Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (10/5): MSN, DGC và TCB

Tân Mai - 10/05/2022 07:41 (GMT+7)

(VNF) - Năm 2022, PHS dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của MSN sẽ diễn biến đối lập với 104.117 tỷ đồng và 8.969 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và giảm 11% so với thực hiện năm 2021.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (10/5): MSN, DGC và TCB

PHS: Khuyến nghị mua cổ phiếu MSN

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) ghi nhận doanh thu thuần 18.189 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái, do hao hụt doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, nhờ cải thiện lợi nhuận của Crown X, lợi nhuận sau thuế vẫn tăng gấp hơn 5 lần lên 1.895 tỷ đồng.

Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành khoảng 20% kế hoạch doanh thu và khoảng 30% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, năm 2022, MSN đề ra 3 mục tiêu chính, đó là nhân rộng mô hình mini mall - mua sắm tất cả trong một cửa hàng (tích hợp WinCommerce, Phano, Techcombank và Phúc Long), giúp tăng trải nghiệm của người tiêu dùng; chiếm lĩnh 40-50% thị phần xung quanh khu vực cửa hàng mini-mall, sau đó, tăng độ phủ mô hình mini mall, ít nhất phải được 50% số lượng cửa hàng WinCommerce+ hiện hữu, xa hơn là lộ trình hướng đến tỷ lệ 100%;

Đồng thời, hợp tác với Trusting social - ứng dụng công nghệ trong tiêu dùng công nghệ. Trước đó, MSN đã mua 25% cổ phần Trusting Social với giá xấp xỉ 65 triệu USD để ứng dụng Al trong việc mở mới cửa hàng, qua đó giúp cửa hàng mở mới thành công hơn, đạt điểm hòa vốn đến nhanh hơn và hỗ trợ người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận các giải pháp tài chính linh hoạt.

Ban lãnh đạo MSN cho biết, giai đoạn 2023-2024, doanh nghiệp dự kiến IPO Crown X - nền tảng thành lập dựa trên sáp nhập MCH và WinCommerce) trên sàn chứng khoán New York, Hong Kong, Singapore hoặc Việt Nam.

Đối với MCH, MSN cho hay sẽ có nhiều ngành hàng mới tung ra thị trường trong năm nay. Mặt khác trong khi giá nguyên vật liệu tăng mạnh từ đầu năm, biên lợi nhuận gộp của MCH dự báo không ảnh hưởng nhiều, vẫn duy trì ở mức 42%.

Trong khi đó, MML sẽ tập trung vào mảng thịt mát, doanh thu nhiều khả năng sẽ tăng mạnh trong năm 2022 nhờ mở rộng danh mục sản phẩm và gia tăng các kênh phân phối. Doanh nghiệp đang nỗ lực để cải thiện biên lãi gộp mảng thịt heo sau khi chỉ tiêu này ở quý I đã chưa đạt kỳ vọng, đồng thời đầu tư gia tăng công suất, phát triển các dòng sản phẩm giá trị cao ở mảng thịt gà.

Về Phúc Long, điểm nổi bật là lợi nhuận gộp trong quý I đạt tới 68,6% và đóng góp gần 4% lợi nhuận gộp cho MSN. Dự kiến năm nay doanh nghiệp sẽ mở mới 100 cửa hàng flagship, 400 kiosk tại các điểm bán của WinCommerce giúp Phúc Long tiếp tục chiếm lĩnh vị thế dẫn đầu tại các thành phố lớn cũng như đẩy nhanh việc mở kiosk tại đô thị loại 2.

PHS dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2022 của MSN là 104.117 tỷ đồng (tăng 17% so với thực hiện năm ngoái) và 8.969 tỷ đồng, giảm 11%. Bằng phương pháp SOTP đối với giá trị vốn chủ sở hữu đóng góp của các công ty con như MCH, MML, MHT, WCM, Reddi, Phúc Long và công ty liên kết Techcombank, PHS đưa ra giá trị hợp lý của MSN khoảng 164.800 đồng/cổ phiếu (sau chia tách), từ đó khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.

VCSC: Khuyến nghị mua DGC với giá mục tiêu 224.000 đồng/cổ phiếu

Quý I, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) ghi nhận 3.600 tỷ đồng doanh thu và 1.300 tỷ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt tăng 86% và 370% so với cùng kỳ năm trước. Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu do giá bán cao kỷ lục và tiết kiệm chi phí từ mỏ quặng apatit của DGC.

Tính từ đầu năm, giá photpho vàng (P4) do các nhà sản xuất Việt Nam đã tăng từ 7.000 USD/tấn lên 7.500 USD/tấn, tăng mạnh so với mức bình quân giai đoạn 2016-2020 là 2.500 USD/tấn. VCSC nhận định, giá P4 của Việt Nam cao do chi phí sản xuất mặt hàng này của Trung Quốc tăng và nhu cầu bùng nổ từ lĩnh vực xe điện ở Trung Quốc.

