Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Thu ngân sách chỉ mới đủ cho chi thường xuyên và trả nợ
Phương Thảo -
15/10/2018 11:21 (GMT+7)
(VNF) – Theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước dự kiến vượt dự toán nhưng chưa thật bền vững, chưa đáp ứng được yêu cầu ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo, thu ngân sách chỉ mới đủ cho chi thường xuyên và trả nợ.
Sáng nay (15/10), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 28, cho ý kiến vào các báo cáo đánh giá, trong đó có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2019; giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2016-2020.
Hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao
Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày cho thấy nền kinh tế nước ta trong năm 2018 và 3 năm đầu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 cơ bản gặp nhiều thuận lợi.
Theo đó năm 2018, Chính phủ hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao (trong đó, 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch), góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra (trong đó, đã có 11 chỉ tiêu ước đạt và vượt so với mục tiêu kế hoạch 5 năm.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, góp phần củng cố nền tảng vĩ mô, tạo nguồn lực cho phát triển; tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì mức cao, chất lượng tăng trưởng cải thiện. Dự báo triển vọng GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7%.
Cùng với đó, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực; hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; phát hiện và xử lý nghiêm nhiều hành vi vi phạm pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án trong điểm ở các lĩnh vực; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân và có tác dụng răn đe, phòng ngừa tham nhũng.
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, song theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nền kinh tế nước ta trong năm 2018 vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Cụ thể, những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện 3 đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế những năm qua vẫn chưa được xử lý triệt để; tiến độ thực hiện 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 nhìn chung còn chậm; việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gặp nhiều khó khăn về nguồn lực; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước; mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới.
Nguồn lực để thực hiện chính sách về văn hóa xã hội còn hạn chế, một số chính sách chậm được ban hành, vẫn còn tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách. Việc triển khai xây dựng một số chương trình, dự án còn chậm. Một số vấn đề xã hội bức xúc tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.
Quản lý tài nguyên và môi trường còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; khiếu kiện về đất đai tuy đã giảm trong năm qua nhưng vẫn còn phức tạp ở một số địa phương; ô nhiễm môi trường do tác động tích lũy trong thời gian dài cần tiếp tục phải giải quyết; tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép lòng sông vẫn xảy ra; các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng.
Chính phủ cần làm rõ nhiều vấn đề
Trình bày báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Uỷ ban Kinh tế ghi nhận những kết quả rõ nét từ báo cáo của Chính phủ, nhưng để thấy rõ hơn những kết quả đạt được và tiếp tục duy trì những thành tựu nêu trên, bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề.
Cụ thể, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) dự báo đạt ở mức cao, vì vậy cần phân tích rõ động lực của tăng trưởng này để bảo đảm duy trì mức tăng trưởng một cách ổn định.
Lạm phát đang được kiểm soát, nhưng áp lực lạm phát cuối năm còn tiềm ẩn do một số yếu tố như thiên tai, bão lũ và những bất ổn về kinh tế của khu vực và thế giới, dư địa điều hành giá cả không còn nhiều. Uỷ ban Kinh tế đề nghị cần đánh giá hiệu quả điều hành chính sách giá thông qua việc điều chỉnh giá dịch vụ công mà Nhà nước cung cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ.
Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị làm rõ nguyên nhân của hiện tượng diễn biến ngược chiều nhau về quy mô vốn bình quân và quy mô bình quân lao động của doanh nghiệp ngoài nhà nước đăng ký thành lập mới; tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể cao, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ;đánh giá một cách đầy đủ hơn về thực trạng của doanh nghiệp.
Về tình hình kinh tế - xã hội 3 năm 2016 – 2018, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh báo cáo đánh giá giữa kỳ của Chính phủ cho thấy những kết quả tích cực và là tiền đề quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020.
Tuy nhiên, ông cũng đề cập một số hạn chế còn tồn tại, như chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp so với yêu cầu; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và một số công trình trọng điểm còn chậm; hạ tầng giao thông phát triển thiếu cân bằng giữa đường bộ với các loại hình vận tải khác, làm cơ cấu vận tải chưa dịch chuyển đúng hướng và tăng chi phí logistic cho doanh nghiệp.
Mức tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước được đánh giá đã có cải thiện, nhưng nhập siêu của khu vực này còn lớn, xuất khẩu còn phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Công tác quản lý thu có chuyển biến tích cực, tổng thu cân đối NSNN dự kiến vượt dự toán nhưng chưa thật bền vững, chưa đáp ứng được yêu cầu ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo, thu ngân sách chỉ mới đủ cho chi thường xuyên và trả nợ; năm 2018, các khoản thu thể hiện nội lực của nền kinh tế ở 3 khu vực kinh tế quan trọng đều không đạt dự toán, cần phải được phân tích, làm rõ nguyên nhân. Uỷ ban Kinh tế cũng lưu ý tình trạng thất thu thuế, nhất là ở khu vực ngoài quốc doanh chậm được cải thiện trong khi nợ đọng thuế còn lớn.
Cùng với đó, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh được cắt giảm, nhưng vẫn cần xem xét mức độ thực thi của các cấp, các ngành và thực chất của việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tình trạng thanh tra chuyên ngành còn chồng chéo, nhiều lần trong một năm. Mặc dù mức độ đóng góp vào GDP, nộp NSNN cao hơn nhiều khu vực kinh tế nhà nước và FDI nhưng khu vực tư nhân trong nước phát triển chưa thật bền vững.
Uỷ ban Kinh tế cho rằng, nếu giải quyết những khó khăn, vướng mắc này sẽ biến thành các cơ hội phát triển để tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đặt ra trong hai năm 2019-2020.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone