Chủ tịch Quốc hội: 'Phát triển đội ngũ doanh nhân có đạo đức, văn hóa mang bản sắc dân tộc'

Hoàng Sơn - 04/11/2023 11:19 (GMT+7)

(VNF) - Để phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cần phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc, có trách nhiệm xã hội thông qua việc hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp trong các gia đình doanh nhân.

VNF
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Ngày 3/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nghiệp gia đình tiêu biểu cả nước.

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tháng 10 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41, đề ra yêu cầu phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc – đây là một điểm mới so với Nghị quyết 09.

"Từ khoá xuyên suốt trong các quyết sách của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ chính là mọi quyết sách đều phải đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm. Tất cả các quyết sách đều tập trung lo cho nhân dân, lo cho cộng đồng doanh nghiệp bởi đó cũng chính là lo cho đất nước", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Với yêu cầu phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc được nêu ra trong Nghị quyết 41, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ: "Để phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc thì rất cần phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc, có trách nhiệm xã hội thông qua việc hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp trong các gia đình doanh nhân. VCCI, Hội đồng doanh nhân gia đình Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện nội dung này của Nghị quyết số 41".

Khẳng định Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các doanh nhân, đặc biệt là doanh nhân tham gia sở hữu và điều hành doanh nghiệp gia đình cần quan tâm xây dựng, trau dồi, rèn luyện đạo đức, văn hóa kinh doanh, tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, thương dân, khát vọng cống hiến, trách nhiệm xã hội để phát triển bền vững và xứng tầm là những doanh nhân đại diện cho một đất nước Việt Nam phát triển, văn minh, hạnh phúc.

"Cần lấy đạo đức làm cốt lõi xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam. Xây dựng, thực hành các chuẩn mực đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh mang đậm bản sắc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hoá kinh doanh quốc tế, coi đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa chiến lược lâu dài trong xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới", ông Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các doanh nghiệp tiêu biểu

Nhấn mạnh hiệu quả quản trị của các doanh nghiệp gia đình, Chủ tịch Quốc hội cho rằng doanh nghiệp gia đình nhưng quản trị phải năng lực, trình độ quản trị phải mang tầm quốc gia. Muốn phát triển nhanh, bền vững thì phải vươn ra thế giới, phải có trình độ, năng lực quản trị quốc tế.

Cùng với đó, cần quan tâm hợp tác, liên kết, phối hợp với nhau, nhất là giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chủ động tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; chú trọng liên kết theo ngành, cụm sản xuất, chuỗi giá trị.

"Muốn đi nhanh thì có thể đi một mình, nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau, đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau", Chủ tịch Quốc hội nói.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, Quốc hội sẽ làm hết sức mình, ban hành các quyết sách đúng đắn, kịp thời, bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; luôn lắng nghe, tiếp thu các đề xuất, sáng kiến hay của doanh nghiệp, doanh nhân, VCCI trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp, doanh nhân.

Đồng thời tăng cường rà soát văn bản và giám sát việc thi hành pháp luật, đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông Huệ cũng cho biết thêm, vừa qua, thảo luận về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị nên chăng yêu cầu Chính phủ tổng rà soát tất cả các thủ tục hành chính xem vướng mắc ở đâu và có thể sẽ đưa nội dung này vào Nghị quyết về kinh tế - xã hội hoặc Nghị quyết Kỳ họp.

Cùng chuyên mục
Tin khác