Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (11/5): VPB, HPG và PVS

(VNF) - VPB có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 79.334 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu chia cổ tức với tỷ lệ 50% và chào bán riêng lẻ 1,19 tỷ cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược. Ngân hàng cũng giữ kế hoạch mở rộng hệ sinh thái, dự định tăng tỷ lệ sở hữu từ 11% lên 90% tại Công ty Cổ phần Bảo hiểm Opes và góp vốn 15.000 tỷ đồng vào Công ty Chứng khoán ASC để đẩy mạnh hoạt động cung cấp dịch vụ chứng khoán.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (11/5): VPB, HPG và PVS

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (11/5): VPB, HPG và PVS

KBSV: Khuyến nghị mua VPB với giá mục tiêu 44.400 đồng/cổ phiếu

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HoSE: VPB), thu nhập lãi thuần đạt 9.888 tỷ đồng, tăng 16% so với quý cuối năm 2021 và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái; thu nhập ngoài lãi đạt 8.382 tỷ đồng, tăng 334% cùng kỳ, giúp tổng thu nhập hoạt động đạt 18.270 tỷ đồng, tăng 65% cùng kỳ.

Chi phí trích lập dự phòng quý này thấp hơn 2 quý gần đây, ở mức 4.132 tỷ đồng, giảm 23% so với quý liền kề và giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả là lợi nhuận trước thuế quý I đạt 11.146 tỷ đồng, tăng 292% so với quý liền kề và tăng 178% cùng kỳ năm trước.

Công ty Chứng khoán KB (KBSV) cho biết, năm 2022, VPB đặt kế hoạch tham vọng với chỉ tiêu tài sản tăng 27,5% lên 697.413 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt 518.440 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 35%. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu 29.662 tỷ đồng, tăng 106% so với thực hiện năm ngoái, trong đó lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ dự kiến tăng 66%.

Trong năm, VPB tiếp tục có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 79.334 tỷ đồng thông qua 2 đợt phát hành cổ phiếu chia cổ tức với tỷ lệ 50% và chào bán riêng lẻ 1,19 tỷ cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược.

Bên cạnh đó, ngân hàng duy trì kế hoạch mở rộng hệ sinh thái, bao gồm việc tăng tỷ lệ sở hữu từ 11% lên 90% tại Công ty Cổ phần Bảo hiểm Opes và góp vốn 15.000 tỷ đồng vào Công ty Chứng khoán ASC để đẩy mạnh hoạt động cung cấp dịch vụ chứng khoán.

Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VPB, cùng mức giá mục tiêu là 44.400 đồng/cổ phiếu, cao hơn 33% so với giá đóng cửa phiên 10/5.

SSI: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu HPG

Doanh thu thuần và lợi nhuận ròng quý I của Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) lần lượt đạt 44.100 tỷ đồng và 8.200 tỷ đồng, tăng 41% và 17% so với cùng kỳ. Sản lượng thép xây dựng của doanh nghiệp đạt kỷ lục là 1,34 triệu tấn, tăng 57% so với cùng kỳ và tăng 23% so với quý trước.

Sản lượng tiêu thụ thép HRC cũng tăng 15% so với cùng kỳ đạt 763.000 tấn, trong khi sản lượng thép dẹt thành phẩm (bao gồm cả thép ống và thép mạ) tăng 20% so với cùng kỳ đạt 313.000 tấn, nhờ nhu cầu trong nước phục hồi.

Công ty Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, giá thép xây dựng tăng 15% so với đầu năm đã giúp HPG tận dụng lợi thế của hàng tồn kho giá thấp và hỗ trợ cải thiện biên lợi nhuận gộp lên 22,9% từ mức 21,4% trong quý IV/2021.

Do lợi nhuận ròng quý I của HPG phù hợp với ước tính của SSI, nên trong báo cáo mới nhất công ty chứng khoán này vẫn duy trì ước tính lợi nhuận ròng cả năm ở mức 31.000 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2021; trong khi giả định doanh thu tăng 18% so với cùng kỳ nhờ sản lượng tiêu thụ và giá thép tăng.

Điểm sáng là tỉnh hình tài chính của HPG tại thời điểm cuối quý I, với nợ ròng giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Cụ thể, trong khi tiền mặt và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn đạt mức kỷ lục là 46.600 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ, nhờ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh khoảng 39.000 tỷ đồng trong 4 quý qua.

