Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (5/1): STB, TPB và FPT

Hải Đường - 05/01/2023 07:51 (GMT+7)

(VNF) - SSI cho rằng các khoản cho vay bán lẻ (đặc biệt là cho vay hộ gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ) sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho STB trong năm 2023. Cùng với bảng cân đối kế toán hài hòa và hệ số LDR duy trì ở mức hợp lý, áp lực về chênh lệch lãi suất sẽ không lớn như tại các ngân hàng tập trung vào phân khúc bán buôn.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (5/1): STB, TPB và FPT

STB: SSI khuyến nghị mua với giá mục tiêu 29.500 đồng/cổ phiếu

Theo Công ty Chứng khoán SSI, việc xử lý thành công các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng còn lại chính là động lực chính giúp thu nhập lãi thuần và NIM của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (HoSE: STB) tăng lần lượt 74% và 176 điểm cơ bản so với cùng kỳ trong quý III/2022. Thành tích này cũng giúp tổng thu nhập hoạt động của STB tăng 68% so với cùng kỳ, đạt con số xấp xỉ 7 nghìn tỷ đồng trong quý III/2022.

Mặc dù STB tích cực trích lập dự phòng gần gấp ba lần so với quý III/2021 (khoảng 2,4 nghìn tỷ đồng), nhưng ngân hàng vẫn duy trì được tăng trưởng, với lợi nhuận cốt lõi tăng 85,8% so với cùng kỳ (đạt 1,5 nghìn tỷ đồng). Thanh khoản cũng được duy trì tốt với hệ số LDR thuần là 86,8%. Chất lượng tài sản cải thiện mạnh nhất kể từ khi nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam, trong đó tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh xuống 0,9%.

Đối với năm 2022, với việc mở rộng NIM bắt đầu từ quý III/2022, cùng với việc hạn mức tăng trưởng tín dụng tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước nới rộng trong quý IV, lợi nhuận sau thuế trong quý IV/2022 cho thấy triển vọng tích cực. Do đó, SSI ước tính STB sẽ đạt lợi nhuận trước thuế là 6,3 nghìn tỷ đồng (tăng 43% so với cùng kỳ) cho năm 2022, nhờ tăng trưởng tín dụng khá cao là 13% so với đầu năm.

NIM dự báo đạt 3,53% (tăng 83 điểm cơ bản so với cùng kỳ) và tốc độ tăng trưởng vượt bậc của thu nhập phí thuần do ghi nhận 1,5 nghìn tỷ đồng phí bancassurance trả trước. Trong khi đó, thu nhập khác (đặc biệt là từ việc bán Khu công nghiệp Sóng Thần & Tân Kim) cũng sẽ đóng góp nhiều cho STB và dòng thu nhập của ngân hàng.

Tuy nhiên, SSI cho rằng khả năng trả nợ của khách hàng có thể bị ảnh hưởng trong bối cảnh lãi suất tăng, cũng như việc Thông tư 14 hết hiệu lực. Tỷ lệ nợ xấu dự báo ở mức 1,3 - 1,4% vào cuối năm 2022.

Đối với năm 2023, tăng trưởng tín dụng và huy động dự kiến đạt 12%. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức hợp lý 1,5 - 1,6% do SSI vẫn giữ quan điểm thận trọng về triển vọng vĩ mô năm 2023.

SSI dự báo NIM của STB ở mức 4,2 - 4,3% trong năm 2023 do không còn phải trích lập dự phòng lãi dự thu. Theo quan sát của SSI , lãi suất huy động đã trở lại mức trước Covid. Điều này sẽ gây ra gánh nặng cho một số ngân hàng với chi phí huy động cao hơn vào năm 2023.

Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cho rằng các khoản cho vay bán lẻ (đặc biệt là cho vay hộ gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ) sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho STB trong năm 2023. Cùng với bảng cân đối kế toán hài hòa và hệ số LDR duy trì ở mức hợp lý, áp lực về chênh lệch lãi suất sẽ không lớn như tại các ngân hàng tập trung vào phân khúc bán buôn.

STB sẽ tiếp tục xử lý dứt điểm dư nợ trái phiếu VAMC còn lại trong thời gian tới từ năm 2023. Có 2 tài sản bảo đảm có tính chất quyết định trong việc xử lý tài sản có vấn đề của STB (là cổ phiếu STB cầm cố tại VAMC và Khu công nghiệp Phong Phú). Giá trị của các tài sản này dao động trong khoảng 26 – 27 nghìn tỷ đồng, đủ để xử lý khoản tài sản có vấn đề còn lại.

Trong khi đó, STB đang tiếp tục rao bán khoản nợ liên quan đến Khu công nghiệp Phong Phú. Tổng giá trị khoản nợ gộp đã bán cho VAMC và được VAMC ủy quyền bán là 16.196 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 5,1 nghìn tỷ đồng và lãi dự thu là 11 nghìn tỷ đồng. Sau nhiều vòng đấu giá, giá khởi điểm tính đến tháng 12/2022 giảm xuống còn gần 7,9 nghìn tỷ đồng, rất gần với số nợ gốc.

SSI nâng khuyến nghị đối với cổ phiếu STB lên mua, với giá mục tiêu 1 năm mới là 29.500 đồng/cổ phiếu (tương ứng với tiềm năng tăng giá là 25%).

TPB: PHS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 34.000 đồng/cổ phiếu

Kết thúc 9 tháng năm 2022, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) tăng trưởng 21% so với cùng kỳ (là tốc độ tăng trưởng 9 tháng năm thấp nhất trong 5 năm qua) lên 8.607 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của TPB trong 9 tháng năm 2022 tăng trưởng 35% so với cùng kỳ và đạt 4.741 tỷ đồng.

NIM của TPB cải thiện 2 điểm cơ bản so với cuối năm 2021 lên 4,38%, thuộc top 8 ngân hàng có NIM cao nhất toàn ngành. Dù vậy, NIM của TPB đang trong xu hướng thu hẹp từ quý I/2022 (4,44%).

Tín dụng của TPB tăng trưởng 11,7% so với thời điểm đầu năm, chỉ tăng 70 so với cuối quý I/2022. Chất lượng tài sản giảm so với cuối năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu của TPB đạt 0,91% vào cuối 9 tháng năm 2022, tăng 9 điểm cơ bản so với cuối năm 2021, trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu trong 9 tháng năm 2022 của TPB đạt 142%, giảm so với mức 152% vào cuối năm 2021.

Theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), chiến lược chuyển đổi số toàn diện gia tăng lợi thế cạnh tranh cho TPB. Theo đó, TPB đã chuyển đổi số tất cả các mảng hoạt động một cách toàn diện và chuyên sâu góp phần giúp tổng tài sản đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm (CAGR) trong giai đoạn 2018-2021 là 29%.

PHS cho rằng TPB đang trên đà tăng trưởng nhờ chiến lược kinh doanh hiệu quả. Khả năng cải thiện NIM (2,3% trong năm 2015 lên 4,36% trong năm 2021) được hỗ trợ bởi định hướng chiến lược tập trung cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và số hóa ngân hàng trong nhiều năm qua.

Do hơn 60% dư nợ cho vay của TPB tập trung mảng bán lẻ và hơn 12% tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng năm 2022 là trái phiếu doanh nghiệp, nên PHS ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2023 của TPB đạt 15,8%. PHS cho rằng xu hướng tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục trong nửa đầu năm 2023, tạo nên áp lực huy động vốn cho ngân hàng.

Đồng thời, việc thực hiện theo lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay sẽ gây áp lực đến NIM của ngân hàng trong năm 2023. Qua đó, PHS ước tính NIM của TPB đạt 3,94%, giảm 16 điểm cơ bản so với năm 2022. Lãi suất gia tăng sẽ gây áp lực đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp, hơn nữa năm 2023 nhu cầu từ nhiều ngành tăng trưởng chậm lại do lạm phát và tác động của nhu cầu thế giới, PHS ước tính tỷ lệ nợ xấu của TPB đạt 1,15% trong năm 2023 và chi phí trích lập dự phòng năm 2023 của TPB tăng 20,1% so với cùng kỳ lên 2.965 tỷ đồng.

Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư (Residual Income) và P/B, PHS xác định giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu TPB là 34.000 đồng/cổ phiếu, khuyến nghị mua.

FPT: ACBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 96.238 đồng/cổ phiếu

Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) công bố doanh thu thuần 9 tháng năm 2022 đạt 30.975 tỷ đồng, tăng 24,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế đạt 5.665 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tương ứng trong 11 tháng năm 2022 đạt 23,4% và 22,5%.

Mảng dịch vụ công nghệ thông tin thị trường nước ngoài ghi nhận doanh thu tăng 29,4% trong 9 tháng và 31% so với cùng kỳ trong 11 tháng năm 2022. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2022 tăng 27,6% so với cùng kỳ, với biên lợi nhuận trước thuế đạt 16,5%, tương tự như 9 tháng năm 2021.

Hầu hết các thị trường ghi nhận mức tăng trưởng cao, như Mỹ (tăng 42,4% trong 9 tháng, tăng 48,6% trong 11 tháng), châu Á-TBD (tăng 56,4% trong 9 tháng, tăng 47,3% trong 11 tháng), châu Âu (tăng 23,4% trong 9 tháng năm ).

