(VNF) - Tính đến ngày 30/9/2021, HVN lỗ lũy kế trên 21.200 tỷ đồng, trong khi đó vốn điều lệ thực góp là 22.144 tỷ đồng. Nếu tiếp tục lỗ nặng hơn 1.000 tỷ đồng trong quý IV/2021, doanh nghiệp có khả năng bị hủy niêm yết theo luật chứng khoán sửa đổi vì lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp.
Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh trong quý III/2021, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) ghi nhận doanh thu thuần 4.735 tỷ đồng, giảm gần 38% so với cùng kỳ năm trước. Việc kinh doanh dưới giá vốn khiến hãng hàng không quốc gia lỗ gộp 3.011 tỷ đồng, nặng hơn mức lỗ 2.220 tỷ đồng của quý III/2020.
Hoạt động tài chính của HVN có phần cải thiện hơn. Trong quý III/2021, hãng bay này lãi gần 14 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, trong khi cùng kỳ lỗ 226 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khoản chi phí lại gia tăng, đáng kể nhất là mức tăng gần 44% của chi phí bán hàng.
Kết quả là hãng hàng không quốc gia lỗ ròng 3.367 tỷ đồng trong quý III/2021, lỗ nặng hơn mức 2.932 tỷ đồng của cùng kỳ. Tuy vậy, so với 2 quý trước, khoản lỗ quý III thấp hơn đáng kể.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần 18.880 tỷ đồng và lỗ ròng 11.826 tỷ đồng. Đây là giai đoạn 9 tháng tồi tệ nhất trong lịch sử của hãng hàng không với biểu tượng sen vàng.
Trong quý III, đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu đã giúp HVN có thêm 7.961 tỷ đồng, giúp phần nào cải thiện bức tranh tài chính của doanh nghiệp. Theo đó, vốn chủ sở hữu của hãng bay quốc gia đã dương trở lại, song vẫn ở mức thấp với 1.475 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/9/2021, HVN lỗ lũy kế trên 21.200 tỷ đồng, trong khi đó vốn điều lệ thực góp là 22.144 tỷ đồng. Nếu tiếp tục lỗ nặng hơn 1.000 tỷ đồng trong quý IV/2021, doanh nghiệp có khả năng bị hủy niêm yết theo luật chứng khoán sửa đổi vì lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp.
Nhận định về giá cổ phiếu, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết hiện cổ phiếu HVN đang nằm hình thành xu hướng tích lũy sau khi điều chỉnh về ngưỡng đáy 22.000 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản cổ phiếu duy trì tại ngưỡng giao dịch trung bình 20 phiên, cho thấy cổ phiếu vẫn đang hấp dẫn dòng tiền.
Chỉ báo MACD hướng đến nhịp tích lũy trong khi chỉ báo RSI cho thấy xu hướng hồi phục nhẹ. Đường giá cổ phiếu cũng đang kiểm tra lại ngưỡng MA20 và MA50, cho thấy xu hướng tăng giá đang dần hình thành.
Chính vì vậy, BSC cho rằng nhà đầu tư trung và dài hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng 22.900 đồng/cổ phiếu, chốt lãi tại ngưỡng 25.200 đồng/cổ phiếu và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống ngưỡng 22.000 đồng/cổ phiếu.
Yuanta: Khuyến nghị bán đối với POW
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (HoSE: POW) vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2021 với doanh thu ước tính giảm gần 14% so với năm trước, xuống còn 25.625 tỷ đồng, chủ yếu do sản lượng đầu ra suy giảm.
Theo đó, sản lượng năm 2021 ước giảm 30% còn 14.701 triệu kWh, chỉ hoàn thành 79% kế hoạch sản lượng năm. Ban lãnh đạo cho biết sản lượng huy động thấp hơn dự kiến là do nhu cầu điện sụt giảm bởi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Một nguyên nhân khác là do nguồn cung năng lượng mặt trời được tăng thêm từ năm 2020 nhờ vào chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo.
Lợi nhuận trước thuế năm 2021 của POW dự kiến đạt 2.184 tỷ đồng, giảm 24% so với năm 2020 mặc dù đã ghi nhận khoản thu nhập bất thường trị giá khoảng 306 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm từ việc thoái vốn 51,58% cổ phần của công ty con PVM.
Đáng chú ý, ở quý cuối năm 2021, POW đã lỗ ròng 124 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đó lãi 892 tỷ đồng. Đây là hệ quả của việc nhà máy Vũng Áng gặp sự cố.
