Chứng khoán giảm sâu, nhà đầu tư tay ngang có nên 'all-in' bắt đáy?

Thanh Long - 01/11/2023 09:58 (GMT+7)

(VNF) - Chuyên gia của FIDT cho hay nhà đầu tư chỉ có thể “all-in” (mua tất tay) khi và chỉ khi chắc thắng 100%, tuy nhiên thực tế thì không ai có thể đoán được thị trường chính xác 100%. Chính vì thế, nhà đầu tư luôn cần duy trì một khoản tiền mặt khoảng 30 – 40% và coi đó như một khoản dự phòng khi thị trường giảm giá mạnh hoặc khoản gia cố lợi nhuận khi thị trường tăng giá mạnh.

VNF
Chứng khoán giảm sâu, nhà đầu tư tay ngang có nên 'all-in' bắt đáy?

Thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây diễn biến hết sức tiêu cực. Chỉ trong tháng 10/2023, chỉ số VN-Index đã mất đến 125 điểm, tương đương mức giảm gần 11%. Điều này diễn ra trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm ngân hàng liên tục suy giảm, một số ngân hàng xuống mức thấp lịch sử. Nhiều nhà đầu tư có ý định canh "bắt đáy", thậm chí sẵn sàng mua tất tay (all-in) để tận dụng cơ hội hiếm có. Tuy nhiên, theo chuyên gia, việc "bắt đáy" cần chú ý nhiều vấn đề.

Ông Trần Mạnh Hoàng Việt, chuyên gia Hoạch định Tài chính cá nhân tại Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư & Quản lý gia sản FIDT, cho hay trước khi nghĩ đến một hành trình đầu tư "trong mơ", nhà đầu tư cần tìm cách để nâng cao nền tảng kiến thức và tích luỹ kinh nghiệm khi bước chân vào thị trường chứng khoán.

"Với người có kiến thức và kinh nghiệm thì các cơ hội sẽ luôn xuất hiện kể cả trong lúc thị trường khó khăn, nhưng với những người không có kiến thức, kinh nghiệm, thì cơ hội đến cũng khó có thể nắm giữ. Và thẳng thắn hơn, tâm lý 'mong giàu nhanh' là tâm lý có thể sẽ bị dẫn dụ, lùa gà bởi các 'chiên da' ", ông Việt ví von.

Chuyên gia của FIDT lưu ý rằng thị trường chứng khoán có hai đặc tính. Thứ nhất là biến động mạnh, lợi nhuận cao. Để có tỷ suất sinh lời cao thì nhà đầu tư buộc phải chấp nhận rủi ro. Thị trường chứng khoán đã có những giai đoạn tăng trưởng 30 – 50% và ngược lại, cũng có giai đoạn giảm tương tự.

Thứ hai, thị trường chứng khoán sẽ bao gồm cả những người mới và cả những người gạo cội. Tiền trên thị trường không tự dưng mất đi, mà chỉ chuyển từ người thua cuộc và sai lầm sang người chiến thắng. Do vậy, nhà đầu tư cần bước chân vào thị trường với tâm lý thận trọng.

Chuyên gia nhấn mạnh rằng nhà đầu tư không nên "all-in" vào cổ phiếu khi thị trường xuống thấp. Theo ông Việt, khi quản lý gia sản, với bất kỳ loại tài sản nào thì câu hỏi đầu tiên cần trả lời là:”Tôi sẽ phân bổ tỷ trọng bao nhiêu phần trăm vào loại tài sản này?”. Nguyên tắc phân bổ tuỳ theo khẩu vị rủi ro của từng người, đối với những người có khẩu vị chấp nhận rủi ro cao có thể phân bổ tỷ trọng lớn và ngược lại. Nhà đầu tư cần xác định được tỷ trọng phân bổ vào chứng khoán là bạn đã làm tốt được một việc quan trọng trong đầu tư.

Với những người mới, tỷ trọng này nên ở mức thấp bởi họ cần xác định tâm lý học hỏi đi kèm với đầu tư. Đi dần từng bước một là cách phát triển vững chắc.

"Hãy nhớ, những người khuyên bạn rằng đây là cơ hội nghìn năm có một, là đối với họ chứ chưa chắc đã là tốt với bạn. Vì nếu bạn bước vào một lĩnh vực mới như bạn đi vào vùng biển mà chưa biết phía trước thời tiết, khí hậu, hải lưu như thế nào thì bạn sẽ dễ bị cuốn đi. Hãy chuẩn bị cho mình đầy đủ hành trang để ra khơi", ông Trần Mạnh Hoàng Việt khuyến nghị.

Ông Việt cho hay nhà đầu tư chỉ có thể “all-in” khi và chỉ khi chắc thắng 100%, tuy nhiên thực tế thì không ai có thể đoán được thị trường chính xác 100%. Chính vì thế, nhà đầu tư luôn cần duy trì một khoản tiền mặt khoảng 30 – 40% và coi đó như một khoản dự phòng khi thị trường giảm giá mạnh hoặc khoản gia cố lợi nhuận khi thị trường tăng giá mạnh.

Việc duy trì khoản tiền mặt này tuỳ thuộc vào từng bối cảnh. Khoản tiền mặt này có thể là cách để khi thua lỗ, nhà đầu tư sẽ có cơ hội làm lại, hoặc khi chiến thắng lúc thị trường tăng mạnh, nhà đầu tư có cơ hội gia tăng lợi nhuận.

Chuyên gia của FIDT cũng lưu ý nhà đầu tư cần có chiến thuật giao dịch theo từng nhịp cụ thể. Giả sử trong trường hợp thấy một cơ hội rõ ràng trên thị trường chứng khoán thì hoàn toàn có thể xảy ra tình huống đó là một cơ hội ảo, một sai lầm trong nhận định của nhà đầu tư.

"Nếu bạn "all-in", bạn sẽ không có cơ hội làm lại, thay vì thế, hãy phân bổ các nhịp giải ngân theo những mức tỷ trọng định trước ví dụ 3 nhịp giải ngân 20 – 40 – 20 hoặc 30 – 30 – 40 tùy theo từng bối cảnh. Việc phân bổ theo các nhịp giúp bạn nhìn nhận lại nhận định của mình và luôn đảm bảo mình có cơ hội sửa sai", ông Việt chia sẻ.

Điều cuối cùng, thị trường chứng khoán luôn có rất nhiều cơ hội “nghìn năm có một” nhưng nhà đầu tư cần hiểu tỷ lệ người nắm bắt và tận dụng được cũng chỉ có “nghìn người có một”. Chính vì thế, nhà đầu tư cần dành thời gian tìm hiểu về phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật và nâng dần kinh nghiệm của mình lên. Nhà đầu tư cần luôn đảm bảo có “cơ hội làm lại” trên thị trường quan trọng hơn cả “cơ hội nghìn năm”.

Cùng chuyên mục
Tin khác