Cổ phiếu dệt may: Động lực tăng đến từ đâu?

Thanh Long - 25/03/2019 17:03 (GMT+7)

(VNF) - Các cổ phiếu dệt may đầu ngành đa phần đang giao dịch ở mức P/E khá thấp, dưới 7 lần. Nếu thị giá giữ nguyên, P/E nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm bởi tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp này khá rộng mở, càng khiến cổ phiếu dệt may trở nên hấp dẫn hơn.

VNF
Tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may đầu ngành khá rộng mở. Ảnh: Bên trong nhà máy của May Sông Hồng - doanh nghiệp nổi tiếng trong nước với thương hiệu chăn ga gối đệm Sông Hồng.

Theo thống kê, năm 2018, tổng doanh thu các doanh nghiệp dệt may trên sàn chứng khoán đạt 63.638 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.111 tỷ, tăng 28%.

Dẫn đầu về quy mô doanh thu và lợi nhuận sau thuế là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT). Tiếp đến là Tổng công ty may Việt Tiến (UPCoM: VGG), Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) và doanh nghiệp mới niêm yết - Công ty Cổ phần May Sông Hồng (HoSE: MSH).

So sánh về quy mô sản xuất, Tập đoàn Dệt may Việt Nam còn dẫn đầu về quy mô sản xuất nhờ sở hữu nhiều công ty con và công ty liên kết. Trong khi dệt may Thành Công (TCM) và dệt may Phong Phú (PPH) là một trong số ít doanh nghiệp có khả năng dệt – nhuộm – đan.

Mặc dù lợi nhuận tăng mạnh nhưng thực tế, hệ số P/E (hệ số giá trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu) của các doanh nghiệp hàng đầu ngành dệt may ở mức khá thấp, đa phần dưới mức 7 lần (chẳng hạn như VGG ở mức 6 lần, MSH ở mức 6,6 lần, TCM 6,2 lần, TNG 6 lần), là một khía cạnh phản ánh thị giá cổ phiếu dệt may vẫn ở mức khá rẻ.

Riêng trường hợp VGT, P/E ở mức 9 lần nếu tính theo lợi nhuận sau thuế và 14,7 lần nếu tính theo lợi nhuận sau thuế công ty mẹ. Sở dĩ có sự chênh lệch lớn này là bởi doanh thu và lợi nhuận của Vinatex chủ yếu đến từ công ty con và công ty liên kết nên sở hữu của cổ đông không kiểm soát khá lớn.

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) về ngành dệt may đã chỉ ra nhiều động lực tăng trưởng đáng chú ý đối với các doanh nghiệp dệt may đầu ngành.

Đầu tiên phải kể đến TCM, doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ấn tượng năm qua. Kết thúc năm, TCM ghi nhận doanh thu đạt 3.662 tỷ đồng (tăng 14%), lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 260 tỷ đồng (tăng 35%).

Đây là một trong số ít doanh nghiệp sở hữu chuỗi sản xuất hoàn thiện từ Sợi – Dệt – Nhuộm – May, trong khi các doanh nghiệp khác phải mua ngoài nguyên liệu để sản xuất.

Thị trường xuất khẩu chủ lực của TCM là Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Trong đó, xuất khẩu sang Hàn Quốc và Trung Quốc chủ yếu đến từ đơn hàng của các công ty trong tập đoàn E-Land (chiếm 25 – 29% doanh thu).

Trong các doanh nghiệp ngành dệt may, TCM hiện sở hữu nhiều động lực tăng trưởng bậc nhất. TCM được kỳ vọng sẽ hưởng mức thuế suất 0% khi xuất khẩu sang các nước thành viên CTPPP do sở hữu chuỗi giá trị "từ sợi trở đi", đáp ứng yêu cầu xuất xứ.

Bên cạnh đó, hoạt động tái cấu trúc sản xuất (thanh lý nhà máy sợi số 3 và chuyển nhà máy sợi số 2 sang sản xuất vải), năng suất lao động tăng tại nhà máy Vĩnh Long (từ mức 26 – 27 USD/ người/ngày lên mức 30 – 36 USD/người/ ngày), nâng công suất mảng vải - mảng có biên lợi nhuận cao - nhờ mua thêm xưởng may ở Trảng Bàng... sẽ giúp nâng biên lợi nhuận.

Ngoài ra, cũng không thể không kể đến tiềm năng lãi đột biến từ dự án TC Tower, dự kiến sẽ mở bán trong năm nay.

TCM được kỳ vọng sẽ hưởng mức thuế suất 0% khi xuất khẩu sang các nước thành viên CTPPP do sở hữu chuỗi giá trị "từ sợi trở đi", đáp ứng yêu cầu xuất xứ. Ảnh: Gian hàng của TCM tại một triển lãm quốc tế

Ấn tượng hơn cả TCM là trường hợp của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG). Năm qua, TNG ghi nhận doanh thu 3,613 tỷ đồng, tăng tới 45%, nhờ tìm kiếm được các đơn hàng số lượng lớn. Lợi nhuận sau thuế đạt 181 tỷ đồng, tăng 57%.