Với tăng trưởng doanh thu ký mới khả quan (tăng 42,6% so với cùng kỳ trong 9 tháng và 37,1% trong 11 tháng 2022), FPT có khả năng đạt được mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin thị trường nước ngoài trong 2023, từ mức khoảng 800 triệu USD hiện tại.

Doanh thu dịch vụ chuyển đổi số tăng 34% trong 9 tháng và 27% so với cùng kỳ trong 11 tháng 2022, chiếm 38% doanh thu của mảng dịch vụ công nghệ thông tin thị trường nước ngoài. FPT nhấn mạnh vào các công nghệ như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI)/phân tích dữ liệu, low code,...

Hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin thị trường trong nước ghi nhận doanh thu tăng 11,8% trong 9 tháng và 2,7% so với cùng kỳ trong 11 tháng 2022. Kết quả này phần lớn do khu vực ngân hàng và bất động sản tăng trưởng chậm do gặp nhiều khó khăn và tình hình tăng trưởng tín dụng hạn chế trong thời gian qua.

Ngoài lĩnh vực ngân hàng và bất động sản chiếm 40% doanh thu của hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin trong nước, các nhóm khách hàng quan trọng khác bao gồm các doanh nghiệp trong danh sách VNR500 (chiếm 40% doanh thu) và khu vực công (20%).

Mặc dù triển vọng của mảng hoạt động này có thể được thúc đẩy bởi hai nhóm còn lại do hoạt động chuyển đổi số trở nên sôi động hơn trong những năm gần đây không chỉ ở các doanh nghiệp mà cả khu vực công, tuy nhiên, tình hình khó khăn của lĩnh vực bất động sản và bức tranh kinh tế không thuận lợi được dự đoán sẽ kéo dài trong nửa đầu năm 2023 và có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của mảng hoạt động này. Công ty Chứng khoán Á Châu (ACBS) giả định mảng dịch vụ công nghệ thông tin trong nước có thể chỉ tăng một chữ số thấp trong năm 2023.

Doanh thu và lợi nhuận trước thuế của mảng dịch vụ viễn thông của FPT trong 9 tháng năm 2022 lần lượt tăng 16,1% và 20,5% so với cùng kỳ, đạt 10.243 tỷ đồng và 1.928 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của dịch vụ băng thông rộng tăng 9,3%so với cùng kỳ trong khi các hoạt động khác tăng 25,1% so với cùng kỳ.

Biên lợi nhuận trước thuế của toàn bộ mảng dịch vụ viễn thông đạt 18,8% so với 18,1% trong 9 tháng năm 2021 nhờ tăng trưởng lợi nhuận của dịch vụ Pay TV. Dịch vụ này đóng góp khoảng 22% vào doanh thu dịch vụ viễn thông trong 9 tháng năm 2022 và có biên lợi nhuận trước thuế 12-13%, có thể tăng lên 16-17% sau khi tăng quảng cáo và nội dung phát sóng.

Trong năm 2023, ACBS cho rằng mảng dịch vụ viễn thông có thể tiếp tục được đóng góp chính bởi các dịch vụ băng thông rộng, mặc dù tốc độ tăng trưởng có thể không gây chú ý vì tiềm năng tăng trưởng của thị trường không còn nhiều, trong khi các dịch vụ còn lại có thể tìm kiếm mức tăng trưởng hai chữ số hấp dẫn.

Hoạt động giáo dục tiếp tục tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ 47%, đạt 3.104 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2022. FPT định hướng tiếp tục mở rộng hoạt động theo cả chiều dọc (mở các khóa đào tạo mới) và chiều ngang (mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc) theo mô hình cơ sở giáo dục lớn, đầu tư thêm cho hệ thống campus, trường học cho nhiều cấp học.

Tóm lại, cho cả năm 2022, ACBS dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của FPT là 43.883 tỷ đồng (tăng 23,1% so với cùng kỳ) và 7.759 tỷ đồng (tăng 22,4% so với cùng kỳ). Dự phóng tăng trưởng tương ứng cho 2023 là 17,8% và 18,2% so với cùng kỳ dựa trên đà tăng trưởng của các mảng hoạt động chính trong khi triển vọng của mảng dịch vụ công nghệ thông tin trong nước kém lạc quan.

Sử dụng phương pháp SOTP (cụ thể là sử dụng phương pháp P/E cho Synnex FPT, DCF kết hợp EV/doanh thu cho FRT và DCF kết hợp P/E cho phần còn lại của FPT), giá mục tiêu của ACBS cho cổ phiếu là 96.238 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức sinh lời 27,7% vào cuối năm.

Cùng chuyên mục
Tin khác