Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (7/7): GAS, BSR và GMD

Tân Mai - 07/07/2022 07:08 (GMT+7)

(VNF) - Trong năm 2022, với kịch bản giá dầu Brent trung bình năm 2022 đạt 90 USD/thùng, TPS dự báo doanh thu của GAS đạt 101.028 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 12.379 tỷ đồng, lần lượt tăng 28% và 43% so với năm trước. EPS tương ứng đạt 6.336 đồng/cổ phiếu.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (7/7): GAS, BSR và GMD

TPS: Khuyến nghị mua GAS với giá mục tiêu 122.100 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết, chuỗi điện khí Lô B - Ô Môn dự kiến sẽ có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào tháng 7/2022, tạo tiền đề cho toàn chuỗi dự án Lô B - Ô Môn khởi công vào cuối năm 2022 và kỳ vọng đón dòng khí đầu tiên vào 2025.

Trước diễn biến tích cực trên, TPS hy vọng dự án Lô B - Ô Môn sẽ đóng góp tăng trưởng lớn cho Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (HoSE: GAS) trong tương lai.

Ngoài ra, dự kiến mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2B sẽ hoạt động vào năm 2024 với sản lượng khí hàng năm đạt 2 tỷ m3 trong vòng 10 năm.

Trước đó, dòng khí đầu tiên của mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2A đã vào bờ ngày 18/6/2021 bao gồm 3 giếng với tổng trữ lượng khí là 5.5 tỷ m3 và 63 triệu thùng condensate sẽ được khai thác từ 2021-2025.

Thêm vào đó, việc các dự án LNG tiếp tục được triển khai đúng kế hoạch sẽ tạo động lực tăng trưởng dài hạn cho GAS. Hiện dự án LNG Thị Vải đã hoàn thành trên 90% tiến độ xây dựng kho chứa LNG giai đoạn 1 và có thể bắt đầu nhập khẩu LNG từ tháng 11/2022 để bù đắp cho sản lượng thiếu hụt tại bể ngoài khơi Nam Côn Sơn và là nguồn nguyên liệu chính cho nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 từ 2023.

Nửa cuối năm 2022, TPS kỳ vọng GAS vẫn giữ mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ, nhờ nhu cầu khí thiên nhiên cho sản xuất điện vẫn duy trì do tình trạng thiếu than sẽ dẫn đến việc tiêu thụ khí ở mức cao cho nhiệt điện; hoạt động sản xuất phục hồi với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 6 tăng 11,5% cùng kỳ, hoạt động sản xuất tăng trưởng là yếu tố thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ khí thấp áp, khí CNG và khí LPG.

Đồng thời, việc giá dầu vẫn duy trì mức cao so với mức nền của năm 2021 do nút thắt nguồn cung chưa được tháo gỡ vì xung đột Nga-Ukraine vẫn căng thẳng và nhu cầu phục hồi sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Với kịch bản giá dầu Brent trung bình năm 2022 đạt 90 USD/thùng, TPS dự báo doanh thu của GAS trong năm nay đạt 101.028 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 12.379 tỷ đồng, lần lượt tăng 28% và 43% so với năm trước. EPS tương ứng đạt 6.336 đồng/cổ phiếu.

Kết hợp 3 phương pháp gồm phương pháp chiết khấu dòng tiền của doanh nghiệp (FCFF), EV/EBITDA và P/E, TPS đưa ra mức giá mục tiêu cho GAS là 122.100 đồng/cổ phiếu, tương đương với tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng 27,4% so với giá đóng cửa ngày 6/7.

PHS: Khuyến nghị mua cổ phiếu BSR, tiềm năng tăng giá 41%

Kết thúc quý I, Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) doanh thu 34.800 tỷ đồng (tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế 2.300 tỷ đồng (tăng 25%). Đây là một mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh nguồn cung trên toàn thế giới thiếu hụt và giá dầu tăng đột biến do xung đột vũ trang khốc liệt ở Ukraine và các lệnh trừng phạt theo sau đó có chiều hướng gia tăng.

Bên cạnh đó, biên lọc dầu cũng được mở rộng đáng kể nhờ sự phục hồi của nhu cầu xăng dầu từ các hoạt động sản xuất và vận tải trên toàn quốc.

Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) kỳ vọng doanh thu của BSR sẽ tăng mạnh trong năm 2022, trong điều kiện giá dầu và khí đốt tăng cao trong thời gian dài khi Nga, một trong những nhà cung cấp lớn nhất, ngày càng bị cô lập trong mua bán dầu khí với nhiều nước, đặc biệt là EU và các nước G7 khác.

Ở kịch bản cơ sở, khi giá dầu ổn định ở mức 90 USD/thùng, doanh thu có thể đạt 138.500 tỷ đồng (tăng 37% cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 9.700 tỷ đồng (tăng 46%).

Kể từ năm 2021, biên lợi nhuận đã có sự cải thiện khi nền kinh tế nhanh chóng phục hồi trở lại trạng thái bình thường, dẫn đến giá xăng dầu và sản phẩm hóa dầu khác tăng cao.