Bên cạnh đó, thuế xuất khẩu P4 của Trung Quốc là 20% trong khi của Việt Nam là 5%; tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng của các đối thủ cạnh tranh Kazakhstan trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine; các nhà sản xuất trong nước đã có năng lực thương lượng mạnh hơn, trong bối cảnh trên vì Việt Nam thường chiếm một nửa lượng P4 xuất khẩu trên toàn cầu.

Ngoài ra, giá Axit photphoric trích ly (WPA) cũng đã tăng từ 665 USD/tấn lên 900 USD/tấn (hàm lượng P2O5 50%) so với đầu năm do thị trường phân bón toàn cầu thắt chặt trong bối cảnh xung đột quân sự và các hạn chế thương mại.

Tuy nhiên, VCSC vẫn giữ quan điểm rằng giá bán của DGC sẽ điều chỉnh giảm vào năm 2023. Quan điểm của VCSC thể hiện, thứ nhất, Trung Quốc đang nới lỏng các hạn chế đối với sản xuất P4 trong bối cảnh nhu cầu bùng nổ từ ngành công nghiệp xe điện, điều này có thể làm giảm bớt tình trạng thiếu cung hiện nay. 

Thứ hai, giá đầu vào có thể giảm khi chuỗi cung toàn cầu ổn định. Cuối cùng, giá phân bón cao kỷ lục hiện nay có thể ảnh hưởng nhu cầu tiêu thụ.

Trên thị trường, hiện VCSC khuyến nghị các nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu DGC với giá mục tiêu 224.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 4,2% so với giá đóng cửa phiên 9/5.

KBSV: Khuyến nghị mua dành cho TCB, triển vọng tăng giá 70%

Công ty Chứng khoán KB (KBSV) cho biết, kết thúc quý I, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 8.111 tỷ đồng (tăng 12% so với quý liền kề và tăng 32,4% so với cùng kỳ), thu nhập ngoài lãi đạt 2.000 tỷ đồng (giảm 31,4% quý liền kề và giảm 28,8% cùng kỳ).

Chi phí dự phòng trong quý chỉ khoảng 218 tỷ đồng, giảm mạnh 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế đạt 6.785 tỷ đồng, tăng gần 23% so với quý I/2021 và tăng 10,5% so với quý IV/2021.

Lợi suất đầu ra bình quân quý vừa qua có dấu hiệu hồi phục khi tăng 36 điểm cơ bản so với liền liền trước, đạt 7,65% nhờ lợi suất các khoản đầu tư chứng khoán cải thiện, lợi suất bình quân từ hoạt động cho vay vẫn giảm nhẹ do ngân hàng hạn chế giải ngân vào lĩnh vực bất động sản.

Trong khi đó, lãi suất đầu vào bình quân chỉ tăng nhẹ 14 điểm cơ bản so với quý IV/2021, đạt 2,15%. Biên lãi thuần quý I cũng tiếp tục cải thiện 26 điểm so với quý liền kề lên mức 5,9%.

Quý I, tăng trưởng cho vay khách hàng ở mức 5,3% so với thời điểm đầu năm, trong khi hoạt động đầu tư trái phiếu tiếp tục được đẩy mạnh, tăng 23,7% sau ba tháng, kéo theo đó tín dụng tăng 9,3%. Huy động từ thị trường liên ngân hàng tăng mạnh 22,7% so với đầu năm, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá lần lượt tăng nhẹ ở mức 4,5% và 2,8% so với đầu năm.

Tỷ lệ nợ xấu gần như không tăng so với cuối năm 2021, đạt 0,67%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu chỉ giảm nhẹ 2 điểm phần trăm xuống 160,8%, vẫn ở mức cao so với ngành. Nợ tái cơ cấu tiếp tục giảm 300 tỷ đồng xuống còn 1,600 tỷ đồng (chiếm 0,5% tổng dư nợ).

Dự kiến, hoạt động cho vay bất động sản của TCB vẫn còn đang rất hạn chế trong quý II. Do đó, ngân hàng sẽ đẩy mạnh giải ngân vào nửa cuối năm để bù đắp cho 6 tháng đầu năm nhờ các dự án của Vinhomes và Masterise đã bắt đầu mở bán.

Sử dụng 2 phương pháp định giá P/B và Chiết khấu lợi nhuận thặng dư, KBSV đưa ra mức giá mục tiêu cho năm 2022 của cổ phiếu TCB là 65.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 70% so với thị giá hiện tại. Từ đó khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.

Cùng chuyên mục
Tin khác