẩu vị của nhà đầu tư thay đổi.

“Thị trường đã qua giai đoạn bùng nổ 2018-2021 rồi. Hiện tại thị trường sẽ tập trung vào phát triển chiều sâu, đi vào giai đoạn phát triển bền vững. Việc phát triển về chiều sâu cũng rất quan trọng, cũng là giai đoạn tốt để thị trường nhìn lại, khắc phục những vấn đề của giai đoạn trước” chuyên gia FiinRatings cho hay.

Theo ông Khang, thị trường đang phát triển chiều sâu, tập trung vào chất lượng sau khi trải qua giai đoạn bùng nổ về thanh khoản (2018 – 2021). Do đó, việc phát triển theo hướng này rất quan trọng, để thị trường đi sâu vào việc phát triển bền vững và lâu dài.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, kiêm Tổng giám đốc FiinRatings thị trường trái phiếu nên chấp nhận đường cong lãi suất tuỳ theo chất lượng tín dụng của các tổ chức phát hành. Đây là nguyên tắc chung mà thị trường vốn vận hành và không nhất thiết phải dưới mức 9% – 10%. Vì lãi suất trái phiếu dựa trên độ rủi ro nên không thể đánh đồng mức lãi suất cao là không tốt.

Theo nghiên cứu của FiinGroup, bình quân chi phí vốn của một dự án bất động sản dân cư chiếm 5-6% tổng chi phí đầu tư, biên EBITDA trung bình khoảng 30 – 40%, có doanh nghiệp lên tới 50-60% nên với đối với một số ngành, dự án hay doanh nghiệp không nhất thiết phải có lãi suất thấp vì họ vẫn chấp nhận để đầu tư.

Cùng chuyên mục
Tin khác