Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: 'Chưa có người đứng đầu nào bị xử lý trong việc chậm cổ phần hóa'
Tuệ Lâm -
23/05/2022 14:01 (GMT+7)
(VNF) - Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, chính sách tháo gỡ, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, tổ chức thực hiện chưa quyết liệt, nhưng chưa có người đứng đầu nào bị xử lý trách nhiệm trong việc chậm trễ thực hiện nhiệm vụ này.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 23/5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022.
Báo cáo tại kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, năm 2021 là năm đối diện với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, dịch Covid-19 bùng phát trên toàn quốc, diễn biến nhanh, phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh và mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.
Bên cạnh kết quả đạt được, còn những hạn chế, tồn tại, yếu kém cần khắc phục. Cụ thể, 5 chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng không đạt mục tiêu, tăng thêm 1 chỉ tiêu so với số đã báo cáo, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chưa đạt chỉ tiêu.
Ngoài ra, công tác phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng; năng lực y tế nhất là y tế cơ sở còn bất cập, sai phạm về đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế yêu cầu cần khẩn trương có báo cáo với Quốc hội về kết quả huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch; chỉ rõ tồn tại, hạn chế, những chính sách chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa đầy đủ; các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương làm tốt hoặc làm chưa tốt.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết một trong những tồn tại, hạn chế là phân bổ, giao dự toán chi chậm, kéo dài, giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; việc hoàn thiện quy định pháp luật về cổ phần hóa và sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công còn chậm, không hoàn thành mục tiêu.
"Kết quả trên cho thấy, chính sách tháo gỡ, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp hạn chế, tổ chức thực hiện chưa quyết liệt nhưng chưa có người đứng đầu nào bị xử lý trách nhiệm trong việc chậm trễ thực hiện nhiệm vụ này", ông Thanh nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý vấn đề giải ngân vốn đầu tư công trì trệ, đề nghị báo cáo rõ khả năng hấp thụ nguồn vốn, hoàn thành kế hoạch; việc hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng cốt lõi, hệ thống định mức và đơn giá xây dựng làm chậm giải ngân đầu tư công và ảnh hưởng đến chi phí đầu tư công.
Bên cạnh đó, nguy cơ nợ xấu còn tiềm ẩn; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản có nhiều rủi ro, không bền vững, thiếu ổn định.
"Trên thị trường cổ phiếu đã xuất hiện các hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; một số cổ phiếu/nhóm cổ phiếu có biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, gây tổn thất trực tiếp cho nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến tính ổn định và minh bạch của thị trường", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ một số vấn đề cần xử lý, tháo gỡ kịp thời như sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, chi phí đầu vào tăng cao, giá cước vận tải ở mức cao, giá nhiên liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất (dầu, khí đốt, than) và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất (gỗ, phân bón, titan, nhôm…) tăng cao trong khi sức cầu tiêu thụ vẫn yếu, vẫn còn những khó khăn về tài chính, tuyển dụng lao động.
Việc chậm quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành gây khó khăn cho việc dự báo về thị trường, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân.
Quy hoạch điện VIII chưa được phê duyệt dẫn đến nhiều dự án phát triển điện chưa thể triển khai, tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện trong mùa cao điểm. Một số quy hoạch đã được phê duyệt cũng đã bộc lộ một số bất cập...
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone