DN tỷ USD của Bình Dương: Thoái bớt vốn tại Becamex IDC, dự thu chục nghìn tỷ

Hà Lê - 18/05/2024 10:45 (GMT+7)

(VNF) - UBND tỉnh Bình Dương có thể thu về 18.525 tỷ đồng nếu thoái bớt 30,44% cổ phần tại Becamex IDC theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định 426/QĐ-TTg ngày 17/05/2024 về việc phê duyệt tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – Công ty CP (Becamex IDC, HoSE: BCM) đến năm 2025. Theo đó, tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại Becamex IDC sẽ được giảm từ mức 95,44% xuống mức trên 65%.

Quyết định nói trên cũng bãi bỏ nội dung về kế hoạch sắp xếp đối với Becamex IDC (số thứ tự 29) thuộc Mục 2 Kế hoạch giữ nguyên phần vốn nhà nước tại Phụ lục III về Kế hoạch thực hiện thoái vốn và giữ nguyên phần vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn.

Nhà nước sẽ thoái bớt vốn tại Becamex IDC

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 17/5, cổ phiếu BCM dừng ở mức 58.800 đồng/cp, tăng gần 14% sau một tháng nhưng vẫn thấp hơn 6,5% so với đầu năm. Vốn hóa thị trường tương ứng đạt gần 61.000 tỷ đồng (2,5 tỷ USD), còn phần vốn góp của Nhà nước có giá trị khoảng 58.083 tỷ đồng. Như vậy nếu bán tối đa 30,44% cổ phần theo kế hoạch, UBND tỉnh Bình Dương có thể thu về 18.525 tỷ đồng.

Trực tiếp vận hành 7 khu công nghiệp có tổng diện tích hơn 4.700 ha, Becamex IDC hiện là chủ đầu tư khu công nghiệp lớn nhất Bình Dương với hơn 30% thị phần cấp tỉnh và lớn thứ ba tại Việt Nam với 3,6% thị phần toàn quốc. Bên cạnh đó, ‘trùm’ bất động sản khu công nghiệp còn tham gia liên doanh với doanh nghiệp Singapore để thành lập Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) và nắm giữ 49% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Với 12 dự án trên cả nước có tổng diện tích hơn 10.000 ha, hiện tại, VSIP đã trở thành nhà phát triển khu công nghiệp và đô thị tích hợp hàng đầu Việt Nam.

Sau gần 50 năm hình thành và phát triển, Becamex IDC đã mở rộng thành một hệ sinh thái lớn với 23 công ty thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực như khu công nghiệp, xây dựng, thương mại, bất động sản, dịch vụ, viễn thông, công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng, cảng, giáo dục, y tế… Trong đó, có nhiều doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán như Công CP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (HoSE: TDC), Công ty CP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (Becamex IJC, HoSE: IJC), Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bình Dương ACC (Becamex ACC, HoSE: ACC), Công ty CP Xây dựng và Giao thông Bình Dương (Becamex BCE, HoSE: BCE).

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, kết thúc 3 tháng đầu năn, Becamex IDC ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 812 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng kinh doanh bất động sản chiếm 55% doanh thu, mang về 450 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ cũng nhích nhẹ lên 257 tỷ đồng, trong khi doanh thu bán thành phẩm tăng tới 25%, lên 81 tỷ đồng.

Đáng chú ý, giá vốn hàng bán giảm sâu tới 38%. Trong đó, giá vốn kinh doanh bất động sản chỉ còn hơn 86 tỷ đồng và giá vốn cung cấp dịch vụ, hàng hoá đạt xấp xỉ 78 tỷ, lần lượt giảm 52% và 42% so với cùng kỳ. Nhờ đó, biên lãi gộp cải thiện mạnh, từ mức 51% lên mức 71%, tương ứng lợi nhuận gộp đạt 574 tỷ đồng.

Như vậy, Becamex IDC lãi gộp hơn 574 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ. Theo đó, biên lãi gộp cải thiện mạnh, từ 51% cùng kỳ lên 71% - mức cao nhất của doanh nghiệp từ khi niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh năm 2020.

Ở chiều ngược lại, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh 95%, còn gần 3 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính chỉ giảm khoảng 14% so với cùng kỳ xuống 164 tỷ. Phần lãi từ công ty liên doanh liên kết đạt 60 tỷ. Các chi phí khác của ‘ông lớn’ bất động sản này cũng tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, Becamex IDC vẫn lãi sau thuế 119 tỷ đồng, tăng 60% so với quý I/2023.

Bên cạnh kết quả kinh doanh tăng trưởng cao, dòng tiền kinh doanh của Becamex IDC đã chuyển dương, ghi nhận ở mức 876 tỷ, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm 1.238 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Becamex IDC đạt 54.069 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,2% so với cùng kỳ. Chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản là hàng tồn kho với 20.348 tỷ đồng và đầu tư tài chính dài hạn khoảng 18.265 tỷ đồng.

Phía bên kia bảng can đối kế toán, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp ghi nhận ở mức khoảng 34.543 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. Trong đó, nợ vay ghi nhận ở mức 21.000 tỷ đồng với 8.945 tỷ đồng là. nợ ngân hàng và 12.000 tỷ đồng là nợ trái phiếu. Theo Becamex, doanh nghiệp có khả năng trả được các khoản vay ngắn han và dài hạn.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BCM vẫn đang dừng ở mức 58.800 đồng/cp, tăng gần 14% sau một tháng nhưng vẫn thấp hơn 6,5% so với đầu năm. Vốn hóa thị trường tương ứng đạt gần 61.000 tỷ đồng (2,5 tỷ USD).

Cùng chuyên mục
Tin khác