Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (14/1): VCB, HCM và VIB

(VNF) - Yuanta cho biết VCB đang là ngân hàng có tỷ lệ LLR cao nhất ngành, cho phép linh hoạt hơn trong việc giảm dự phòng để thúc đẩy lợi nhuận ngắn hạn, đồng thời sở hữu chất lượng tài sản rất tốt với nền tảng vốn mạnh. Bởi vậy Yuanta cho rằng VCB xứng đáng với mức định giá cao hơn hiện tại và khuyến nghị nhà đầu tư có thể xem xét mua vào cổ phiếu này.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (14/1): VCB, HCM và VIB

Yuanta cho biết VCB đang là ngân hàng có tỷ lệ LLR cao nhất ngành.

Yuanta: Khuyến nghị mua dành cho VCB

Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) cho biết ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2021. Trước đó, VCB đặt mục tiêu lãi trước thuế năm 2021 là 25.600 tỷ đồng (tăng 11% so với thực hiện năm 2020).

Như vậy, lợi nhuận trước thuế trong quý IV/2021 ước đạt khoảng 6.300 tỷ đồng, tăng 10% so với quý liền kề, song giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, VCB công bố ROA của ngân hàng ở mức 1,55% và ROE đạt 20,8% năm 2021. Dư nợ cho vay tính đến hết năm 2021 tăng 15% so với năm trước, đạt 964.000 tỷ đồng; huy động tăng 9,5% cùng kỳ, đạt 1.154.000 tỷ đồng.

Ngân hàng báo cáo thu nhập phí ròng sơ bộ tăng 12,4% so với năm trước, tương ứng đạt khoảng 7.400 tỷ đồng. Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) ước tính thu nhập lãi ròng quý IV/2021 của VCB đạt 2.400 tỷ đồng, tăng 116% so với quý III/2021 nhưng giảm 21% so với quý IV/2020.

Đáng chú ý, VCB công bố đã trích lập đủ dự phòng cụ thể cho toàn bộ khoản nợ tái cơ cấu trong năm 2021, sớm hơn 2 năm so với thời hạn quy định của Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của VCB vẫn đang ở mức cao nhất ngành, đạt khoảng 424%.

Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của VCB chỉ đạt 0,63% (giảm 53 điểm cơ bản so với quý III) trong quý IV; tỷ lệ nợ nhóm 2 (SML) giảm và chỉ còn chiếm 0,34% tổng dư nợ cho vay (giảm 33 điểm cơ bản so với quý III).

Tỷ lệ CASA bình quân là 32,2% tính đến cuối quý IV/2021 (tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái). Ngân hàng công bố sẽ miễn toàn bộ phí giao dịch và phí duy trì dịch vụ trên nền tảng VCB Digibank, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/01/2022.

Yuanta nhận định VCB vẫn tiếp tục duy trì chính sách thận trọng với tỷ lệ LLR cao nhất ngành. Như đã đề cập trước đó, tỷ lệ LLR cao cho phép ngân hàng có thể linh hoạt trong việc giảm dự phòng và từ đó thúc đẩy lợi nhuận trong năm 2022. Mặt khác, chất lượng tài sản của VCB vẫn giữ vững khi tỷ lệ NPL giảm thấp hơn trong quý IV/2021.

Yuanta kỳ vọng tỷ lệ CASA sẽ tăng lên sau khi VCB áp dụng chính sách không thu phí phí đối với khách hàng giao dịch trên VCB Digibank. Cổ phiếu VCB đang giao dịch tương ứng với P/B dự phóng 2022 là 2,5 lần, so với trung vị ngành là 1,6 lần.

Yuanta tiếp tục xem VCB là ngân hàng có chất lượng tốt nhất tại Việt Nam và tin rằng VCB xứng đáng với mức định giá cao hơn so với trung bình ngành. Từ đó, khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu này.

FPTS: Khuyến nghị mua đối với HCM

Ngày 20/12/2021, Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HoSE: HCM) đã ký hợp đồng vay hợp vốn tín chấp trị giá 104 triệu USD (tương đương 2,374 tỷ đồng) với nhóm 12 định chế tài chính Đài Loan, đứng đầu là Ngân hàng Cathay United Bank (CUB).

Đây là khoản vay có giá trị lớn nhất của HCM đến thời điểm hiện tại với các định chế tài chính Đài Loan, trước đó, HCM đã có 2 lần ký kết khoản vay lần lượt là 50 triệu USD và 44 triệu USD với nhóm này.

Khoản vay tín chấp này có hạn mức 3 năm, vốn thu về chủ yếu sẽ được HCM phân bổ cho các hoạt động kinh doanh. Đây là nguồn lực rất lớn giúp HCM đa dạng cơ cấu tài chính và cân đối các hạn mức tín dụng với chi phí tối ưu.

Về hoạt động kinh doanh, lũy kế 9 tháng năm 2021, HCM ghi nhận doanh thu thuần 2.411 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 90% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đạt 1.151 tỷ đồng, tăng 135% so với cùng kỳ năm 2020, hoàn thành 96% kế hoạch cả năm 2021.

Thu nhập trên một cổ phiếu (EPS) đạt 3.027 đồng/cổ phiếu. Hệ số thu nhập trên tổng tài sản (ROA) và hệ số thu nhập trên vốn cổ phần (ROE) lượt đạt 5,9% và 19,3%.

Trên thị trường, Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cho biết cổ phiếu HCM đang duy trì biến động trên kênh xu thế trung hạn, bảo toàn các tiêu chí về xu hướng và xung lực tăng giá.

Trên đồ thị EOD, cổ phiếu ghi nhận mô hình biểu đồ có dạng “lá cờ”; cặp chỉ báo EMA 20 và 60 phiên được củng cố vai trò hỗ trợ, chỉ báo xung lực dẫn chiếu biến động cổ phiếu trong giai đoạn tích lũy.

Mục tiêu cho đà tăng mở rộng xu hướng sau khi tín hiệu bứt phá kích hoạt được xác định tại mốc giá 57.740 đồng/cổ phiếu, tương ứng mục tiêu Fibonacci Extension 127,2%.

FPTS nhận xét, cổ phiếu ngành chứng khoán là điểm sáng trong những phiên giao dịch khép lại diễn biến tháng 12/2021. Thanh khoản giao dịch chỉ số ngành mở rộng, độ rộng thị trường nghiêng về số cổ phiếu tăng trong 5 phiên giao dịch gần nhất.

Trong điều kiện các tín hiệu chỉ báo xu hướng và xung lực đang phản ánh trạng thái tích cực, nền giá mới thiết lập của HCM được để ngỏ sẽ thu hút sự chú ý của dòng tiền thị trường trong thời gian tới. Nhà đầu tư được khuyến nghị mua cổ phiếu HCM cho các vị thế ngắn hạn.

Yuanta: Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu VIB

Yuanta cho biết, mức sector rating của nhóm ngân hàng đạt mức 68 điểm cho thấy mức xếp hạng tăng trưởng của nhóm cổ phiếu này là trung tính. Điểm tích cực là sức mạnh giá của nhóm ngân hàng đã hồi phục, tuy nhiên vẫn ở mức thấp.

Mới đây, chỉ số nhóm ngân hàng đóng cửa tăng 3,5% và đồ thị giá tiến về gần mức đỉnh tháng 11/2021. Đồng thời, đồ thị giá của chỉ số nhóm ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực, đặc biệt xu hướng ngắn hạn vẫn duy trì ở mức tăng cho nên Yuanta đánh giá cao đồ thị giá có thể sẽ vượt được mức đỉnh tháng 11/2021.

Do đó, công ty chứng khoán này khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể chú ý vào nhóm cổ phiếu này.

Bên cạnh đó, Yuanta cũng khuyến nghị nhà đầu tư có thể tiếp tục mua và nắm giữ với mức cắt lỗ ngắn hạn là 44.220 đồng/cổ phiếu dành cho VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam. Yuanta đánh giá rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy đồ thị giá có thể sẽ vượt được mức kháng cự ngắn hạn 48.850 đồng/cổ phiếu.

Gộp chung 3 quý đầu năm, VIB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 10.389 tỷ đồng và 5.339 tỷ đồng, cùng tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến 30/9/2021, tổng tài sản VIB ghi nhận hơn 285.000 tỷ đồng, tăng 16,5% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt gần 190.000 tỷ đồng, tăng 10,8%. Mảng bán lẻ tiếp tục đóng góp trên 85% danh mục cho vay của ngân hàng.

Sau 9 tháng, huy động tiền gửi từ khách hàng của ngân hàng đạt hơn 170.500 tỷ đồng, tăng 13,5%, trong đó tiền gửi không kỳ hạn tăng gần 20%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 2,12%.

Năm 2021, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 7.500 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng ở mức 31% so với hồi đầu năm. Như vậy, ngân hàng đã hoàn thành 71% kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng.

Yuanta dự báo, ở giai đoạn cuối năm, VIB sẽ tiếp tục có tăng trưởng lợi nhuận tốt, tuy nhiên mức tăng trưởng sẽ không cao như trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và việc giảm lãi suất sẽ tác động tiêu cực tới biên lãi ròng (NIM). Do đó, năm 2021, Yuanta dự phóng lợi nhuận trước thuế của VIB đạt 7.600 tỷ đồng, tăng trưởng 29% thực hiện năm ngoái.

Tin mới lên