Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán. Dự thảo quy định cụ thể về việc sử dụng ví điện tử, hạn mức giao dịch đối với ví điện tử của cá nhân và tổ chức.
Tại Hội thảo lấy ý kiến thông tư về dịch vụ trung gian thanh toán, đại diện cho cơ quan soạn thảo, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán – NHNN cho biết dự thảo thông tư có nhiều quy định cụ thể để quản lý hoạt động trung gian thanh toán và ví điện tử trong đó đáng chú ý bao gồm việc áp dụng hạn mức giao dịch qua ví điện tử (tối đa không quá 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng đối với cá nhân; 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng đối với tổ chức), yêu cầu người dùng phải khai báo thông tin cá nhân khi mở ví và không được mở quá 1 ví điện tử tại một tổ chức cung ứng dịch vụ.
Đồng thời, dự thảo cũng giữ nguyên quy định yêu cầu tất cả các giao dịch nạp - rút tiền của ví điện tử phải thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng.
Bên cạnh đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ phải có công cụ cho phép NHNN theo dõi hệ thống và các số liệu giao dịch. Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, việc đưa ra các hạn chế này nhằm giảm thiểu rủi ro các dịch vụ này bị lợi dụng để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp.
Nêu ý kiến, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, cho rằng quy định tại Điều 8 của Dự thảo, trong đó quy định ngân hàng hợp tác là đơn vị chịu trách nhiệm cuối cùng đối với việc đảm bảo khả năng thanh toán cho các đơn vị chấp nhận thanh toán là chưa hợp lý.
Ngân hàng không thể có công cụ kiểm soát, giám sát để kiểm tra đối ứng với tài khoản đảm bảo thanh toán đối với khoản tiền đơn vị cung ứng dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ thực tế đã thu hộ, chi hộ cho khách hàng (nên là các trung gian thanh toán). Còn ngân hàng có trách nhiệm giám sát các mở tại các ngân hàng hợp tác cũng như tính hợp pháp, hợp lệ của các giao dịch thu, chi hộ của các đơn vị trung gian thanh toán tại ngân hàng.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh quy định tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử tối đa là 100 triệu đồng/tháng, trong khi tối đa là 20 triệu đồng/ngày là cần xem lại. Theo Ông Cấn Văn Lực, cơ quan soạn thảo cần tính đến thực tế thu nhập bình quân đầu người tăng, tiêu dùng cá nhân cũng gia tăng rất nhanh, để đặt ra hạn mức không kìm hãm thanh toán điện tử.
"Nếu chủ ví cần dùng nhiều hơn 5 ngày trong 1 tháng thì sao? Phải chăng nên cân nhắc mức đối đa 1 tháng lớn hơn. Thu nhập bình quân đầu người của chúng ta tăng lên nhanh chóng, tiêu dùng ngày càng nhiều. Tôi nghĩ nên cân nhắc mức lớn hơn, như 150 triệu hay 200 triệu chẳng hạn", ông Lực nói.
Cũng liên quan đến vấn đề hạn mức giao dịch ví điện tử, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết cơ quan quản lý sẽ xem xét để có mức phù hợp nhất. Trước đó, ông Dũng cho rằng không nên quá lo lắng về mốc 100 triệu đồng/tháng, hạn mức này cũng đã được NHNN nghiên cứu và có căn cứ quan sát thực tiễn giao dịch ở các ví điện tử hiện nay, cũng như tham khảo ở các nước khác trên thế giới.
Còn theo ông Trần Quang Huy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Công nghệ tài chính thuộc Hiệp hội Ngân hàng, về bản chất ví điện tử là tài sản của người dùng, do đó họ cần có quyền định đoạt đối với tài sản của mình.
Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán quy định tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử của cá nhân tối đa là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng; hạn mức giao dịch của tổ chức qua ví tối đa 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng. Theo NHNN, Dự thảo Thông tư quy định cụ thể về việc sử dụng ví điện tử, hạn mức giao dịch đối với ví điện tử của cá nhân và tổ chức, nhằm giảm thiểu rủi ro về lợi dụng ví điện tử để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp, phù hợp với mục đích sử dụng dịch vụ ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ. |
Ông Cấn Văn Lực cũng cho rằng cần phải xem xu hướng thanh toán điện tử đang diễn ra như thế nào trên thế giới để biết Việt Nam ở đâu và nên phát triển như thế nào.