PHS cũng dự báo, sự phục hồi mạnh mẽ của sản lượng bán dự kiến sẽ diễn ra trong năm 2022 từ mức thiệt hại nặng nề do đại dịch và các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt.

Trong khi DQRE thường xuyên hoạt động trên 100% công suất thiết kế, doanh nghiệp cũng đang mở rộng quy mô sản xuất với một dự án đầy tham vọng nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng, dự án này sẽ giúp khỏa lấp nguồn cung thiếu hụt trong nước và cho phép nhà máy xử lý được dầu thô chua, có giá thành thấp nhưng khó khăn trong việc xử lý.

Bên cạnh đó, trong khi mức tiêu thụ xăng dầu trên đầu người của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực, thì tốc độ tăng trưởng ô tô đang diễn ra rất nhanh chóng và người dân có xu hướng di cư ra xa các trung tâm đô thị. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ kích thích tiêu thụ xăng dầu và thắp sáng triển vọng dài hạn cho BSR.

Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá hợp lý là 32.300 đồng/cổ phiếu. Do đó, công ty chứng khoán này đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu BSR với mức tăng giá tiềm năng là 41%. Định giá đã bao gồm dự án mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất, điều này giúp phản ánh giá trị của BSR một cách đầy đủ.

MASVN: Khuyến nghị mua cổ phiếu GMD

Trong quý I, tổng sản lượng thông quan hệ thống cảng biển của Công ty Cổ phần Gemadept (HoSE: GMD) đạt hơn 785.000 TEU (tăng 51% cùng kỳ năm trước), chiếm gần 12,5% tổng sản lượng thông quan của hệ thống cảng biển Việt Nam.

Trong đó, sản lượng container của cảng quốc tế Gemalink đạt mức 1 triệu TEU đầu tiên sau 12 tháng hoạt động (tương đương mức trung bình 83.000 TEU/tháng), xấp xỉ 84% công suất thiết kế giai đoạn 1.

Bên cạnh đó, sản lượng của nhóm cảng Hải Phòng tiếp tục tăng trưởng tốt ở mức 21% so với quý I/2021. Lợi nhuận từ các công ty liên kết tích cực, trong đó tiêu biểu là các công ty thuộc mảng logistics chủ chốt. Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận hoạt động đã trở lại mức trước đợt phong tỏa hồi quý III/2021.

Cụ thể, hết quý I/2022, GMD ghi nhận doanh thu đạt 879,9 tỷ đồng, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận trước thuế đạt 350,24 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 319,16 tỷ đồng, tăng 85,7%.

Năm 2022, GMD dự kiến doanh thu hợp nhất đạt 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.000 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 19% và 24% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, hết quý 1/2022, GMD đã hoàn thành 35% kế hoạch lợi nhuận năm.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) dự báo trong quý II và quý III, với việc sản xuất trong nước và cũng như hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan cảng biển tăng trưởng tốt, có thể GMD sẽ tiếp tục hưởng lợi nhờ hệ thống cảng biển và kho vận rộng khắp toàn quốc.

MASVN dự phóng doanh thu quý II và quý III khả năng cao sẽ đạt trên 800 tỷ đồng mỗi quý. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế dự phóng tăng mạnh lên mức lần lượt 285,7 tỷ đồng (tăng 60% cùng kỳ) và 307 tỷ đồng (tăng 90% cùng kỳ).

Cho năm 2022, MASVN dự phóng sản lượng container thông quan các cảng chính GMD (trừ Gemalink) đạt khoảng 1,9 triệu TEU (tăng 4,2% so với năm trước). Sản lượng của cảng Gemalink dự kiến sẽ đạt mức tối đa công suất 1,2 triệu TEU. Sản lượng cảng Dung Quất dự phóng đạt 2,7 triệu tấn (tăng 12,5% cùng kỳ).

Bên cạnh đó, MASVN loại trừ thu nhập từ mảng cao su khi GMD định hướng thoái vốn khỏi mảng này. Cuối cùng, dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2022 của GMD lần lượt 3.456 tỷ đồng (tăng 7,7% cùng kỳ) và 1.209 tỷ đồng (tăng 68% cùng kỳ).

Tuy nhiên trong ngắn hạn, hoạt động tại các cảng chủ chốt trên thế giới vẫn tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng của chính sách "Zero-covid" tại Trung Quốc và các lệnh trừng phạt của Phương Tây nhằm vào Nga và lãi suất. Đó là các yếu tố không chắc chắn có thể làm thay đổi giá trị của doanh nghiệp và cổ phiếu GMD.

Hiện tại, MASVN tiếp tục duy trì mức lợi suất yêu cầu (RRR) 12%, tỷ lệ tăng trưởng sau năm 2030 khoảng 5% và một số giả định khác. Sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do (FCFF), công ty chứng khoán này xác định mức giá hợp lý của cổ phiếu GMD là 64.000 đồng/cổ phiếu.

Cùng chuyên mục
Tin khác