Trước đó, POW đã phải đóng cửa nhà máy nhiệt điện Vũng Áng để giải quyết sự cố kỹ thuật vào tháng 9/2021 và theo dự kiến ban đầu sẽ hoàn thành trước ngày 21/10. Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất thì có vẻ doanh nghiệp không thể đưa nhà máy trở lại vận hành như bình thường, cụ thể là tổ máy số 1 (S1) của nhà máy có thể đã ngưng hoạt động kể từ khi các sự cố kỹ thuật xuất hiện hồi tháng 9.
Giai đoạn 9 tháng đầu năm 2021, nhà máy Vũng Áng chiếm 38% tổng doanh thu của POW, vì thế việc đóng cửa nhà máy, mặc dù chỉ là tạm thời, cũng có thể sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sản lượng quý I/2022 và từ đó tác động đến doanh thu.
Yuanta nhận định, giá cổ phiếu của POW đã tăng 53% kể từ tháng 9 mặc dù không có tin tức tích cực nào thúc đẩy giá cổ phiếu; những kỳ vọng về khoản thu nhập bất thường trong quý IV/2021 có lẽ không như kỳ vọng.
Do đó, Yuanta đưa ra khuyến nghị bán đối với POW ở mức giá 13.147 đồng/cổ phiếu, thấp hơn khoảng 24% so với thị giá hiện tại.
MASVN: Khuyến nghị mua dành cho VCG
Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) cho biết, Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HoSE: VCG) là tập đoàn đa ngành với 23 công ty con, 22 công ty liên kết tại nhiều lĩnh vực, bao gồm đầu tư kinh doanh bất động sản, xây lắp công trình, tư vấn - thiết kế, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu.
Trong năm 2021, kể từ quý II, VCG tăng nhanh nợ vay khi lượng nợ vay trái phiếu ở mức 5.340 tỷ đồng với lãi suất dao động từ 8,5% - 10,5%/năm (có thế chấp tài sản để tài trợ cho các dự án lớn đang triển khai).
Kết quả kinh doanh cũng khá ảm đạm, với doanh thu 9 tháng đạt 3.610 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 272 tỷ đồng, lần lượt giảm 6,5% và 81% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, mảng xây dựng doanh thu tương đương cùng kỳ; doanh thu sản xuất công nghiệp tăng 10% cùng kỳ; ngược chiều, mảng kinh doanh bất động sản cùng cho thuê dịch vụ khác lần lượt giảm 19,3% và 28% do ảnh hưởng mùa dịch.
VCG đang sở hữu quỹ đất gần 2.000 ha và mục tiêu gia tăng quỹ đất lên 5.000 ha vào năm 2025. Doanh nghiệp đã và đang thực hiện một số dự án tiêu biểu, chẳng hạn như một số gói thầu xây dựng mới Quốc lộ 45 – Nghi Sơn; gói thầu XL-03 và XL-05; cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn II; nhà ga hàng khách T2 – cảng hàng không quốc tế Phú Bài.
VCG còn là chủ đầu tư dự án khu đô thị du lịch Cái Giá, Cát Bà - Cát Bà Amatina, Hải Phòng có quy mô 172ha, tổng mức đầu tư 600 triệu USD. Trong năm nay, 2.200 tỷ đồng trái phiếu đã được VCG huy động để hỗ trợ riêng dự án này. Đây cũng là một trong những dự án quan trọng của VCG trong những năm tới.
Ngoài ra là dự án khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ (Hà Nội) với quy mô 11.727m2, 30 tầng nổi và 3 tầng hầm; tổ hợp văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp Green Diamond tại Láng Hạ (Hà Nội) đã đem về doanh thu cho VCG từ năm 2021.
Năm 2021, MASVN dự báo doanh thu thuần và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 5.620 tỷ đồng và 338 tỷ đồng, tăng 1,2% và giảm 79% so với năm 2020. Năm 2022, dự phóng doanh thu và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 10.121 tỷ đồng và 723 tỷ đồng, tăng 80% và 114% cùng kỳ.
MASVN giả định, năm 2022, mảng xây lắp đạt 5.990 tỷ đồng doanh thu, tăng 85,4% nhờ sự tăng tốc tại nhiều dự án đầu tư công; mảng bất động sản đạt 1.750 tỷ đồng, có đóng góp lớn từ dự án Green Diamond; chi phí lãi vay lên đến 958 tỷ đồng, tăng 119% cùng kỳ chủ yếu từ lãi vay nguồn trái phiếu mới phát hành năm 2021.
Trong dài hạn, động lực tăng trưởng của VCG tới từ quỹ đất lớn tại nhiều vị trí thuận lợi; chính sách tăng tốc đầu tư công của Chính phủ trong những năm tới; tiềm lực mạnh cho chiến lược dài hạn. MASVN đang khuyến nghị mua dành cho VCG với giá mục tiêu 57.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng kỳ vọng tăng 21% so với giá đóng cửa phiên 17/1.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.