Dẫn số liệu, ông Lực cũng cho biết thanh toán không tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán hiện ở mức khoảng 11,6%, có giảm so với thời kỳ trước đây nhưng mức độ giảm còn khá chậm. Ngoài ra, lượng tiền mặt/ GDP của chúng ta lại có xu hướng tăng lên, khoảng 19% năm 2017 và so với quốc tế là còn rất lớn. Thanh toán điện tử tại Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng trong vài năm vừa qua, NHNN cũng rất tích cực thúc đẩy điều này. Tuy nhiên, còn rất nhiều rào cản để có sự bứt phá.
Nói về rào cản thanh toán điện tử tại Việt Nam, theo ông Cấn Văn Lực, đó là thói quen dùng tiền mặt của người dân. Cùng với đó, theo ông, độ bao phủ của dịch vụ ngân hàng còn thấp, phân bố không đồng đều, hạ tầng công nghệ thông tin cũng còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, theo chuyên gia, thanh toán điện tử tại Việt Nam chưa tạo được sự tin tưởng cao từ người tiêu dùng như vấn đề an toàn, giải quyết sự cố,…
Cùng với đó, khu vực kinh tế phi chính thức còn lớn, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ.
"Việc sửa đổi là cần thiết để khuyến khích, quản lý ví điện tử. Tuy nhiên, cần rà soát và xem xét một số điểm tại dự thảo", ông nói.
Đánh giá về tác động của quy định mới đến thương mại điện tử, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử cho biết mặc dù thương mại điện tử có những tăng trưởng vượt bậc trong thời gian gần đây, thanh toán điện tử đang là điểm nghẽn, do đó cần có cơ chế khuyến khích thay vì hạn chế. Lấy ví dụ về lĩnh vực du lịch, các giao dịch đặt vé máy bay hay tour du lịch sẽ có giá trị lớn hơn nhiều so với hạn mức đề xuất tại dự thảo.
Ông Hưng cũng tỏ ra băn khoăn vì quy định hạn chế mỗi người dùng chỉ được sử dụng 1 ví điện tử tại một tổ chức cung ứng, vì trên thực tế người dùng có thể cần nhiều tài khoản kết nối ví điện tử khác nhau để phục vụ các nhu cầu tiêu dùng, giao dịch khác nhau.
Về quy định liên quan đến cơ chế xác thực người dùng, đây là vấn đề cần thiết để đảm bảo an toàn cho thanh toán điện tử. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị NHNN cân nhắc lại yêu cầu người dùng ví điện tử phải khai báo thông tin khi thực hiện hồ sơ mở ví, vì đã có thể sử dụng thông tin tài khoản ngân hàng và thuê bao điện thoại.
Theo bà Nguyễn Thuỳ Dương, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ Tài chính – Ngân hàng, Công ty Ernst&Young Việt Nam, hiện nay chi phí bình quân ngân hàng để thu thập thông tin cho một tài khoản ngân hàng là 300.000 đồng, chưa kể các chi phí lưu trữ, quản lý phát sinh theo thời gian.
Do đó, việc NHNN buộc doanh nghiệp trung gian thanh toán phải thực hiện lại thủ tục xác minh khách hàng là không cần thiết, gây phát sinh chi phí cho doanh nghiệp và xã hội. Giải pháp cần có là xây dựng cơ chế kết nối để ngân hàng, nhà mạng và các doanh nghiệp trung gian thanh toán có thể chia sẻ và cùng sử dụng thông tin khách hàng.
Bên cạnh đó, đại diện của Viettel Telecom cũng chỉ ra một số nội dung của Dự thảo chưa phù hợp với thực tế, như yêu cầu người dùng ví cung cấp số điện thoại đăng ký internet banking, trong khi hiện nay nhiều chủ tài khoản không sử dụng internet banking hay đăng ký điện thoại giao dịch với ngân hàng. Nếu có sự khác biệt giữa thông tin của doanh nghiệp ví điện tử và ngân hàng sẽ không có cách xử lý.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.