Ông Putin bênh vực Trung Quốc sau đòn giáng thuế quan của Mỹ
(VNF) - Phát biểu trong cuộc họp báo ở thành phố Cáp Nhĩ Tân trong chuyến công du hai ngày tới Trung Quốc, Tổng thống Nga Putin chỉ trích đòn thuế quan mới mà Mỹ áp lên 18 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc.
- Ông Biden và ông Trump: Ai cứng rắn hơn với Trung Quốc? 17/05/2024 02:01
Ông Putin cho rằng Washington muốn ngăn chặn các đối thủ mạnh xâm nhập thị trường Mỹ và mô tả cách tiếp cận của Mỹ là “cạnh tranh không lành mạnh”.
“Thật không may, trong cách thế giới vận hành ngày nay, đôi khi nảy sinh những tình huống liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh. Đây là cách người Mỹ gần đây áp đặt thuế quan đối với phương tiện vận tải điện của Trung Quốc”, ông nói.
"Tại sao? Bởi vì xe Trung Quốc ngày càng tốt hơn”, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh thêm.
Các quan chức Mỹ đã nhiều lần mô tả Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh” hàng đầu của Mỹ, đồng thời thắt chặt các hạn chế kinh tế đối với nước này.
Đầu tuần này, Washington đã tăng thuế đối với hàng hóa trị giá 18 tỷ USD của Trung Quốc bao gồm xe điện, pin, chất bán dẫn, thép, nhôm, khoáng sản quan trọng, pin mặt trời, cần cẩu và các sản phẩm y tế, trong khi vẫn giữ mức thuế đối với lượng hàng hóa trị giá hơn 300 tỷ USD do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt.
Thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc đã tăng đáng kể dưới thời ông Trump, người đã phát động loạt đòn đầu tiên trong cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng bắt đầu vào năm 2018. Một cách tiếp cận cứng rắn tương tự vẫn tiếp tục dưới thời Tổng thống đương nhiệm Joe Biden.
Các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần tố cáo chính sách thương mại và công nghệ của Mỹ và thực hiện một số biện pháp đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ. Trong số đó có những hạn chế về xuất khẩu nguyên liệu thô chiến lược được sử dụng trong công nghệ quốc phòng, điện tử và năng lượng sạch.
Đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuần trước cảnh báo rằng cuộc chiến thương mại leo thang giữa Washington và Bắc Kinh đang đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong bài phát biểu Đại học Stanford (Mỹ), Phó giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, bà Gita Gopinath bày tỏ lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc trong bối cảnh căng thẳng Trung Quốc-Mỹ kéo dài. Quan chức này cảnh báo nền kinh tế thế giới sẽ chỉ tồi tệ hơn nếu căng thẳng giữa hai bên không có dấu hiệu suy giảm.
“Tình trạng phân mảnh kinh tế toàn cầu và căng thẳng địa chính trị sẽ làm suy giảm đáng kể những lợi ích đạt được từ hội nhập quốc tế, lôi kéo nhiều quốc gia vào thế khó phải lựa chọn giữa các siêu cường”, bà Gopinath cho biết.
Theo bà Gopinath, tác động từ căng thẳng Mỹ-Trung đối với kinh tế toàn cầu có thể sẽ khác nhau, với mức thiệt hại ước tính từ 0,2%-7% GDP.
IMF dự đoán mức độ suy thoái cũng sẽ xảy ra không đồng đều, các nước thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự phân mảnh thương mại do phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu nông sản và đầu tư từ các nước phát triển hơn.
Bà Gopinath cho biết trong tương lai, thế giới cần phải thực hiện nhiều động thái thiết thực nhằm tạo dựng lại niềm tin, bắt đầu từ việc các quốc gia phải tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác qua lại cởi mở.
Bị áp thuế lên 18 tỷ USD hàng hoá, Trung Quốc nói Mỹ ‘mất trí’
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.