Do đó, nợ vay ròng của HPG giảm 55% so với cùng kỳ xuống còn 13.900 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ nợ vay ròng trên vốn chủ sở hữu là 0,14 lần.

Năm 2022, HPG đặt kế hoạch sơ bộ với doanh thu 160.000 tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm trước; kế hoạch lợi nhuận dao động trong khoảng 25.000-30.000 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 13-28% cùng kỳ. Tuy nhiên, HPG đều vượt kế hoạch lợi nhuận trong hơn 10 năm qua. Ban lãnh đạo dự kiến chi trả cổ tức cho năm 2021 ở mức 35%, bao gồm 5% tiền mặt và 30% cổ tức bằng cổ phiếu.

SSI lặp lại khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu HPG, nhưng điều chỉnh giảm giá mục tiêu 1 năm theo SOTP từ 54.000 đồng/cổ phiếu xuống 50.600 đồng/cổ phiếu dựa trên P/E mục tiêu và EV/EBITDA lần lượt là 7,5 lần và 5,5 lần (điều chỉnh lần lượt từ 8 lần và 6 lần do mức định giá trong khu vực giảm xuống).

Rủi ro đối với khuyến nghị của SSI bao gồm giá thép thấp hơn dự kiến và khả năng chi phí quặng sắt và than cao hơn so với giả định.

VND: Khuyến nghị khả quan PVS cùng triển vọng tăng giá hơn 46%

Ba tháng đầu năm 2022, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) ghi nhận doanh thu 3.770 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ đóng góp từ các hợp đồng EPC được ký kết trong nửa cuối 2021.

Lợi nhuận gộp chỉ tăng 7,8% so với quý I/2021 do các dự án này đang trong giai đoạn đầu. Cùng với chi phí quản lý doanh nghiệp giảm, thu nhập từ công ty liên kết tăng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 216 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ.

Trước đó trong quý IV/2021, PVS không có thu nhập từ công ty liên kết, thậm chí còn âm do doanh nghiệp ghi nhận chi phí dự phòng cho FPSO Lam Sơn vì chưa chốt được hợp đồng gia hạn sau ngày 30/06/2022.

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect (VND), giá dầu cao như hiện nay sẽ là điều kiện lý tưởng để PVS đàm phán gia hạn hợp đồng cho FPSO Lam Sơn cũng như FPSO Ruby, củng cố động lực chính của doanh nghiệp với tốc độ tăng trưởng kép là 24% trong giai đoạn 2022-2023. Đáng chú ý, PVS cũng sẽ tham gia đấu thầu tàu FSO cho dự án Lô B khi dự án được khởi động, và tạo động lực tăng giá tiềm năng cho cổ phiếu trong thời gian tới, theo nhận định của VND.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2022, dù không đề cập đến thời điểm triển khai nhưng PVS kỳ vọng dự án Lô B sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho doanh nghiệp trong những năm tới. PVS cũng đặt mục tiêu mảng điện gió ngoài khơi sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn, trong đó doanh nghiệp sẽ tham gia với tư cách vừa là chủ đầu tư vừa là nhà thầu EPC.

Trong năm 2022, PVS đặt kế hoạch thận trọng với doanh thu là 10.000 tỷ đồng (giảm 30% so với kết quả năm trước) và lợi nhuận sau thuế là 488 tỷ đồng (giảm 28%). VND tin rằng PVS sẽ dễ dàng vượt kế hoạch này và có thể đạt mức tăng trưởng kép lợi nhuận ròng là 26,7% trong các năm 2022-2024, nhờ đóng góp vững chắc của các liên doanh FSO/FPSO, và triển vọng được cải thiện của mảng M&C từ năm 2022. Ngoài ra, PVS dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 8% và 7% mệnh giá cho năm 2021-2022.

Nhìn chung, theo sau đà tăng giá dầu, PVS bắt đầu cho thấy sự phục hồi trong các hoạt động kinh doanh cốt lõi, phản ánh qua kết quả kinh doanh quý I khả quan và những diễn biến thuận lợi ở mảng M&C. VND cho rằng đợt điều chỉnh hiện tại của thị trường đã đưa cổ phiếu PVS trở lại vùng giá hấp dẫn.

Chính vì vậy, VND nâng khuyến nghị lên khả quan với giá mục tiêu không đổi là 35.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn 46% so với thị giá hiện tại. Rủi ro giảm giá bao gồm sự sụt giảm giá dầu và sự chậm trễ trong việc trao thầu các dự án lớn.

Tin mới lên