Doanh nghiệp này có lợi thế lớn khi sở hữu các hợp đồng gia công cho các nhãn hàng nổi tiếng như ZARA, MANGO, GAP, CK, Decathlon, The Children’s Place,… Bên cạnh đó, công ty cũng đã phát triển thương hiệu TNG Fashion sau khi tiến hành sát nhập Công ty Cổ phần Thời trang TNG với gần 40 cửa hàng trên 20 tỉnh thành.

TNG còn sở hữu 11 chi nhánh may, 2 chi nhánh sản xuất hàng may mặc phụ trợ với tổng số 228 dây chuyền may. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là EU và Mỹ, chiếm gần 67% giá trị đơn hàng, nhờ 2 đối tác lớn là Decathlon và The Children’s Place.

Về động lực tăng trưởng, thời gian tới, TNG sẽ giảm tỷ trọng CMT (thuần túy gia công), tăng tỷ trọng FOB (gia công nhưng chủ động nguyên liệu), từ đó cải thiện biên lãi gộp. Bên cạnh đó, công ty cũng đang phát triển thêm mảng ODM (tự thiết kế và sản xuất ) có biên lãi gộp cao, khoảng 30 – 40%, thông qua thương hiệu TNG Fashion.

Ngoài ra, TNG cũng tiếp tục mở rộng công suất với việc xây dựng 2 nhà máy TNG Phú Lương và TNG Võ Nha.

MSH, công ty nổi tiếng ở thị trường trong nước với dòng sản phẩm chăn - ga - gối - đệm Sông Hồng, cũng có triển vọng tăng trưởng khá sáng. Doanh nghiệp này mới niêm yết trên sàn HoSE trong quý IV/2018 và là một trong những doanh nghiệp đầu ngành với tình hình sản xuất ổn định. Xét về quy mô doanh thu và lợi nhuận chỉ xếp sau Vinatex.

Năm 2018, MSH ghi nhận doanh thu đạt 3.951 tỷ đồng (tăng 20%); lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 371 tỷ đồng (tăng 85%).

Hoạt động kinh doanh chủ yếu của MSH là may quần áo xuất khẩu và sản xuất chăn, ga, gối, đệm để tiêu thụ trong nước với tỷ trọng 2 mảng lần lượt đạt 98% và 2%. Tương tự như TNG, MSH phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu, tuy nhiên công ty đã chuyển đổi 70% đơn hàng sang sản xuất theo phương pháp có giá trị gia tăng cao FOB. Trong khi phương pháp CMT chỉ còn khoảng 30%.

Về năng lực sản xuất, MSH hiện đang sở hữu và vận hành 6 khu vực sản xuất bao gồm 5 xưởng may và 1 xưởng sản xuất chăn, ga, gối đệm với tổng công suất đạt hơn 6 triệu sản phẩm may/tháng.

Đối với hàng FOB, MSH chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Châu Âu thông qua các đối tác lớn như Columbia Sportwear, Haddad Brands (Nike, Converse, Hurley), GIII (Calvin Glein). Đối với hàng CMT, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada.

Động lực tăng trưởng của MSH đến từ định hướng dịch chuyển hoàn toàn các đơn hàng CMT sáng FOB (giúp tăng biên lợi nhuận gộp). Trong khi đó, việc Nhà máy Sông Hồng 10 với công suất 1 triệu sản phẩm/tháng đi vào hoạt động trong năm 2020 sẽ giúp MSH gia tăng doanh thu. Đặc biệt, trong hai năm đầu hoạt đông, nhà máy này sẽ được miễn thuế và tiếp tục giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo.

Doanh nghiệp dệt may Việt giờ không còn thuần túy gia công mà đã tham gia sâu vào các chuỗi giá trị cao hơn. Ảnh: Một cửa hàng thời trang của TNG

Với Vinatex, đây là doanh nghiệp dệt may lớn nhất cả về quy mô vốn hóa lẫn quy mô doanh thu và lợi nhuận. Hiện Nhà Nước đang nắm giữ 53,49% vốn tại Vinatex.

Vinatex hoạt động theo mô hình mẹ - con với sở hữu 15 công ty con (trên 50% vốn điều lệ) và 19 công ty liên kết (nhỏ hơn 50% vốn điều lệ), hoạt động ở cả tất cả khâu trong chuỗi giá trị hàng dệt may từ sợi – vải – may.

Kết thúc năm 2018, VGT ghi nhận doanh thu đạt 19.418 tỷ đồng (tăng 11%YoY), trong đó, doanh thu công ty mẹ chiếm 5% trong tổng doanh thu hợp nhất, đạt 970 tỷ. Lãi sau thuế đạt 727 tỷ đồng trong năm 2018 (tăng 6,3%), trong đó, lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 439 tỷ trong (tăng 14%).

Hiện VGT đang đầu tư xây dựng nhà máy Sợi Nam Định và Nhà máy Liên hợp Sợi – Dệt – Nhuộm – May tại Quảng Nam, tạo động lực tăng trưởng trong thời gian tới.

Cùng với đó, tiến trình thoái vốn cũng rất đáng được chờ đợi, sau khi SCIC "lỡ hẹn" trong năm 2018.

Cùng chuyên mục
Tin khác